Ngư dân “vơi bát cơm” vì cát tặc lộng hành

Thứ Ba, 29/08/2017, 08:33
Gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực cửa sông Văn Úc, cửa biển Tiên Lãng (Hải Phòng)… đã phá hoại ngư trường và các bãi nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng đến “miếng cơm manh áo” của người dân địa phương. Đặc biệt, cát tặc đã tác động xấu đến bãi, gồ chắn sóng, làm sạt lở một số đoạn rừng cây ngập mặn, đe dọa tuyến đê biển tại các khu vực này.

Theo phản ánh của nhiều ngư dân 2 xã Đoàn Xá và Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), hằng ngày vẫn có từ 3 đến 5 tàu loại gần 1.000 tấn, lợi dụng đêm tối, thậm chí ngang nhiên giữa ban ngày vào tận bên trong cửa sông Văn Úc hút cát (bà con đã ghi lại được một số hình ảnh).

Thủ đoạn mới của các con tàu này là vừa chạy chậm, vừa hút cát, khi phát hiện nghi vấn là lập tức rút vòi bỏ chạy. Đã nhiều lần người dân phát hiện, điện báo cho các cơ quan chức năng, Bộ đội Biên phòng, nhưng khi lực lượng chức năng đến hiện trường thì những “cát tặc” này đã rút êm... dẫn đến sự bức xúc trong dư luận người dân.

Hình ảnh một tàu khai thác cát trái phép tại cửa sông Văn Úc do người dân ghi lại.

Hơn nữa, thời gian vừa qua, đột nhiên Công ty CPTMDV Đông Kinh cho người xuống thả phao tiêu vào khu vực đang nuôi ngao của bà con và thông báo đã được thành phố cấp phép cho Công ty khai thác một mỏ cát có diện tích gần 100ha tại đây trong thời hạn 10 năm. Điều đáng nói là mỏ cát “được cấp” này nằm chồng lấn lên diện tích của bà con đã nuôi trồng thủy sản tại khu vực này từ nhiều năm trước.

Trước các tình trạng trên, hàng trăm hộ dân khai thác và nuôi trồng thủy sản 2 xã Đoàn Xá và Đại Hợp đã kiên quyết phản đối và có đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng của huyện và thành phố, đề nghị có các biện pháp xử lý cát tặc, cũng như giải quyết mâu thuẫn trong việc chồng lấn qui hoạch giữa khai thác cát và khu vực nuôi thả ngao của người dân.

Để nắm bắt, giải quyết những bức xúc, kiến nghị của người dân, UBND thành phố đã chỉ đạo huyện Kiến Thụy, các cơ quan chức năng, Bộ đội Biên phòng tổ chức buổi làm việc, nghe phản ánh, lấy ý kiến của các hộ nuôi ngao và doanh nghiệp về các vấn đề nêu trên. Tại buổi làm việc, đại đa số ý kiến của các hộ nuôi ngao đều phản ánh những bức xúc về nạn khai thác cát trái phép cũng như việc cấp phép khai thác cát chồng lấn vào diện tích nuôi ngao của bà con.

Bà Bùi Thị Lại, đại diện HTX đánh cá Nam Hải và bà con khai thác, nuôi trồng thủy sản xã Đoàn Xá phản ánh: “Người dân chúng tôi từ đời ông cha vẫn bám biển, đánh bắt cá ngoài khơi và trên ngư trường này, từ khi gặp khó khăn về khai thác thủy sản trên biển, chúng tôi bán tàu bè, vay tiền ngân hàng đầu tư vào nuôi thả ngao. Số tiền đầu tư tới nhiều trăm tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, ổn định thu nhập 7 đến 8 triệu đồng người/tháng. Đi đôi với đó, nuôi ngao làm tốt cho ngư trường nên việc đánh bắt thủy sản tại đây rất hiệu quả.

Thời gian 2 tháng trước, do các tàu cát tặc vào khai thác ồ ạt ngay trong các bãi ngao, đã làm cho ngao chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của bà con. Nay nếu thành phố lại cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát chồng lấn vào bãi nuôi ngao thì coi như hủy diệt bãi ngao của bà con. Chúng tôi đề nghị thành phố xem xét lại dự án này và cho chúng tôi được thuê mặt nước, đóng thuế, cũng như làm mọi nghĩa vụ với Nhà nước để tiếp tục khai thác thủy sản và nuôi ngao, đảm bảo công ăn việc làm, đời sống cho người lao động cũng như bảo vệ ngư trường, môi trường biển…”.

Ông Nguyễn Thế Hiển, đại diện bà con khai thác, nuôi trồng thủy sản xã Đại Hợp đồng tình với ý kiến trên của bà Lại. Về việc các tàu khai thác cát trái phép làm ảnh hưởng đến môi trường, ông phản ánh: “Khu vực các bãi bồi bà con vẫn đánh bắt thủy sản từ bao đời nay và hiện đang nuôi ngao là các gồ chắn sóng bảo vệ đê điều cho toàn khu vực.

Đây cũng là tuyến đê xung yếu, không chỉ bảo vệ cho nhân dân các xã chúng tôi, mà còn cho cả huyện, thành phố mỗi khi có bão về. Nếu doanh nghiệp mà hút cát tại đây trong 10 năm (như giấy phép) thì chắc chắn các gồ chắn sóng này không còn nữa, đi với đó, hệ thống rừng ngập mặn chắn sóng do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cũng sẽ không thể tồn tại. Thực tế vừa qua mới chỉ một số con tàu hút cát trộm đã làm sạt lở hàng trăm mét chân rừng Trang Vẹt rồi, những con đê liệu có đứng vững trước bão tố...

Chưa nói đến việc khai thác cát sẽ tạo thành “những vực sâu” khiến những diện tích nuôi ngao của người dân xung quanh khu vực “mỏ cát” sẽ sạt hết, thiệt hại là không thể tính được... Để bảo vệ môi trường, cuộc sống của người dân chúng tôi, đề nghị thành phố cần xem xét lại các qui hoạch, dự án này. Chúng tôi cũng đề nghị thành phố cùng các cơ quan chức năng, cần quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn và xử lý cát tặc đang hoành hành ở khu vực này…”.

Trung tá Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng Đồn Biên phòng Đoàn Xá cho biết: “Đơn vị không bao che đối với các hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn mà đơn vị phụ trách, đề nghị bà con nếu phát hiện có các tàu khai thác cát trái phép trong khu vực cần báo ngay cho Đồn, chúng tôi sẽ có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn…”.

Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp Nguyễn Hồng Ban cũng khẳng định: “Bà con ngư dân trong xã khi chuyển đổi từ khai thác thủy sản xa bờ về đánh bắt cá và nuôi ngao từ nhiều năm nay đã đạt được những hiệu quả kinh tế nhất định, giải quyết việc làm ổn định. Việc cấp qui hoạch mỏ cát chồng lấn vào diện tích nuôi ngao của dân, đề nghị các ngành chức năng tham mưu cho thành phố đưa ra giải pháp tốt nhất để đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như các doanh nghiệp liên quan…”.

Trước những kiến nghị của người dân và lãnh đạo chính quyền cơ sở, thiết nghĩ UBND thành phố Hải Phòng cùng các cơ quan chức năng cần xem xét, sớm đưa ra phương án giải quyết thấu tình đạt lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như phù hợp với qui hoạch phát triển của thành phố.
Văn Thịnh
.
.
.