Lời thỉnh cầu của 500 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng

Chủ Nhật, 26/08/2018, 07:06
Việc UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ra quyết định sẽ “chấm dứt hợp đồng” đối với hơn 500 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk sau 5 tháng tạm dừng để “tìm giải pháp nhân văn hơn”, khiến hàng trăm giáo viên hợp đồng lâm vào cảnh mất việc, phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm sống… trong khi đó, những người có trách nhiệm để xảy ra việc này lại chưa bị xử lý đúng theo quy định…


Bươn chải đủ nghề

Tiếp chuyện với PV Báo CAND, anh Nguyễn Ánh Dương (32 tuổi, trú tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk), giáo viên hợp đồng “trong chỉ tiêu biên chế” Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai đứng ngồi không yên khi nhìn mấy chiếc máy cắt, máy hàn nằm bên góc hiên nhà. 

Hơn 10 ngày qua, trời mưa dầm khiến công việc của anh gặp nhiều khó khăn. “Được vài ngày nắng thì không có việc để làm, cả tháng nay chỉ kiếm chưa tới 1 triệu đồng. Trong nhà không còn cắc bạc nào khi 3 đứa con nheo nhóc sắp đến ngày tựu trường…”, anh Dương lo lắng.

Anh Dương cho biết, cuối năm 2012, anh được UBND huyện Krông Pắk ra quyết định ký hợp đồng lao động và cử về Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai dạy môn hóa học. Chiều 20-1-2017, nhà trường mời 22 giáo viên dạy hợp đồng lên ký lại hợp đồng thời vụ (từ tháng 2 đến tháng 7-2017) với mức lương 1.500.000 đồng/tháng/người.

“Trừ 32,5% tổng lương để đóng các loại bảo hiểm, mỗi người chỉ còn nhận vỏn vẹn 1.002.500 đồng. Chỉ có 17 giáo viên đồng ý ký hợp đồng thời vụ, 5 giáo viên từ chối, yêu cầu nhà trường thực hiện đúng hợp đồng đã ký theo quyết định của UBND huyện. Từ đó đến nay, nhà trường đã đơn phương cắt hợp đồng với 5 chúng tôi”, anh Dương thông tin.

Rất nhiều giáo viên băn khoăn lo lắng trước nguy cơ mất việc.

Mất việc, anh Dương đành xoay xở vốn để đầu tư chăn nuôi heo nhưng cũng không thành vì trúng thời điểm giá heo xuống thấp. Không còn cách nào khác, anh lại vay thêm vốn để đầu tư mua các loại máy cắt, máy hàn để đi làm thợ sắt. “Thiếu vốn nên tôi chỉ dám nhận các mối nhỏ lẻ hoặc nhận làm một phần việc của chủ tiệm nào đó giao lại. Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, cuộc sống của tôi hết sức khó khăn”, anh Dương buồn bã.

Cũng theo anh Dương, vợ anh là giáo viên cấp 3, trường cách nhà gần 30km, anh lại thất nghiệp nên việc chăm sóc 3 đứa con hết sức khó khăn, vất vả. “Tài chính thiếu thốn nên vợ chồng hay cãi nhau. Cực chẳng đã tụi mình đã đưa nhau ra tòa ly hôn nhưng vì đứa con thứ 3 mới sinh nên lại về ở với nhau. Tôi chỉ mong UBND huyện sớm có giải pháp thỏa đáng, trong đó có bồi thường để tôi có chút vốn xoay xở cuộc sống hiện tại”, anh Dương xót xa.

Cũng như anh Dương, anh Nguyễn Tuấn Anh (giáo viên tin học Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) không sống nổi với mức lương giáo viên 1 triệu đồng/tháng nên bỏ việc đi làm thuê đủ nghề từ bốc vác, phụ hồ, lái xe...

Năm 2017, cùng với những người bạn khác, anh góp 40 triệu đồng mở một quán nhậu bình dân ở TP Đà Nẵng. Thế nhưng, sau một thời gian hoạt động, quán cũng phải sang lại vì thua lỗ. “Sang quán lại lỗ, nợ chồng nợ nhưng biết sao được, đói đầu gối phải bò. Mới đây mình nhận đi nấu ăn cho một quán khác để lấy tiền chi trả nợ nần đã vay”, anh Tuấn Anh nói.

Theo tìm hiểu, anh Tuấn Anh và cô giáo Trịnh Thị Bích Hạnh (cùng trường, cùng mất việc) yêu nhau và dự định kết hôn nhiều lần. Do mất việc, Tuấn Anh đi xuống Đà Nẵng, còn chị Hạnh vào Bình Dương làm công nhân may mặc để mưu sinh. Ước mơ chung đôi của hai giáo viên hợp đồng vì vậy mà mãi vẫn chỉ là “dự định”. “Tụi mình tính cuối năm nay sẽ cưới nhau nhưng giờ quán thua lỗ, công việc mới chưa ổn định lại tiếp tục hoãn rồi”, anh Tuấn Anh buồn bã nói.

Người ký chỉ bị xử lý “nhẹ nhàng”

Ngày 9-3-2018, UBND huyện Krông Pắk ra thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng đối với hơn 500 giáo viên dôi dư khiến nhiều người hoang mang, dư luận bức xúc. Để “hạ nhiệt”, ngày 11-3-2018, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản hỏa tốc yêu cầu huyện Krông Pắk tạm dừng việc thanh lý hợp đồng “để tìm giải pháp nhân văn hơn”. Thế nhưng mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo Thanh tra Chính phủ về việc sẽ chấm dứt hợp đồng với 550/578 giáo viên dôi dư, thời hạn cuối cùng là tháng 10-2018.

Trên tinh thần chỉ đạo này, ngày 2-8, ông Y Suôn Byă, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (người đã ký khoảng 100 hợp đồng giáo viên dôi dư - PV) đã có văn bản gửi đến các phòng, ban, nhà trường yêu cầu “thực hiện nghiêm việc chấm dứt hợp đồng” với các giáo viên dôi dư đúng quy định.

Sau nhiều lần liên hệ với UBND huyện Krông Pắk để xin phương án chấp dứt hợp đồng, hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên mất việc, chúng tôi được ông Đoàn Đại Lý, Chánh văn phòng UBND huyện Krông Pắk cho rằng: “Phương án đã được làm rất chặt chẽ, đúng quy định nên phóng viên cứ yên tâm. Phương án không có gì là bí mật cả nhưng sẽ được chuyển về các trường có liên quan để thực hiện rồi mới có thông cáo báo chí sau”, ông Lý nói.

Riêng những lãnh đạo “góp phần” vào tình trạng dôi dư hiện nay, khi phóng viên muốn gặp để hỏi rõ sự việc thì đều né tránh. Theo đó, từ năm 2011 đến hết 2015, không rõ dựa vào căn cứ, phê duyệt nào mà 3 đời chủ tịch UBND huyện, trong đó có các ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Phó ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk 2011-2016) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch đương nhiệm) đã đặt bút ký quyết định tuyển dụng 588 giáo viên, 80 nhân viên các trường học từ mầm non đến THCS.

Với các sai phạm này, ông Kỷ (ký khoảng 400 hợp đồng) bị kỷ luật cảnh cáo và “về hưu nhẹ nhàng”. Còn ông Y Suôn Byă (ký khoảng 100 hợp đồng), với trách nhiệm người đứng đầu cũng chỉ bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng lẫn chính quyền. Hiện ông Y Suôn lại là người đứng đầu, đang chỉ đạo các ngành liên quan “nghiêm túc thực hiện việc chấm dứt hợp đồng với các giáo viên” gây bức xúc trong dư luận.

Văn Thành
.
.
.