“Lâm tặc” ngang nhiên phá rừng gần trụ sở UBND xã
- Lợi dụng khai thác keo trồng để phá rừng quy mô lớn
- Làm rõ hành vi các đối tượng trong vụ phá rừng ở Phong Nha Kẻ Bàng
Những vạt rừng thông xanh mướt cạnh đường DT 725, đoạn qua địa bàn xã NThôn Hạ, huyện Đức Trọng, ngày nào nay chỉ còn trơ trọi phần gốc. Giá đất “phi mã” nhanh chóng được xem là một trong những nguyên nhân góp phần “bức tử” những vạt rừng, đẩy các cánh rừng phải rời xa khu dân cư nhường chỗ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và nhà cửa dựng lên.
Những cánh rừng thông mát rượi ven các quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó có xã NThôn Hạ, huyện Đức Trọng, dần trở nên xa xỉ. Vài năm qua, rừng dọc đường DT 725, đoạn từ xã Tà Nung (TP Đà Lạt) tới huyện Lâm Hà, vòng qua một phần huyện Đức Trọng liên tiếp bị đầu độc, chết trắng hàng loạt bằng một loại hóa chất có tính hủy diệt cao.
Mới đây, ngày 18-3, một vụ phá rừng xảy ra tại tiểu khu 271, xã NThôn Hạ, sát đường DT725, lâm phần do Ban chỉ huy xã đội xã NThôn Hạ bảo vệ. Điều thật khó hiểu là vị trí này chỉ cách trụ sở UBND xã NThôn Hạ vài trăm mét “đường chim bay”.
6 cây thông cổ thụ gần 40 năm tuổi bị cưa hạ ngổn ngang, đổ tràn cả ra đường DT 725 khiến các phương tiện di chuyển qua vị trí này bị tắc nghẽn trong thời gian dài. Trước đó, cũng tại khu vực trên đã liên tiếp xảy ra khoảng 10 vụ phá rừng, gây thiệt hại khoảng 20m3 gỗ tròn.
Số gỗ trong một vụ phá rừng gần đây tại xã NThôn Hạ, huyện Đức Trọng bị lực lượng chức năng thu giữ. |
Tại xã NThôn Hạ, huyện Đức Trọng, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất sản xuất, xây dựng nhà cửa đã đến mức đáng báo động. Hộ ông Lê Văn Tư, ngụ thôn Srê Đăng, xã NThôn Hạ nhận khoán bảo vệ 1,7ha rừng ở đồi Monkrit nhưng ông này sau đó đã tự ý khai thác toàn bộ số thông trên diện tích rừng được giao khoán bảo vệ.
Không những vậy, năm 2018, ông Lê Văn Tư còn tự ý xây dựng nhà cửa và ngang nhiên đưa máy móc vào múc đất để san lấp mặt bằng, vận chuyển đi nơi khác trên diện tích đất rừng được nhận giao khoán. Mặc dù UBND xã NThôn Hạ đã lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo, tham mưu cấp trên xử lý nhiều lần nhưng ông Tư không chấp hành, thậm chí ông này còn có thái độ thách thức cơ quan chức năng.
Hiện nay, lợi dụng những ngày nghỉ, ban đêm, ông Tư vẫn cho người lén lút múc đất, khai thác khoáng sản chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Tại khoảnh 1 và 2, tiểu khu 271, xã NThôn Hạ, thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng Lâm Hà vừa qua cũng liên tiếp xảy ra 3 vụ phá rừng, với 301 cây thông bị cưa trắng trên diện tích gần 1ha.
Theo UBND xã NThôn Hạ, phần lớn diện tích rừng bị phá nằm ở khu vực được giao khoán cho các hộ và doanh nghiệp quản lý, bảo vệ. Nhiều diện tích rừng bị phá nhưng các chủ rừng không báo cáo kịp thời. Hầu hết các vụ phá rừng, khi chủ rừng báo cáo về UBND xã NThôn Hạ và các cơ quan chức năng đều không xác định được đối tượng vi phạm nên công tác xử lý không đạt kết quả.
“Các đối tượng phá rừng ngày càng lộng hành, chúng tôi xác định được có cả những đối tượng đã có tiền án, tiền sự, chúng huy động khoảng 10 người và đi trên 2 xe ôtô con nổ máy chờ sẵn, khi phát hiện lực lượng chức năng thì nhanh chóng lên xe tẩu thoát!..”, ông Lê Bá Dương, Phó Chủ tịch UBND xã NThôn Hạ nói.
Ông Dương cho biết thêm, các đối tượng chuyên phá rừng với mục đích “xí phần”, lấn chiếm đất để sang nhượng lại cho người khác phần lớn ngụ tại xã Gia Lâm và thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. Trước hàng loạt vụ phát rừng, lấn chiếm đất rừng tại xã NThôn Hạ, UBND huyện Đức Trọng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ.
Nhiều người dân địa phương cho rằng, sở dĩ các vụ phá rừng trên địa bàn xã NThôn Hạ, huyện Đức Trọng, xảy ra ngày càng táo tợn, thách thức lực lượng chức năng là có sự “bảo kê” của một nhóm côn đồ “có máu mặt”. Nhóm này chuyên cho “đàn em” tới “xí phần” những khoảnh rừng có vị trí thuận lợi, nhất là gần đường đi, sau đó tổ chức phá rừng chiếm đoạt toàn bộ phần đất này để bán kiếm lời...