Khách hàng điêu đứng vì dự án Alma - Nha Trang

Chủ Nhật, 06/09/2020, 09:36
Phản ánh đến Báo CAND, rất nhiều khách hàng cho biết đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi trót kí hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ tại dự án Alma- Nha Trang tọa lạc tại Bãi Dài, huyện Cam Lâm, Khánh Hoà do Công ty TNHH khu du lịch Vịnh Thiên Đường làm chủ đầu tư.

Dưới hình thức mua kỳ nghỉ dưỡng tại dự án này, nhiều khách hàng đã đóng vào đây từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng quan ngại là khi thấy sản phẩm không như những lời hứa hẹn bán hàng trước đó, khách hàng muốn thanh lý hợp đồng thì không được và đứng trước nguy cơ bị mất trắng toàn bộ số tiền đã đóng.

Khách hàng  “ăn quả đắng”?

Chị Lê Kim Huệ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, năm 2017 trước những lời tư vấn “có cánh” về dự án này, chị đã đóng số tiền đặt cọc gần 200 triệu đồng để ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ tại dự án. “Khi bắt đầu tiếp cận, tôi được nhân viên bán hàng tư vấn vẽ cho toàn viễn cảnh màu hồng là dự án sẽ mang lại lợi nhuận lớn. 

Bên cạnh đó là việc tư vấn cho khách hàng hiểu nhầm được sở hữu một phần căn hộ tương ứng với số tiền mình bỏ ra. Khách hàng có thể chuyển nhượng hoặc thừa kế lại cho con cái. Nếu khách hàng không có nhu cầu, công ty sẽ chuyển nhượng giúp hoặc cho thuê giúp khách hàng”, chị Huệ cho biết. 

Sau khi cầm hợp đồng đã ký, chị mới tá hỏa vì sự thật trái hoàn toàn so với lời quảng cáo, tư vấn bán hàng. Cụ thể là mỗi một hợp đồng lên tới vài trăm triệu chỉ để sở hữu kỳ nghỉ 7 ngày mỗi năm và thời gian kéo dài hơn 35 năm. 

Khách hàng không được phép sang nhượng. Chưa kể, để được hưởng kỳ nghỉ này chỉ có chủ sở hữu mới được tham gia nghỉ dưỡng, không thể dành cho người khác và phải đóng phí hàng năm từ 5 - 7 triệu đồng.

Cũng từ những lời tư vấn có cánh mà chị Tạ Thị Kim Loan (Thanh Trì, Hà Nội) đã đóng vào công ty 572 triệu để mua 2 tuần kỳ nghỉ thời điểm cuối năm 2018. “Vì tư vấn bán hàng như thế tôi mới tham gia. Vậy nhưng mấy tháng sau khi đóng tiền, tôi mới được cầm hợp đồng thì sự thật không phải vậy. Vấn đề ở đây là khi ký hợp đồng, chúng tôi chỉ có một khoảng thời gian ngắn chừng 30 phút để xem qua rồi ký. Ký xong đưa lại cho phía người của công ty để trình lãnh đạo ký. Có người thì nửa tháng, một tháng nhưng tôi thì phải mấy tháng sau mới được cầm lại hợp đồng đã ký để nghiên cứu cụ thể. Xem lại hợp đồng, thấy các điều khoản rất bất lợi cho khách hàng. Chính vì thế, tôi đã yêu cầu thanh lý hợp đồng, trả lại tiền nhưng công ty không trả mà cứ hứa hẹn. Tôi đã đi lại rất nhiều lần nhưng không giải quyết được. Không những thế, công ty dọa nếu không tiếp tục theo dự án thì tôi sẽ mất tiền”, chị Loan cho biết.

Trường hợp chị Nguyễn Linh Chi (Đống Đa, Hà Nội) sau khi hợp đồng năm 2016 bị xóa tên trên hệ thống, đến tháng 8-2019, chị lại tiếp tục ký một hợp đồng mới và đóng thêm tiền. Tuy nhiên, không muốn tiếp tục theo dự án nên chị đã yêu cầu thanh lý hợp đồng. 

Sau đó chị nhận được email thông báo từ phía công ty trả lời về đề nghị chấm dứt hợp đồng và yêu cầu công ty trả lại số tiền đã đặt cọc theo hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ PBRC-H-002036 ngày 24- 8- 2019. Trong thông báo này, phía công ty đã nêu rõ, khách hàng không có cơ sở để chấm dứt hợp đồng và công ty sẽ không hoàn lại số tiền đã đóng cho khách hàng. 

“Chỉ với email thông báo này, phía Công ty Vịnh Thiên Đường đã nói thẳng với chúng tôi rằng, nếu không tiếp tục theo dự án này nữa thì chúng tôi sẽ mất trắng số tiền đã đóng vào đây. Đây chẳng khác nào hành động chiếm đoạt tiền của khách hàng một cách trắng trợn. Việc làm này đang đẩy nhiều gia đình vào cảnh tan cửa nát nhà”, chị Chi bức xúc cho hay.

Khách hàng căng băng rôn, yêu cầu chủ đầu tư dự án Alma - Nha Trang trả lại tiền tại chi nhánh Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội.

Nhiều vấn đề cần được làm rõ?

Theo thông tin phóng viên có được, lượng khách hàng đã trót ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ như 3 trường hợp nêu trên khá nhiều và tổng số tiền đang bị “chôn” tại các hợp đồng này không nhỏ.

Theo Luật sư Trần Quang Khải, Văn phòng Luật sư Trần Quang Khải và cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì lý do mà phía chủ đầu tư đưa ra để không cho thanh lý hợp đồng và không hoàn trả lại tiền cho khách hàng là dựa vào các điều khoản trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ mà khách hàng đã ký, tuy nhiên có nhiều vấn đề cần được làm rõ. 

Đầu tiên là việc xem lại việc ký kết hợp đồng giữa khách hàng và chủ đầu tư. Trong một giao dịch thì nội dung hợp đồng chỉ là một phần. Để khẳng định giao dịch đó có hợp pháp và có hiệu lực không thì pháp luật còn căn cứ vào các điều kiện khác không có trong hợp đồng như: Đối tượng ký kết, hoàn cảnh ký kết, điều kiện ký kết. 

“Theo phản ánh của khách hàng, nếu như chủ đầu tư thật sự không dành thời gian cho khách hàng đọc và nghiên cứu hợp đồng, cung cấp những thông tin sai sự thật để khách hàng hiểu sai lệch về mục đích của dịch vụ, quảng cáo sai sự thật… thì rõ ràng phải xem lại tính pháp lý của hợp đồng này. Bởi căn cứ theo điều 126 và 127 Bộ luật Dân sự 2015 thì toàn bộ giao dịch này sẽ vô hiệu”, Luật sư Trần Quang Khải phân tích.

Cũng theo Luật sư Trần Quang Khải thì với những phản ánh của khách hàng, có nhiều tình tiết đã vi phạm điều 17 Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Luật sư Khải diễn giải, hợp đồng này là hợp đồng được soạn sẵn theo mẫu, dài tới mấy chục trang, với rất nhiều điều khoản, trình bày phức tạp mà khách hàng chỉ có 30 phút để đọc và ký là chưa đủ thời gian nghiên cứu trước khi quyết định. 

Theo phản ánh của khách hàng, ai muốn có hợp đồng để nghiên cứu thì bắt buộc phải ký hợp đồng và thanh toán 30% rồi chờ nửa tháng, một tháng, thậm chí có người mấy tháng sau mới nhận được hợp đồng. Khách hàng còn phản ánh, trong thời gian chờ hợp đồng, phía công ty còn liên tục thúc ép các khoản thanh toán để đến khi nhận được hợp đồng thì mọi việc đã an bài là vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ người tiêu dùng. 

Luật sư Trần Quang Khải giải thích thêm lý do để xem xét lại hợp đồng đã ký kết giữa khách hàng và chủ đầu tư là theo phản ánh của khách hàng thì điều kiện ký kết ở đây chưa đảm bảo. “Khách hàng cho biết, công ty ký kết hợp đồng với khách hàng khi chưa đủ điều kiện, không có giấy phép kinh doanh cho thuê phòng lưu trú du lịch. Hầu hết các hợp đồng được ký khi chưa xây dựng xong, chưa đi vào kinh doanh, chưa có giấy phép cho thuê phòng lưu trú. Áp dụng theo khoản 6 điều 17 Luật Doanh nghiệp thì đây là hành vi bị cấm. Điều này cũng vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được quy định tại điều 49 Luật Du lịch”, Luật sư Khải cho hay. 

Luật sư Trần Quang Khải cho rằng, tranh chấp giữa các bên khi không thương lượng được thì nên được giải quyết tại tòa, bởi mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền kinh doanh những thứ mà pháp luật không cấm, tuy nhiên mọi hình thức kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối với những vụ việc chưa có tiền lệ thì khi phân xử, theo quy định của pháp luật, tòa án sẽ áp dụng phong tục tập quán, án lệ và lẽ công bằng để phán xử bởi bản chất của pháp luật là công bằng về quyền lợi của tất cả các bên.

Liên quan đến dự án này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã có phiếu chuyển đơn ngày 26-6-2020 đến Công an tỉnh Khánh Hòa khi nhận được đơn của ông Lê Mạnh Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với nội dung tố cáo Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức ký hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ tại dự án này. Được biết, sau đó, khách hàng Lê Mạnh Hà đã được phía công ty làm việc và trả lại 50% số tiền đã đóng. Phải chăng, với những khách hàng đấu tranh mạnh mẽ, phía công ty mới có động thái như vậy? 

 Trước những phản ánh từ phía khách hàng tại dự án Alma- Nha Trang, để có thông tin đa chiều, phóng viên Báo CAND đã liên hệ làm việc với phía Công ty Vịnh Thiên Đường. Tuy vậy, dù tiếp nhận thông tin từ phía phóng viên nhưng nhiều ngày qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ đại diện của công ty này.

Phan Hoạt
.
.
.