Cháy cơ sở kinh doanh karaoke - hiểm họa nhãn tiền:

Sự thật kinh hoàng: Quán hát karaoke hay lò hỏa thiêu?

Thứ Ba, 15/11/2016, 08:12
Những phòng hát không lối thoát, những thiết bị phòng cháy không có tác dụng phòng cháy, nhân viên không có kỹ năng phòng cháy chữa cháy (PCCC)… hàng loạt vấn đề đang tồn tại trong các quán karaoke mà không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Phóng viên Báo CAND theo chân các cán bộ Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), Cảnh sát PCCC Hà Nội đi thực tế kiểm tra hoạt động karaoke tại một số khu vực trọng điểm. Điều đáng lo ngại là kiểm tra tại đâu thì cũng đều phát hiện vi phạm tại đó.

Ngõ nhỏ, phố nhỏ,  quán… lớn

Ngõ chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội chiều 9-11. Dù không phải là giờ cao điểm nhưng xe cộ luôn tấp nập. Mái hiên, mái vẩy của các gia đình hai bên đường đua ra che mất một phần không gian của lối đi.

Con ngõ tuy không phải là hẹp nhưng hàng quán đã khiến cho đường đi chật hẹp, xe chữa cháy khó có thể tiếp cận được tới những ngôi nhà nằm sâu phía trong ngõ.

Quán karaoke Honey số 133 cách đầu ngõ chừng vài trăm mét cao tới 8 tầng. Mặt tiền của quán này bị bịt kín, phía sau cũng kín mít. Đặc trưng của nhà ống đô thị Hà Nội thể hiện rõ ở đây với một cửa ra vào duy nhất, cầu thang bố trí giữa nhà chật hẹp.

Vụ cháy kinh hoàng quán karaoke trên phố Trần Thái Tông (Hà Nội)

Bước chân vào ngôi nhà được sử dụng làm quán hát, người ta cảm thấy ngột ngạt, bí bách bởi không khí ít được lưu thông. Ngôi nhà có 8 phòng hát.

Tại thời điểm chúng tôi có mặt, 2 phòng đang có khách hát. Trong một phòng hát, 1 vị khách vẫn đang ngất ngư hát những bài nhạc rền rĩ, nỉ non. Còn trên ghế là một đôi nam nữ có biểu hiện say mềm. Vị khách  nữ nằm vắt ngang qua đùi vị khách nam ngủ ngon lành.

Với những vị khách ở trong tình trạng say bia rượu như thế, nói dại nếu có xảy ra cháy thì có lẽ họ cũng chẳng thể đi chứ chưa nói là chạy, hay cao hơn là sử dụng được kỹ năng thoát hiểm.

Ở tầng khác của quán karaoke, một phòng ở đang được cải tạo thành phòng hát với toàn vật liệu dễ cháy. Trần và tường cách âm là gỗ ép cùng với đường dây điện bố trí chạy bên trong tấm gỗ ép, nguy cơ chập điện gây cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ở tất cả các tầng của tòa nhà, chỉ tầng trên cùng là thoáng và có cơ hội thoát hiểm với một cầu thang sắt mới tinh được đóng ép vào tường, cửa thoáng và dây thừng đủ để cho người có kỹ năng thoát hiểm tự cứu mình.

Tại tầng 4, nhóm thanh niên đang hát gọi thêm đồ uống.

Khi thấy một khách nam bước ra ngoài nghe điện thoại, chúng tôi hỏi chuyện: “Nếu có cháy thì chạy ra ngoài thế nào?”. Nam thanh niên có tên Nguyễn Văn Tùng cho biết, mỗi lần đi hát cậu không để ý đến lối thoát nạn. “Nếu xảy ra cháy, sẽ có nhân viên hướng dẫn” - Tùng nói chắc chắn…

Nghĩa là, vị khách đã phó mặc tính mạng cho các nhân viên mà chưa biết họ có kỹ năng giúp người khác thoát nạn hay không.

Thời điểm đoàn kiểm tra có mặt chỉ có người quản lý quán là ông Trần Trọng Bình. Ông Bình cho biết quán hoạt động từ cuối năm 2012. Quán này đã bị xử phạt cách đây khoảng 1 tháng với mức phạt 400.000 đồng vì lỗi không sử dụng được đèn thoát nạn. Mặc dù vậy, khi kiểm tra vẫn có một đèn thoát nạn không bật sáng. May ra, tầng trên cùng của quán karaoke này còn thoáng khí với tường xây hở, có cầu thang sắt với màu sơn mới áp sát vào tường làm lối thoát hiểm.

Cơ sở kinh doanh karaoke Thanh Hằng nằm sâu trong ngõ 136 phố Đội Cấn, quận Đống Đa, Hà Nội chỉ có 40m2 mặt bằng nhưng cũng có tới 5 phòng karaoke trên 6 tầng nhà. Dường như vụ hỏa hoạn trong quán karaoke ở quận Cầu Giấy vừa xảy ra không làm nhiều vị khách lo lắng.

Trong phòng hát, nhiều vị khách vẫn “quẩy” thật lực với những điệu nhảy, bài hát “remix”. Cơ sở karaoke này có vẻ thoáng hơn vì tầng nhà không quá cao và có không gian mở nhưng theo như các cán bộ của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH thì, cửa phòng hát mở vào trong là không đảm bảo an toàn khi xảy ra cháy.

Phòng hát karaoke được cải tạo từ phòng ở với thiết kế đường điện bên trong vật liệu dễ cháy.

Hầu hết các cơ sở karaoke không đảm bảo PCCC

Khảo sát ở nhiều cơ sở karaoke khác trên các địa bàn thuộc Hà Nội và một số tỉnh lân cận, chúng tôi thấy rằng, hầu hết các cơ sở kinh doanh đều có lỗi vi phạm về phòng cháy chữa cháy.

 Nhiều cơ sở không có đèn báo thoát nạn, thiếu bình chữa cháy, nhân viên của quán thay đổi liên tục nên nhiều người không có chứng nhận huấn luyện PCCC, diện tích phòng hát quá nhỏ, không đủ diện tích tối thiểu 20m2 theo quy định…

Bên cạnh đó còn tồn tại nhiều quán hát không được cấp phép hoạt động, người kinh doanh kết hợp quán cà phê kèm theo mở phòng hát. Những cơ sở như thế đương nhiên không chú trọng đến việc đảm bảo PCCC. Nhiều quán hát nằm sâu trong ngõ nhỏ, không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nên họ chỉ quan tâm đến kinh doanh mà ít quan tâm đến phòng cháy.

Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, nếu đối chiếu với quy định tại Thông tư 47/2015/TT-BCA hướng dẫn về đảm bảo an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke thì tất cả đều vi phạm.

Hiện, Hà Nội có 1.271 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó có 558 cơ sở trong nội thành, 713 cơ sở ở ngoại thành. Có 168 cơ sở nguy hiểm buộc phải quản lý cháy nổ, thẩm duyệt, nhưng mới chỉ có 29 cơ sở được thẩm duyệt, 2 cơ sở mới được nghiệm thu đi vào hoạt động. 

Trong buổi kiểm tra thực tế tại một số cơ sở kinh doanh karaoke tại Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an đã chỉ ra nhiều lỗi không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở này. Hầu hết các phòng hát đều được cải tạo lại từ nhà ở của người dân chứ không chủ động xây nhà kinh doanh karaoke nên nhiều cơ sở không đủ điều kiện PCCC đối với cơ sở kinh doanh như:

Không có cửa thoát hiểm, thiết bị PCCC hoạt động hiệu quả kém hoặc không hoạt động, không có cửa ngăn cháy giữa các tầng… Đó là thực trạng chung của hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke địa bàn toàn quốc hiện nay. 

Kinh doanh karaoke phải có đủ các điều kiện sau:

- Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo về điều kiện cách âm, phòng chống cháy nổ.

- Cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng.

- Không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên.

Địa điểm hoạt động karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề…

(Nghị định 103/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng)

Việt Hà – Minh Hiền
.
.
.