Hàng trăm hecta sắn giống bị nhiễm bệnh, nông dân hoang mang

Thứ Hai, 19/07/2021, 07:04
Thống kê sơ bộ của Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, tổng diện tích trồng sắn của huyện 1.015ha; trong đó, 617ha bị bệnh khảm lá (riêng sắn giống do Công ty Huy Hoàng) bán cho người dân bị nhiễm bệnh lên đến 422ha; 195ha nhiễm bệnh còn lại là nguồn sắn giống có sẵn ở địa phương.

Tháng 11/2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Thừa Thiên-Huế có văn bản gửi Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền, trong đó có nội dung giới thiệu đến mua sắn giống KM95 tại Công ty Hoàng Huy để trồng trong niên vụ năm 2021. Sau khi nhận được văn bản này, UBND huyện Phong Điền chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện liên hệ với Công ty Hoàng Huy để mua giống về trồng. Tuy nhiên, hiện tại nông dân ở huyện Phong Điền rất hoang mang khi phát hiện sắn bị nhiễm bệnh khảm lá diễn ra trên diện rộng và lây lan nhanh.

Sáng 17/7, có mặt tại xã Phong Hiền, nhiều nông dân trồng sắn cho biết, những ngày qua, bệnh virus khảm lá sắn lây lan tốc độ rất nhanh, trong khi đó họ không biết phải làm gì để ngăn chặn dịch bệnh này. “Nhiều năm nay, gia đình tui đều sống nhờ vào 5ha sắn, nhưng không ngờ năm nay sắn trồng hơn 5 tháng rồi thì bị nhiễm bệnh khảm lá hàng loạt. Hiện, hơn 90% diện tích sắn phải nhổ bỏ. Để đầu tư trồng 5ha sắn này, tôi đầu tư hơn trăm triệu đồng tiền giống, phân bón; chưa tính tiền công chăm sóc cả mấy tháng nay”, ông Hoàng Lưu, trú thôn Triều Dương, xã Phong Hiền lo lắng nói. Theo các hộ nông dân, trước khi mua sắn giống tại Công ty Hoàng Huy với giá 18 nghìn đồng/bó, họ có ra Quảng Bình và Quảng Trị mua sắn giống chỉ với giá 14 nghìn đồng/bó…

Bệnh khảm lá sắn lây lan nhanh ở các cánh đồng trồng sắn huyện Phong Điền.

Thống kê sơ bộ của Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, tổng diện tích trồng sắn của huyện 1.015ha; trong đó, 617ha bị bệnh khảm lá (riêng sắn giống do Công ty Huy Hoàng) bán cho người dân bị nhiễm bệnh lên đến 422ha; 195ha nhiễm bệnh còn lại là nguồn sắn giống có sẵn ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền xác nhận, có những bất cập trong việc mua bán và chậm xử lý vụ việc công ty bán sắn giống nhiễm bệnh cho người dân. Trách nhiệm một phần là của huyện, nhưng trách nhiệm chính thuộc về Chi cục TT&BVTT tỉnh Thừa Thiên-Huế, vì đây là cơ quan chuyên môn có chức năng kiểm định chất lượng giống. Ngoài ra, đơn vị này đã có văn bản giới thiệu nơi mua giống đến địa phương. Theo nguyên tắc, một loại giống từ ngoại tỉnh về thì phải kiểm định, kiểm tra chất lượng, sau đó mới giao cho địa phương, người dân. Nếu “đầu vào” được kiểm định đúng quy trình thì sẽ không có việc người dân trồng rồi mới biết sắn giống bị bệnh.

Liên quan đến sự việc, ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTT tỉnh thừa nhận là có sự quản lý chưa tốt về nguồn giống, nhưng nói trách nhiệm chính thuộc về Chi cục là không đúng. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về Công ty Hoàng Huy vì không tuân thủ các quy định về mua bán sắn giống, sau đó là từng địa phương và các ngành chức năng chuyên môn của huyện Phong Điền. Ông Anh cho rằng, Chi cục đã có nhiều chỉ đạo, văn bản hướng dẫn địa phương quản lý chặt chẽ giống sắn khi đưa về địa bàn, kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng xử lý, nhưng đến khi sắn đã trồng mới phát hiện và đơn vị phát hiện ra sự việc đầu tiên cũng là Chi cục. Nói về chức năng kiểm định giống, không thuộc về Chi cục mà phải gửi mẫu đi các cơ quan chức năng cao hơn. Nếu các cơ quan quản lý địa phương giám sát tốt, quản lý chặt chẽ, phối hợp nhanh thì không thể xảy ra sự việc như hiện tại…

Trước thực trạng hàng trăm hecta sắn bị nhiễm bệnh, nông dân huyện Phong Điền đề nghị Công ty Hoàng Huy hoàn lại một phần tiền mua giống, nhưng đến nay vẫn chưa có cuộc làm việc đầy đủ giữa các bên để giải quyết. Trong khi đó, ông Lê Văn Anh nói rằng, việc giải quyết quyền lợi cho người dân, cụ thể là hoàn lại tiền giống không hề dễ dàng, bởi khi mua bán giống 2 bên không có biên bản, hợp đồng kinh tế nào cả, nên không có căn cứ xử lý bồi thường… Tuy nhiên, về phía Công ty Hoàng Huy cam kết sẽ thu mua giá sắn với mức 1,6 nghìn đồng/kg (là giá cam kết thấp nhất và sẽ có biến động tăng thêm tùy theo giá thị trường) để bù lại tiền giống và năng suất cây bị bệnh.

Theo nông dân trồng sắn ở Phong Điền, đó chỉ là cam kết miệng, hoàn toàn không có một biên bản hay thông báo nào cho nông dân yên tâm. Vì thế, đề nghị Công ty Hoàng Huy có cam kết không ép giá, thu mua nhanh ngay khi người dân thu hoạch sắn, tránh tình trạng dồn ứ, chạy lũ để thu hoạch. Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định, qua sự việc này là một bài học cần được rút ra trong công tác quản lý, điều hành, phối hợp.

Về phía lãnh đạo địa phương, huyện cam kết với người dân rằng là sẽ xử lý vụ việc một cách hợp tình, hợp lý nhất, sẽ cố gắng tìm mọi cách để hỗ trợ thiệt hại cho bà con, đồng thời sẽ tiếp tục làm việc với Công ty Hoàng Huy trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi cao nhất cho người dân.

Hải Lan
.
.
.