Dòng sông “chết” dưới chân đập thủy điện Đăk Mi 4
Nguyên nhân chính là do thủy điện Đăk Mi 4 ở thượng nguồn xây đập chặn sông Đăk Mi chuyển nước chảy về sông Thu Bồn để phát điện, khiến nguồn nước từ chân đập thủy điện Đăk Mi 4 chảy về hạ du theo sông Vu Gia xuống sông Cầu Đỏ, Cẩm Lệ bị cạn kiệt trong mùa khô, nên bị mặn từ biển xâm nhập. Để tìm hiểu rõ hơn tình trạng thiếu nước do thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng ở thượng nguồn, chúng tôi đã đi ngược sông Vu Gia lên sông Đăk Mi…
Đầu tháng 5/2020, mới vào hạ nhưng dòng sông Đăk Mi, dân địa phương còn gọi là sông Nước Mỹ, đã trơ đáy, chỉ có dòng nước nhỏ len lỏi qua các kẽ đá. Trước đây, khi thủy điện Đăk Mi 4 chưa có, dòng sông Đăk Mi đầy ắp cuồn cuộn nước đổ về hạ du thì nay, nó chính thức là dòng sông “chết”.
Chúng tôi đem chuyện sông Đăk Mi chảy qua xã Cà Dy, huyện Nam Giang, bị trơ đáy, lộ rõ các mỏm đá lởm chởm, trao đổi với ông Doãn Bing, Chủ tịch UBND xã, ông Bing lắc đầu ngán ngẩm. Theo ông Bing, trước khi thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng phía thượng nguồn, sông Đăk Mi nước tràn bờ, rất nhiều tôm, cá. Ngoài trồng lúa rẫy, lúa nước hai bên bờ sông, người dân các bản làng nằm bên sông còn đánh bắt tôm, cá để sinh sống, lấy nước sông Đăk Mi để sinh hoạt, tắm giặt.
Sông Đăk Mi đoạn chảy qua xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, đang trơ đáy trở thành dòng sông “chết”. |
Thế nhưng, từ ngày thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng thì nước sông Đăk Mi vào mùa nắng nóng bị cạn kiệt; môi sinh, môi trường bị thay đổi, tôm, cá cũng chẳng còn. Ngược lại, vào mùa mưa lũ thì hồ thủy điện Đăk Mi 4 khi chứa quá nhiều nước phải vận hành xả lũ đã gây ra tình trạng sạt lở hai bên bờ sông, làm mất đất sản xuất ven sông của người dân.
Tương tự, người dân xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, sinh sống dưới chân đập thủy điện Đăk Mi 4, không chỉ đang phải khốn đốn nguồn nước sinh hoạt do nắng hạn làm khô kiệt các khe suối, mà sông Đăk Mi cạn trơ đáy cũng không còn tôm, cá để đánh bắt.
Ông Hồ Văn Nắm, một người dân làng Lao Đu, xã Phước Xuân, bức xúc nói rằng, ngày trước tôm, cá dưới sông Đăk Mi rất nhiều, bà con dân làng đánh bắt để làm thức ăn. Nhưng từ khi thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng, sông bị cạn kiệt vào mùa nắng nên tôm, cá không còn…
Mới đây, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đề nghị Công ty CP thủy điện Đăk Mi báo cáo giải trình về tình hình vận hành công trình thủy điện Đăk Mi 4. Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị công ty này thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm dòng chảy tối thiểu và vận hành theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có phương án vận hành, điều tiết nước hồ bảo đảm đủ nguồn cấp cho sản xuất và sinh hoạt của các địa phương ở phía hạ du đập thủy điện Đăk Mi 4 trong thời gian còn lại của mùa cạn…
Thế nhưng, khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Đăk Mi, đơn vị quản lý, vận hành thủy điện Đăk Mi 4, nói rằng, thủy điện Đăk Mi 4 chính thức đi vào phát điện vào tháng 1/2012; trong quá trình vận hành công trình thủy điện Đăk Mi 4, Công ty CP thủy điện Đăk Mi luôn tuân thủ vận hành hồ chứa Đăk Mi 4 theo đúng quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ông Bình còn giải thích, trước tình trạng nắng hạn kéo dài như hiện nay, vai trò điều tiết nước nhằm chống hạn cho vùng hạ du của các thủy điện ở khu vực thượng nguồn đã được triển khai, trong đó có thủy điện Đăk Mi 4 (?)…
Từ thực tế dòng sông Đăk Mi dưới chân đập thủy điện Đăk Mi 4 về hạ du đang trơ đáy, lởm chởm đá “chết” trong mùa nắng, đã cho thấy rõ bản chất sự việc, nên chúng tôi nghĩ không cần bình luận gì thêm về ý kiến giải thích của ông Bình…