(CẢNH GIÁC) “Cò” trục lợi qua mua, bán thận
Từ những vụ án được phanh phui cho thấy, để tránh tình trạng mua bán thận nói riêng, bộ phận cơ thể và mô nói chung, cần có một đơn vị trung gian thực hiện việc kết nối thông tin giữa người hiến và người nhận, không để các đối tượng "cò mồi" có "đất" hoạt động.
Vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự 2 đối tượng chính trong đường dây lừa đảo dưới hình thức môi giới mua bán thận. Đó là Trương Minh Ngọc, trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và Trần Tuấn Anh, trú trại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội.
Qua mạng xã hội facebook, Ngọc công khai đưa thông tin những người đang có nhu cầu bán thận. Anh T., ở tỉnh Bắc Giang là người bị suy thận nặng, đang có nhu cầu ghép thận liền liên hệ với Ngọc để nhờ tìm người bán thận. Lợi dụng nhu cầu cấp bách của nạn nhân, Ngọc đã lừa đảo anh T. để chiếm đoạt tài sản.
Ngọc cam kết với anh T. trong vòng nửa tháng sẽ tìm được người bán thận tại một bệnh viện quốc tế với giá 550 triệu đồng một quả thận và phải đóng trước số tiền viện phí tạm ứng 150 triệu đồng (biên lai thu phí tạm ứng của bệnh viện do Ngọc và Tuấn Anh làm giả)...
Bằng cách này Ngọc và Tuấn Anh đã chiếm đoạt của gia đình anh T. 290 triệu đồng. Ngọc và Tuấn Anh còn khai cùng 3 đối tượng khác môi giới cho 40 nạn nhân với thủ đoạn tương tự.
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cũng vừa phát hiện 2 đối tượng môi giới để anh H., trú tại tỉnh Thái Bình thực hiện việc bán thận và tiến hành phẫu thuật tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, hưởng lợi hàng chục triệu đồng. Vụ án đang được Công an quận Hoàn Kiếm tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo qui định của pháp luật.
Đối tượng Ngọc và Tuấn Anh bị Công an Hà Nội bắt giữ. |
Qua một số vụ mua bán thận xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy, mặc dù pháp luật đã qui định nghiêm cấm và có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi mua bán nội tạng cơ thể người, song tình trạng "cò" mua bán thận vẫn tung hoành ở một số bệnh viện lớn. Có trường hợp "cò" công khai giới thiệu người bán, người mua để lấy tiền chênh lệch; có trường hợp "hiến giả, mua thật", gây khó khăn trong việc phát hiện, xử lý.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp phát hiện đối tượng môi giới thì cũng không xử lý hình sự được, vì người mua và người bán đã thỏa thuận với nhau. Pháp luật chỉ xử lý hình sự đối với trường người "cò" lừa đảo...
Trên thực tế, có 2 nguồn cung cấp thận, một là cùng huyết thống từ người nhà bệnh nhân, hai là từ những người hiến thận (số này rất ít so với nhu cầu).
Song, có những trường hợp người hiến thận khi hiến lại ra điều kiện quả thận của mình phải được ghép cho người A, người B... Trường hợp này rất có khả năng là mua bán thận?
Cũng có trường hợp người cho thận tự nhận là người nhà bệnh nhân, nhưng thực tế không phải là người nhà mà thông qua "cò" mua bán thận sắp đặt trước.
Tuy nhiên, dù có che đậy thế nào thì cũng không tránh khỏi sự gượng gạo, mờ ám, vì vậy, rất cần sự hợp tác của các y, bác sĩ, kịp thời cung cấp những trường hợp nghi vấn cho cơ quan Công an để điều tra, làm rõ.
Trong xã hội, có rất nhiều người có tấm lòng nhân ái, muốn hiến tặng bộ phận cơ thể mình cho người khác; nhưng nếu "lòng tốt" của họ bị kẻ xấu lợi dụng, thì rất có thể, nghĩa cử đó lại phục vụ cho những đối tượng "cò mồi", để rồi, bộ phận cơ thể họ bị mua đi, bán lại trên nỗi đau tột cùng của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.
Bởi vậy, điều quan trọng hiện nay, theo chúng tôi cần có một tổ chức công khai làm trung gian thông tin giữa người hiến và người cần ghép nội tạng cơ thể, để mọi thông tin về người hiến và người nhận được công khai, minh bạch; không để kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng làm môi giới mua bán thận.