Khu “đất vàng”... cho thuê giá “bèo”
- Sẽ kiểm tra vụ 'xẻ thịt' cho thuê đất vàng tại 33 Nguyễn Chí Thanh
- “Đất vàng” giữa lòng Đà Nẵng biến thành hồ… nuôi muỗi
- Khoảnh "đất vàng" ở Cần Thơ bị "phù phép" để bán như thế nào?
Nhà đầu tư lập dự án “Siêu thị Nông nghiệp Long Mỹ” để hưởng ưu đãi đầu tư thuê “đất vàng” giá “bèo” rồi đề nghị điều chỉnh qui mô, thiết kế, công năng sử dụng đất và đổi tên dự án thành “Khu Thương mại Nông nghiệp Long Mỹ” để cất nhà lầu cho thuê nhưng vẫn được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận. Nhiều cán bộ và nhân dân thị xã Long Mỹ bức xúc, bất bình trước quyết định khó hiểu này?
Dự án “Siêu thị Nông nghiệp Long Mỹ” được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận cho Công ty T.T.P triển khai đầu tư tại KV2, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ từ tháng 3-2013, với quy mô 71.000m2, tổng vốn đầu tư chỉ khoảng 40 tỷ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh Hậu Giang cho chủ đầu tư thuê khu đất công 3.961m2, tại vị trí đẹp nhất của thị xã Long Mỹ, tọa lạc ngay tại ngã ba vàm Trà Bang – hạt nhân phát triển đô thị của vùng Long Mỹ. Từ nhiều năm qua, khu đất này là nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội của thị xã Long Mỹ; có công viên, nhà văn hóa sức chứa cả ngàn người. Nhờ hai chữ “nông nghiệp” nên UBND tỉnh Hậu Giang vận dụng chính sách ưu đãi đầu tư, cho doanh nghiệp (DN) thuê gần 4.000m2 “đất vàng” thời hạn 50 năm, với tổng số tiền là 18 tỷ đồng (khoảng 4,5 triệu đồng/m2) mà không cần phải thông qua quy trình khai thác quỹ đất (không đấu giá thuê quyền sử dụng đất).
Tính ra, giá cho thuê 1m2 “đất vàng” này chỉ khoảng 10.000đ/tháng. Trong khi, những căn phố kế cận của tư nhân chỉ với diện tích 50m2 mỗi tháng họ cho thuê cả chục triệu đồng (hiệu quả gấp hàng chục lần). Hơn nữa, một nhà văn hóa có sức chứa cả ngàn người mặc dù xuống cấp nhưng nhà đầu tư này được định giá tài sản giao lại khoảng 1,5 tỷ đồng.
Trước khi UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận cho chủ đầu tư “Siêu thị Nông nghiệp” với giá “mềm” như thế thì cán bộ và nhân dân địa phương có nhiều ý kiến không đồng tình. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền vẫn phải cố gắng thuyết phục trên tinh thần tạo điều kiện đầu tư xây dựng “Siêu thị Nông nghiệp” để vừa nhằm cung ứng máy móc, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân trong vùng được tốt hơn.
Khu đất này đã được UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo địa phương giao cho Công ty T.T.P ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Mỹ, thành lập thị xã Long Mỹ. Tuy nhiên, sau khi được thuê “đất vàng” với giá “bèo”, Công ty T.T.P còn tranh thủ xin điều chỉnh đổi tên “Siêu thị Nông nghiệp Long Mỹ” thành “Trung tâm Thương mại Long Mỹ” hoặc “Khu thương mại”, đồng thời điều chỉnh quy mô diện tích sử dụng đất chỉ còn trên 3.961m2 – tức là không triển khai thu hồi đất theo quy hoạch với quy mô dự án 71.000m2 như ban đầu (!?).
Chủ đầu tư giảm quy mô chỉ còn 3.961m2 để “phù hợp” với đúng diện tích “đất vàng” đã được cho thuê và thay đổi luôn công năng xây dựng. Cụ thể, 997,8m2 dành cho siêu thị, diện tích còn lại từ quy hoạch xây dựng kiốt ban đầu chuyển thành xây dựng 39 căn (1 trệt, 1 lầu) dãy phố thương mại cho thuê; tổng mức đầu tư dự án được nâng từ 40 tỷ đồng lên 72 tỷ đồng. Đề nghị của DN được các ngành cấp tỉnh, UBND thị xã Long Mỹ và UBND tỉnh Hậu Giang xem xét trong 2 cuộc họp (18 và 25-11-2015).
Khu “đất vàng” gần 4.000m2 tọa lạc tại vị trí đắc địa nhất thị xã Long Mỹ được cho thuê với giá “bèo”. |
Quan điểm của UBND thị xã Long Mỹ là không thống nhất việc xin điều chỉnh tên dự án cũng như thay đổi thiết kế, công năng sử dụng đất mà DN yêu cầu vì dự án “Siêu thị Nông nghiệp” là lý do ban đầu mà UBND tỉnh áp chính sách ưu đãi đầu tư và căn cứ vào QĐ 1371/2004/QĐ-BTM của Bộ Công Thương ban hành Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, thì theo yêu cầu của chủ đầu tư là chưa đủ tiêu chí để đổi tên trung tâm thương mại, nhất là quy mô về đất đai phải có diện tích từ 10.000m2 trở lên.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Liên Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang (vào thời điểm đó, nay đã về hưu), vẫn kết luận chấp thuận cho Công ty T.T.P được điều chỉnh thiết kế dự án, tên dự án, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư có kế hoạch thiết kế cụ thể; dự án phù hợp với quy hoạch, quyết định đã được phê duyệt ban đầu. Theo đó, Sở KH&ĐT Hậu Giang đã có công văn kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty T.T.P điều chỉnh tên dự án thành “Khu thương mại Nông nghiệp Long Mỹ”.
Như vậy, nhà đầu tư đã gắn hai chữ “nông nghiệp” vào dự án, để sau khi được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, thuê khu đất “ngon” nhất với giá “mềm” thì lại “lái” dự án và mục đích sử dụng đất theo hướng thương mại. Thậm chí, còn xây nhà kiên cố để khai thác mà tiền thuê đất thì vẫn áp dụng với giá “bèo”. Ngoài ra, vị trí này giáp ranh khu chợ trải dài cả cây số ven bờ sông Cái Lớn đã được đầu tư khang trang với 3 khu nhà lồng. Cách đó 1km cũng có dự án siêu thị đa chức năng đã hình thành.
Đáng chú ý, chính ông Nguyễn Liên Khoa đã từng kết luận chỉ đạo thu hồi dự án Trung tâm Thương mại Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy) đối với một công ty khác, vì lý do nhà đầu tư này chỉ khai thác diện tích đất công được giao trong đó có công trình nhà nước xây dựng không được định giá đầy đủ mà không triển khai thu hồi đất để thực hiện dự án đúng qui mô theo qui hoạch ban đầu (!?).
Mặt khác, sau khi giao khu đất “ngon” nhất thị xã Long Mỹ, thì chính quyền địa phương quy hoạch xây dựng Nhà văn hóa tại vị trí khác với tổng dự toán khoảng 24 tỷ đồng. Tính ra, toàn bộ số tiền UBND tỉnh Hậu Giang cho thuê khu “đất vàng” (cả Nhà văn hóa) không đủ để địa phương đầu tư xây dựng cơ bản Nhà văn hóa mới (!?).