Loay hoay việc bảo vệ rừng giáng hương cổ thụ

Thứ Tư, 02/10/2019, 08:13
Mặc dù các cấp, ngành chức năng huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã triển khai rất nhiều biện pháp để quản lý, bảo vệ rừng nhưng rừng vẫn liên tục bị mất, trong đó gỗ giáng hương cổ thụ được “lâm tặc” đặc biệt chú ý, lén lút khai thác do giá trị kinh tế cao...


Gỗ giáng hương cổ thụ liên tục bị “xẻ thịt”

Huyện Kbang có diện tích rừng tự nhiên lớn, có nhiều loài, cây gỗ quý hiếm, giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây giáng hương cổ thụ nằm chủ yếu tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý. Tài nguyên rừng phong phú cũng là mảnh đất màu mỡ để “lâm tặc” ngày đêm lăm le tìm cách “xẻ thịt”gỗ quý.

Ngày 24-3, đối tượng Lê Văn Toàn (SN 1997, trú thị trấn Kbang, huyện Kbang) đang vận chuyển thuê gỗ giáng hương cho Trần Sĩ (SN 1996, ở thị trấn Kbang) trên xe ôtô BKS 81M-3393 thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Số lượng gỗ Toàn đang vận chuyển là 20 hộp gỗ giáng hương, tổng khối lượng 5,313m3.

Qua đấu tranh khai thác, Trần Sĩ khai nhận đã vào rừng chọn cây và thuê người cắt hạ. Hạt Kiểm lâm huyện Kbang đã ra quyết định khởi tố vụ án và bàn giao hồ sơ, tang vật có liên quan cho Công an huyện Kbang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Tiếp đó, từ ngày 1 đến 7-4, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện vụ cưa hạ cây giáng hương trái phép tại tiểu khu 87 và tiểu khu 82 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý.

Cây giáng hương cổ thụ bị cưa hạ trái phép.

Cụ thể, ngày 1-4, lực lượng Kiểm lâm phát hiện tại lô 8, khoảnh 8, tiểu khu 87 có 6 cây gỗ bị khai thác trái phép. Trong số này có 4 cây giáng hương bị cưa hạ, thiệt hại hơn 13m3. Đến ngày 7-4, lực lượng bảo vệ rừng bắt quả tang Hoàng Văn Duệ (SN 1985, trú xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đang cùng đồng bọn xẻ gỗ giáng hương trái phép tại khoảnh 2, tiểu khu 82, gây thiệt hại gần 4m3. Hạt Kiểm lâm huyện Kbang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự 2 vụ khai thác rừng trái phép trên và chuyển hồ sơ cho Công an huyện tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Mới đây nhất, tháng 8-2019, lực lượng chức năng huyện Kbang phát hiện 2 cây giáng hương cổ thụ bị ngã đổ tại khoảnh 3, tiểu khu 94, lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý. Tổng khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là gần 18m3. Đáng chú ý, cây bị ngã đổ là do sự tác động của con người như cắt vào thân cây, khoan lỗ, đốt gốc cây và lấy gỗ phần bạnh nhằm tạo thế bất lợi cho cây, từ đó dẫn đến việc cây dễ dàng bị bật gốc, ngã đổ khi mưa, bão.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, thời điểm năm 2014, khu vực rừng thuộc huyện Kbang có quần thể giáng hương lớn nhất tỉnh Gia Lai với 407 cây giáng hương cổ thụ. Tuy nhiên, đến tháng 9-2019, giáng hương cổ thụ chỉ còn lại 285 cây nằm rải rác trên diện tích gần 8.000ha rừng tại 27 khoảnh của 7 tiểu khu do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý.

Ngành chức năng gặp khó

Theo quy định của Chính phủ thì cây giáng hương thuộc nhóm IIA thuộc các loài thực vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần đây phương thức khai thác của “lâm tặc” có sự thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây, các đối tượng cưa hạ cây rồi xẻ hộp tại chỗ hoặc dùng máy móc kéo gỗ ra ngoài thì hiện nay, lâm tặc chỉ cưa hạ cây rồi bỏ đi. Sau thời gian nghe ngóng, các đối tượng quay lại hiện trường xẻ hộp, kéo gỗ ra ngoài và đốt luôn gốc, cành nhánh để phi tang.

Tinh vi hơn, các đối tượng khoét sâu vào thân, xẻ nửa thân cây theo hướng thẳng đứng chứ không cưa hạ cây; phương tiện cưa xẻ cũng được độ chế, lắp các thiết bị giảm thanh nên khó bị phát hiện. Đặc biệt, giá bán gỗ giáng hương đang dao động từ 80-100 triệu đồng/m3 nên vì mục đích lợi nhuận, lâm tặc đã liều lĩnh, manh động, coi thường pháp luật và dùng nhiều thủ đoạn đưa phương tiện, máy móc vào rừng khai thác gỗ giáng hương trái phép.

Tình trạng trên nếu không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời thì tài nguyên rừng sẽ cạn kiệt, đặc biệt là những cây giáng hương cổ thụ sẽ bị xóa sổ.

Cuối tháng 6-2019, đoàn khảo sát của Ban Nội chính Tỉnh ủy Gia Lai đã đến khảo sát quần thể giáng hương tại xã Krong, huyện Kbang, lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý. Tại vị trí khảo sát có  gần 50 cây giáng hương cổ thụ, đường kính từ 1,3-1,7m.

Nhìn từ xa, cây vẫn sống bình thường nhưng qua xác minh thực tế thì có 21 cây giáng hương bị lâm tặc khai thác, phá hoại bằng nhiều hình thức, như: Bơm thuốc vào cây cho cây chết, dùng máy cưa cắt lấy rễ xung quanh, cắt bớt nhánh cây, khoét sâu vào thân cây đứng để lấy gỗ. 

Cụ thể: 4 cây còn sống có rễ dạng hình trụ tròn lớn đã bị cắt, vận chuyển khỏi hiện trường và chỉ còn vết cắt; 6 cây còn sống bị khoét sâu vào thân lấy một phần gỗ trên cây và đã vận chuyển khỏi hiện trường, chỉ còn lại vùng lõm của cây, người lớn có thể chui vào được, nếu có gió lớn thì có thể ngã đổ bất cứ lúc nào; 4 cây vẫn còn sống, mỗi cây có 2 nhánh nhưng đã bị cắt mất 1 nhánh, mang ra khỏi hiện trường; 6 cây có đường kính lớn đã bị khai thác, cắt xẻ và vận chuyển ra khỏi hiện trường; 1 cây bị đốn hạ nhưng chưa bị cắt xẻ, vận chuyển đi, cây ngã đổ đã làm sập trụ và gãy ống dẫn nước, ảnh hưởng đến phục vụ nước tưới cho cánh đồng làng Pơ Nang, xã Krong.

Qua kết quả khảo sát, Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị thành lập đoàn liên ngành của tỉnh để kiểm tra, đánh giá thực trạng những cây giáng hương cổ thụ và tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại huyện Kbang.

Ông Võ Ngộ, quyền Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa cho biết: Hiện công ty đang quản lý 8.424,88ha, trong đó diện tích có rừng là 7.769,1ha. Lâm phần công ty nằm trên địa phận hành chính 4 xã gồm Krong, Đak Rong, Sơn Lang và Sơ Pai với 20 làng. 

Những cây gỗ giáng hương cổ thụ nằm phân tán rải rác, nhiều đường đi lại trong rừng, nhiều đường vận chuyển qua các xã nhưng lực lượng quản lý, bảo vệ rừng quá mỏng không thể bố trí khắp các khu vực và kiểm tra các đường vận chuyển trong rừng được.

Ngoài ra, việc sinh hoạt, ăn ở trong rừng của lực lượng bảo vệ rừng rất khó khăn, nhiều khi mỗi khu vực chỉ có 1-2 người nên không thể quản lý, bao quát hết địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho hay: Do nhiều nguyên nhân khách quan và khó khăn về địa hình, con người, việc bảo vệ rừng có thời điểm không đạt được kết quả mong muốn, dẫn đến việc khai thác, vận chuyển lâm sản của lâm tặc vẫn lén lút diễn ra. Đặc biệt, gỗ giáng hương có giá trị kinh tế cao nên các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

Hiện nay, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do Chi cục Kiểm lâm tỉnh dẫn đầu đang kiểm tra, thống kê và đánh giá số lượng cây giáng hương cổ thụ còn lại trên địa bàn huyện để có phương án đề xuất cơ quan chức năng triển khai thực hiện những giải pháp quyết liệt, tập trung bảo vệ những cây giáng hương cổ thụ còn lại.

Liên quan đến việc số lượng cây giáng hương cổ thụ bị mất từ đầu năm 2019 đến nay, UBND tỉnh Gia Lai đã kỷ luật cảnh cáo đối với ông Võ Ngộ, quyền Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa vì đã để xảy ra khai thác rừng trái phép tại một số tiểu khu thuộc lâm phần do Công ty quản lý, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng (gồm 14 cây giáng hương, khối lượng gỗ tròn gần 60m3 và 18 cây gỗ rừng tự nhiên khác, khối lượng gỗ tròn gần 16m3).



An Khang
.
.
.