Hàng ngàn hộ dân lâm cảnh nợ nần chồng chất vì… đa cấp
- Lập công ty bán “mã số” đa cấp chiếm đoạt tiền tỷ
- Người dân xứ Nghệ khốn đốn vì "đa cấp"
- Người dân tái định cư xác xơ vì "bão" đa cấp
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý muốn đổi đời mau chóng của người dân, nhân viên Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 868 (số 2 Mai Xuân Thưởng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã dùng những lời lẽ ngon ngọt để lôi kéo họ vào “hệ thống bán hàng đa cấp”. Hậu quả là hàng ngàn hộ đã dính bẫy và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Cả nhà cùng dính bẫy
Gọi là nhà, nhưng thực tế chỉ là túp lều xiêu vẹo, rộng chưa đến 20m2 được lợp bằng pro xi măng nứt nẻ lỗ chỗ. Đó là tài sản lớn nhất còn sót lại của gia đình anh chị HRít Byă (37 tuổi, trú buôn Knia 2, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) sau khi nghe theo lời phỉnh phờ ngon ngọt của một công ty đa cấp.
Câu chuyện bắt đầu từ một lần đi làm thuê của chồng chị tại thị xã Buôn Hồ vào tháng 11-2015. Thấy gia chủ kể chuyện về việc đóng tiền góp vốn kinh doanh với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 868 (Công ty Phúc Gia Bảo 868) và khi nhìn vào bản hợp đồng ký kết ghi rõ các mức lợi nhuận rất hấp dẫn, vợ chồng chị đã quyết định đi vay nóng 36,6 triệu đồng với mức lãi suất cao để nuôi mộng thoát nghèo.
Chỉ vì tin vào lời ngon ngọt, nhiều hộ dân đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì đa cấp. |
Sau khi nộp tiền, họ được cấp một mã thẻ để uống cà phê miễn phí tại các hệ thống quán của công ty.
“Nghe họ nói ngon ngọt mình cũng tin, rằng tham gia một mã 36,6 triệu đồng thì tháng đầu tiên được nhận 9 triệu đồng, tháng thứ 2 là 36 triệu đồng, tháng thứ 3 là 60 triệu đồng…Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền tháng đầu, đến tháng thứ 2 thì họ không chịu trả mà khất lần rồi biệt tăm. Nợ thì chủ liên tục đòi, giờ mình cũng không biết kiếm đâu ra tiền để trả nợ”, chị HRít Byă buồn bã cho biết.
Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, chị HSanh (35 tuổi, em gái chị HRít Byă) giờ đây như ngồi trên đống lửa khi chủ nợ liên tục đến nhà đòi lấy cả đất lẫn nhà bất cứ lúc nào. Chị HSanh cho biết, sau khi biết tin chị HRít Byă tham gia vào mạng lưới đa cấp của Công ty Phúc Gia Bảo 868, chị cũng đi vay mượn số tiền 73,2 triệu đồng để ký kết hai hợp đồng với công ty.
“Tháng đầu tiên, mình được công ty trả 18 triệu đồng gọi là tiền lãi đầu tư. Nhưng từ tháng thứ 2 trở đi không thấy công ty đã động gì đến. Khi lên trụ sở hỏi thì chỉ nhận được những lời hứa suông. Sau một thời gian thì công ty tuyên bố không còn khả năng trả nợ và tuyên bố giải thể”, chị HSanh nói.
Được biết, gia đình chị HSanh hết sức khó khăn. Chồng mắc bệnh xương khớp, ngày ngày chị phải vào rừng hái lá giang về bán, kiếm đủ 3 bữa cho gia đình 4 miệng ăn. Giờ đây, khoản vay nóng đầu tư hơn 70 triệu đồng cũng không biết đến khi nào mới trả nổi. Mỗi ngày qua đi, chị lại thêm lo lắng vì chủ nợ có thể đến xiết nhà, lấy đất bất cứ lúc nào.
Đa phần là người nghèo
Không chỉ gia đình chị em HRít Byă, nhiều hộ dân tại thị xã Buôn Hồ, xã Ea Kao, huyện Ea Kar cũng đứng ngồi không yên khi lỡ tham gia đóng góp tiền cho Công ty Phúc Gia Bảo 868 từ cuối năm 2015.
Theo cơ quan chức năng, chỉ sau một thời gian hoạt động, Công ty Phúc Gia Bảo 868 chi nhánh Đắk Lắk đã “dụ” được hàng ngàn người góp vốn với số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng. Hầu hết những người bị “dụ” là đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn. Hiện rất nhiều gia đình đang lâm vào cảnh khốn cùng, đứng trước nguy cơ mất nhà cửa, đất đai…
Theo tìm hiểu, Công ty Phúc Gia Bảo 868 được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Đắk Lắk từ tháng 10-2015, do bà HXuân M Lô (trú tổ 6, phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) làm giám đốc chi nhánh, nơi giao dịch là Câu lạc bộ Cà phê nấm Linh Chi Đỏ (số 2 Mai Xuân Thưởng, TP Buôn Ma Thuột), đây cũng là chi nhánh 3 tỉnh Tây Nguyên của Phúc Gia Bảo 868.
Chỉ sau vài tháng có mặt, Phúc Gia Bảo 868 Tây Nguyên đã huy động được khoảng 100 tỷ đồng với trên 3.000 người “góp vốn”. Riêng tại Đắk Lắk, trong số khoảng 1.000 người “góp vốn” thì có tới 1/3 là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Đáng chú ý là vào tháng 4-2016, ông Nguyễn Thế Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 868 (trụ sở đóng tại TP Hà Nội) đã bị bắt để điều tra về hành vi lừa đảo thì ít ngày sau đó, Giám đốc Chi nhánh Phúc Gia Bảo Đắk Lắk, bà HXuân M Lô cũng biệt tăm.
Theo Đại tá Cao Thành Vinh, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 35 công ty hoạt động theo hình thức đa cấp. Tuy nhiên, hiện chỉ có 5 công ty là được các cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh, số còn lại đều hoạt động “chui”, thậm chí nhiều công ty chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn rồi giải thể.
“Hiện Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã nhận được đơn tố cáo của hàng trăm hộ dân liên quan đến Công ty Phúc Gia Bảo 868. Qua điều tra, hiện công ty này đã giải thể, bên cạnh đó có nhiều người vì “ngại” không dám đứng ra tố cáo nên việc làm rõ hành vi lừa đảo của công ty gặp nhiều khó khăn. Hiện đơn vị đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra vụ vi phạm của Công ty Phúc Gia Bảo 868. Tuy nhiên, điều quan trọng là người dân cần phải chủ động tố cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng thì mới có đủ cơ sở để điều tra, xử lý”, Đại tá Vinh cho biết thêm.