Mắc nợ… vì nông thôn mới

Thứ Tư, 03/08/2016, 08:14
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bên cạnh những địa phương làm tốt, thì có những địa phương để lại khoản nợ chồng chất, dẫn đến nhiều lãnh đạo địa phương bị kỷ luật. Thậm chí, có những xã NTM “chín ép”, khiến bộ mặt NTM vẫn còn rất cũ…

Vung tay quá trán

Ban Chấp hành Tỉnh ủy Bạc Liêu trong phiên họp ngày 10-6-2016, thống nhất hình thức kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Trần Hoàng Duyên, nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Long nhiệm kỳ 2010-2015.

Trước đó, hai lãnh đạo khác của huyện này cũng bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng là ông Phan Thành Đông – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện (hiện là Phó Bí thư Huyện ủy) và ông Lâm Thành Sáo - Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện. Những cán bộ trên bị kỷ luật vì mắc nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng NTM tại huyện Phước Long. 

Trong đó, ông Trần Hoàng Duyên được xác định là người đứng đầu chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều dự án trong khi chưa cân đối được nguồn vốn làm cho nợ đọng liên tục tăng và khó khắc phục.

Cụ thể, năm 2013 nợ đọng của huyện Phước Long trên 124,8 tỷ đồng, năm 2014 là 211,2 tỷ đồng và đến cuối năm 2015 là gần 400 tỷ đồng. Các lãnh đạo huyện này còn chủ trương tạm mượn nguồn chi thường xuyên cho các phòng, ban, xã, thị trấn chi tạm ứng vốn các công trình xây dựng cơ bản là trái quy định về quản lý ngân sách, dẫn đến nợ tạm ứng ngày càng tăng. 

Đường về Phước Long (Bạc Liêu) hôm nay đã đổi thay rất nhiều nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Có thời điểm huyện nợ từ 2 - 3 tháng tiền lương của cán bộ và chi trả các chế độ chính sách không kịp thời. Tính đến cuối năm 2015, nợ tạm ứng ngân sách là trên 291 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Phước Long vẫn cương quyết tiếp tục thực hiện xây dựng NTM bằng được. Lúc này, để có được khoản tiền gọi là nguồn Quỹ an sinh xã hội xây dựng NTM, ông Trần Hoàng Duyên; ông Phan Thành Đông và ông Lâm Thành Sáo cùng bàn bạc thống nhất lấy tiền cá nhân cho Quỹ an sinh xã hội xây dựng NTM huyện vay với tổng số tiền trên 30 tỉ đồng. 

Cụ thể, ông Trần Hoàng Duyên và bà Nguyễn Hồng Hoa (vợ ông Duyên) cho vay tổng cộng 8 lần với tổng số tiền trên 13 tỉ đồng lấy lãi 267 triệu đồng; ông Lâm Thành Sáo cho vay 5,3 tỉ đồng lấy số lãi trên 200 triệu đồng; ông Phan Thành Đông cho vay hơn 1,4 tỉ đồng, lấy lãi hơn 80 triệu đồng. 

Ngày 15-7-2014 ông Trần Hoàng Duyên cho Quỹ an sinh xã hội xây dựng NTM huyện vay 1,8 tỉ đồng đến ngày 19-1-2015 kho bạc chuyển trả cho ông Duyên phần gốc 1,8 tỉ đồng và 103 triệu đồng tiền lãi…

Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết, do là huyện điểm xây dựng NTM được Trung ương chọn và kế hoạch đến hết năm 2015 phải hoàn thành nên chúng tôi phải làm nước rút. 

Để hoàn thành đúng tiến độ, chúng tôi đã vận động các nhà thầu ứng vốn đầu tư xây dựng công trình trước, khi có nguồn hỗ trợ của cấp trên sẽ hoàn trả lại sau. Nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, kinh phí cấp trên hỗ trợ rất ít dẫn đến bị thâm hụt lớn.

Cuối năm 2015, tình hình nợ các công trình rất căng thẳng, chúng tôi phải vận động cán bộ và công nhân viên toàn huyện cho nợ lương mấy tháng để lấy tiền đó thanh toán, giảm bớt khó khăn cho các nhà thầu (?!)…

Ông Trương Văn Phong (59 tuổi, ngụ Vĩnh Thanh, huyện Phước Long), cho biết: “Từ khi triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của huyện Phước Long nói chung, xã Vĩnh Thanh nói riêng thay đổi hoàn toàn. Đường sá đi lại dễ dàng, “ấp liền ấp, nhà liền nhà”, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Ngoài ta, chúng tôi còn được hỗ trợ vốn, tham gia vào các tổ hợp tác, tạo động lực để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tuy nhiên, cũng chính vì nôn nóng xây dựng NTM mà thời gian qua một số lãnh đạo huyện đã mắc phải sai lầm, dẫn đến bị kỷ luật. Đây là điều đáng tiếc nhất trong xây dựng NTM ở Phước Long vừa qua”.

Xã nông thôn mới “chín ép”

Ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay có rất nhiều xã đạt chuẩn xã NTM. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng “chín ép”, khiến người dân rất băn khoăn. Long Hưng, xã đầu tiên của huyện Mỹ Tú được công nhận là xã NTM cách đây hơn 1 năm, nhưng đến nay vẫn còn “nợ” người dân một công trình dân sinh - đó là chợ trung tâm xã.

Chợ xã Long Hưng đã có, nhưng hơn 1 năm nay trong tình trạng đìu hiu. Ông Mạch Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng, cho biết: “Bà con gọi là chợ chứ thực chất tên gọi đầy đủ là Trung tâm thương mại Long Hưng. Trong đó vừa có chợ, vừa có khu dân cư theo dạng nhà phố".

Chợ Long Hưng (xã NTM), huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) vắng như “chùa Bà Đanh”.

Để có khu trung tâm thương mại này, chính quyền phải thu hồi 1,6 ha đất của người dân, cộng với khoảng 1,2ha đất công. Sau khi thu hồi, san lấp mặt bằng, xây dựng đường nội bộ, xây nhà lồng... với kinh phí trên 20 tỉ đồng. Nhưng do thói quen nên người dân chưa vào chợ mới mà vẫn đi chợ bên Phụng Hiệp. 

Hiện nay chính quyền đang cho bán đấu giá 95 lô đất thuộc diện nhà phố với diện tích 8.030,8m² với giá khởi điểm là trên 18,3 tỉ đồng. Sau khi bán xong sẽ thực hiện xây dựng khu trung tâm thương mại qui mô, đưa vào hoạt động” (?!).

Theo người dân địa phương, viễn cảnh Trung tâm thương mại Long Hưng chỉ là “giấc mơ”, bởi với một xã nông thôn vùng sâu vùng xa, Trung tâm thương mại như vậy không hấp dẫn. Hiện nay, toàn bộ khu Trung tâm thương mại cỏ mọc đầy, che khuất cả mặt tiền lẫn mặt hậu.

Còn ở xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), một xã có trên 92% dân số là đồng bào Khmer sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp cũng bắt tay vào xây dựng NTM từ năm 2010 và đang phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Tuy nhiên, vẫn còn muôn vàn khó khăn đối với địa phương để đạt được tiêu chí xã NTM. 

Ông Thạch Minh Lây, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết: “Mỗi năm xã thu ngân sách chỉ khoảng 100 triệu, trong khi mỗi năm chỉ riêng chi thường xuyên và chi lương cho đội ngũ cán bộ xã đã hết trên 3 tỉ đồng. Muốn xây dựng xã NTM, cần có 500 tỉ đồng. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì rất khó đạt được chỉ tiêu đề ra” – ông Lây cho biết.

Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên) là xã đầu tiên của huyện được công nhận là xã NTM nhưng vẫn còn nhiều cái cũ. Cụ thể, ngay tại chợ trung tâm xã là chợ Cổ Cò, tình trạng ngập úng diễn ra nghiêm trọng khiến người dân bức xúc. Nguyên nhân chính là do một hộ dân ngang nhiên chắn đường thoát nước phía sau khu dân cư khiến cho nuớc thải từ các hộ khác không có đường thoát, gây ngập úng, ô nhiễm nghiêm trọng… 

Còn tại xã Hòa Đông (TX Vĩnh Châu) là xã vừa được công nhận đạt chuẩn NTM, nhưng bộ mặt của xã không mới bao nhiêu. Nhiều giáo viên ở xa về địa phương này công tác không có nhà công vụ phải ở tạm trong một khu nhà vốn là những phòng học không còn sử dụng, bị ngập nước mỗi khi có mưa xuống, mái bị dột nhiều chỗ...

Đích đến của NTM ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL vẫn ở phía trước. Hạ tầng giao thông, thủy lợi tuy được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Phần lớn đường giao thông nông thôn trên địa bàn vùng mới phục vụ cho đi lại, chưa đáp ứng tốt vận chuyển hàng hóa, nông sản và chưa kết nối liên vùng với các trục giao thông chính. 

Chợ nông thôn còn tạm bợ, chưa thật sự trở thành kênh phân phối hai chiều và cầu nối cho nông thôn và đô thị. Chưa hút được doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. NTM vùng ĐBSCL muốn đạt hiệu quả cao cần tiếp tục giải quyết những khó khăn về vốn, cơ sở hạ tầng và chăm lo an sinh xã hội.

Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.