Kỳ quan Gành Đá Đĩa chưa được khai thác hiệu quả
Nằm cách TP Tuy Hòa hơn 40km về hướng Đông Bắc, Gành Đá Đĩa nằm bên chân núi Hòn Bù chồm mình vươn ra bãi cát xã An Ninh Đông, huyện Tuy An mở rộng hình vòng cung ôm lấy một vùng biển xanh mênh mông phía trước. Khi đến gần, du khách sẽ bất ngờ bởi những trụ đá đó được kết tạo từ nhiều phiến đá trông như chiếc đĩa xếp chồng lên nhau, cạnh đó là bãi đá nhập nhô với hàng triệu chiếc đĩa đá hình lục giác óng ả màu đen huyền bí phơi mình trong nắng gió.
Nhiều truyền thuyết dân gian đề cập sự hình thành Gành Đá Đĩa, trong đó có chuyện kể rằng khi tìm thấy cảnh quan thơ mộng nơi này, các vị thần tiên giáng trần trong những đêm trăng thanh, gió mát để ngắm cảnh, đối ẩm và bình thơ. Chén vàng, đĩa ngọc từ thiên đình đưa xuống để bày yến tiệc.
Du khách khám phá tuyệt tác thiên nhiên Gành Đá Đĩa. |
Trong cơn chếnh choáng, các vị thần tiên mải mê tìm đến cuộc chơi ở nơi khác, bỏ quên những chồng đĩa lâu ngày nên hóa đá. Các nhà khoa học lý giải quần thể đá ở Gành Đá Đĩa được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa – các danh thắng hơn 30km về hướng Tây Nam.
Trước kia, những con đường làng quê dẫn đến Gành Đá Đĩa gập ghềnh sỏi đá mùa nắng, lầy lội mùa mưa và chông chênh bên triền núi. Những năm gần đây, đường giao thông đến Gành Đá Đĩa đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng đế đón du khách, nhiều tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa đã được đầu tư xây dựng một số hạng mục hạ tầng thiết yếu như sân bãi đậu xe, nhà xe có mái che, khu vệ sinh, cây xanh, hệ thống điện nước…
Thế nhưng hàng chục năm qua du khách đến Gành Đá Đĩa chỉ để khám phá kỳ quan độc đáo của tạo hóa và chụp ảnh lưu niệm rồi lặng lẽ… ra về! Mặc dù Tỉnh ủy Phú Yên đã có chương trình hành động về đầu tư phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng ở địa phương giai đoạn 2016-2020, trong đó có đưa ra nhiều giải pháp quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, liên kết các địa phương trong khu vực để thu hút du khách, tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch… trong đó có ưu tiên kêu gọi đầu tư, hỗ trợ đầu tư khu vực danh thắng Gành Đá Đĩa - Bãi Bàng, nhưng đến thời điểm này, danh thắng Gành Đá Đĩa chưa thu hút được dự án đầu tư nào để phát triển du lịch.
Chính vì vậy sau mỗi cuộc khám phá “thiên đường hạ giới”, “di sản địa chất”, du khách không tìm thấy cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, nhà hàng và các loại hình dịch vụ giải trí thể thao, tắm biển… để thưởng ngoạn dài ngày ở đó. Sẽ là hoang phí tiềm năng du lịch một danh thắng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam nếu chỉ thu phí tham quan vài tỷ đồng mỗi năm từ du khách. Đến bao giờ kỳ quan thiên tạo Gành Đá Đĩa mới được khai thác hiệu quả?
Để lý giải câu hỏi đó, Phú Yên cần nỗ lực tìm kiếm giải pháp thu hút dự án đầu tư phát triển du lịch Gành Đá Đĩa – Bãi Bàng thành khu du lịch gắn với Di sản văn hóa đá để tạo điểm nhấn thu hút du khách đến xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh” và kích thích đầu tư những khu vực khác.