Kiến nghị xử lý hình sự hành vi tiêm thuốc an thần vào lợn

Thứ Ba, 03/10/2017, 08:42
Cơ quan chức năng khẳng định, lợn bị tiêm thuốc an thần sẽ gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, nhưng việc xử lý đối với hành vi này hiện còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 90 về việc này.

Liên quan đến vụ việc hơn 5.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ tại TP Hồ Chí Minh vừa bị phát hiện. 

Sáng 2-10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám cho biết, trong ngày 2-10, Bộ đã cử 1 đoàn công tác do Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Thú y vào TP Hồ Chí Minh để phối hợp với địa phương xử lý dứt điểm trong tuần này và công bố công khai trước dư luận. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng đang làm rõ các cá nhân liên quan đến vụ việc, xử lý trách nhiệm. 

Bộ NN&PTNT cùng với TP Hồ Chí Minh quyết liệt xử lý vấn đề này. Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để bắt quả tang được cơ sở giết mổ Xuyên Á, Bộ NN&PTNT đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an triển khai theo dõi cơ sở này 2 tháng qua, đồng thời có kế hoạch hành động rất cụ thể.

Hơn 5.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần nằm la liệt khi bị lực lượng chức năng phát hiện.

Liên quan đến việc xử lý các thương lái giết mổ ở lò mổ Xuyên Á, ông Vũ Văn Tám cho rằng, hiện nay, so với mức độ, quy mô vi phạm... thì mức xử phạt về tiền còn thấp. 

Bên cạnh đó, các hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động cơ sở Xuyên Á 3 tháng. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương sẽ rà soát lại chế tài xử phạt, nếu chưa đủ sức răn đe thì sẽ kiến nghị sửa đổi bổ sung Nghị định 90 cho phù hợp. 

Để ngăn chặn tình trạng này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT đang tăng cường, rà soát lại các quy định và các chế tài; đồng thời, tăng cường năng lực cho đội ngũ thú y và lực lượng chuyên ngành trên địa bàn toàn quốc. 

Cùng với đó là phối hợp với các địa phương, củng cố và tinh gọn lại bộ máy nhà nước; xử lý nghiêm các cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ, cũng như có các hành vi tiêu cực để xảy ra tình trạng tương tự.

Về lâu dài, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ Tổng kết 10 năm nghành Chăn nuôi. Hiện đang thực thi Luật Thú y, bên cạnh đó trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Chăn nuôi vào năm 2018. Ngoài ra, rà soát các hoạt động trong ngành Chăn nuôi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời, đảm bảo phù hợp với các thông lệ của quốc tế.

Còn theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NNN&PTNT cho biết, thịt lợn có tồn dư thuốc an thần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng, gây ra rối loạn hoạt động, ức chế thần kinh, hạ huyết áp, bệnh về đường tiêu hóa... 

Các cơ sở tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ, theo ông Dũng chia sẻ, việc làm này nhằm mục đích để lợn không cắn nhau khi vận chuyển. Như vậy, thương lái có thể chở được nhiều lợn hơn. 

Bên cạnh đó, tiêm thuốc an thần khiến lợn không bị giảm nhiều tỷ lệ thịt khi vận chuyển. Ngoài ra, thịt lợn sau khi giết mổ sẽ đỏ hồng, có màu sắc đẹp. Tuy nhiên, thịt lợn có tồn dư thuốc an thần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng.

Về mức xử phạt đối với hành vi này, ông Phạm Tiến Dũng nhìn nhận, mức xử phạt như hiện nay còn quá nhẹ, chỉ phạt từ 30 – 35 triệu đồng. 

“Đây là sai phạm có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của rất nhiều người dân. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị tiêu hủy toàn bộ số lợn trên (trên 5.200 con) để răn đe các cơ sở khác. Nếu việc tiêu hủy này chưa đủ sức răn đe, các cơ sở khác vẫn tiêm thuốc an thần vào lợn thì chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý hình sự đối với việc sử dụng thuốc an thần để tiêm vào lợn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra quyết liệt để tình trạng này không còn diễn ra”, ông Phạm Tiến Dũng cho hay.

Việc tiêu hủy lợn nhiễm chất tạo nạc hoặc các chất kích thích tăng trưởng cấm, thuốc an thần hay kháng sinh cấm đã được đặt ra từ lâu, nhưng chưa nhận được ý kiến đồng tình từ các bộ, ngành, địa phương. 

Từ năm 2015, vấn đề tiêu hủy lợn tồn dư chất tạo nạc Salbutamol cũng đã được đặt ra, nhưng phải đến năm 2016, một số ít lợn nhiễm chất tạo nạc nguy hiểm này mới được tiêu hủy ở TP Hồ Chí Minh.

Tiêu huỷ 3.750 con lợn bị tiêm thuốc an thần

Ngày 2-10, sau khi nhận được tờ trình từ Ban Chỉ đạo liên ngành về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã đồng ý với đề xuất tiêu huỷ ngay 3.750 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, không chờ thời gian đào thải mới đưa vào giết mổ.

Công văn chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với đoàn Thanh tra khẩn trương cho tiêu huỷ toàn bộ số lợn xác định bị tiêm thuốc an thần đã được cơ quan chức năng đột xuất kiểm tra phát hiện tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi; thực hiện tiêu huỷ ngay không để nuôi nhốt chờ đào thải thuốc ra khỏi heo rồi mới đưa vào giết mổ, vì không đảm bảo ATTP, vừa có nguy cơ tồn dư thuốc, vừa nguy cơ bệnh lở mồm long móng trong quá trình lưu giữ.

Lãnh đạo UBND thành phố cũng đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu có hình thức xử lý và tạm dừng hoạt động của cơ sở giết mổ Xuyên Á - Củ Chi để chấn chỉnh theo định hướng cơ sở giết mổ tập trung hiện đại của thành phố. Sở Công Thương có biện pháp bình ổn thị trường để không xảy ra tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt lợn trong thời gian cơ sở này tạm dừng hoạt động. 

H.Nga

Chi Linh
.
.
.