Dấu hiệu bất thường từ vụ kiện liên quan đến dự án Thanh Long Bay

Thứ Năm, 04/03/2021, 07:29
Một vụ án dân sự chẳng quá phức tạp nhưng TAND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã “ngâm” hơn 6 tháng trời rồi bất ngờ ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì “đợi kết quả cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền”...


Trong khi đó, đến ngày 3/3, tức lại thêm 3 tháng trôi qua (kể từ ngày quyết định tạm đình chỉ được ban hành), phía Toà xác nhận vẫn chưa nhận được thông tin từ… tỉnh nên chưa thể đưa vụ án ra xét xử. Luật lại không quy định thời hạn tối thiểu đối với các quyết định tạm đình chỉ nên việc này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Vậy đến khi nào thì vụ án tiếp tục giải quyết khi lý do tạm đình chỉ không còn?

Kinh doanh trên thương trường trọng nhau chữ “tín” nên sau khi ký hợp đồng dịch vụ ngày 4/9/2019, Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA) đã chuyển ngay cho đối tác là Công ty TNHH Trung Sơn Bắc (Công ty Trung Sơn Bắc - PV) do ông Lê Minh Trí, Chủ tịch HĐQT làm đại diện pháp luật, số tiền ký quỹ, đặt cọc là 32 tỷ đồng.

Dự án Thanh Long Bay từng bị Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận “tuýt còi”.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng, DKRA là nhà phân phối, tiếp thị độc quyền, tìm kiếm, tư vấn, giới thiệu khách hàng mua giỏ hàng với 1.400 sản phẩm, bao gồm 1.000 căn hộ và 400 nhà phố thuộc Dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Thanh Long Bay (quy mô hơn 90ha, tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) do Công ty Trung Sơn Bắc làm chủ đầu tư.

Thời gian thực hiện hợp đồng 6 tháng, tính từ 10/9/2019 đến 10/3/2020. Điều kiện thiết yếu được đặt ra là chậm nhất đến tháng 10/2019, cho chủ đầu tư Công ty Trung Sơn Bắc phải có quyết định phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 và 20 ngày sau đó, có giấy phép xây dựng để phục vụ cho việc tư vấn bán hàng.

Tuy nhiên sau đó, phía Công ty Trung Sơn Bắc không thực hiện đúng thời gian theo giao kết dẫn đến việc Công ty DKRA dù rất cố gắng cũng chỉ bán được 115 căn hộ và 3 nhà phố. “Mặc dù lỗi ở phía Công ty Trung Sơn Bắc là khá rõ nhưng DKRA cũng rất thông cảm cho phía đối tác về sự chậm trễ này. Điều bất ngờ nhất là ngày 11/1/2020, Công ty Trung Sơn Bắc có văn bản số thông báo chấm dứt thực hiện hợp đồng với lý do DKRA chỉ bán được 112 căn hộ và 3 nhà phố, không đạt 50% giỏ hàng được giao như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Không chỉ vậy, Công ty Trung Sơn Bắc còn tuyên bố lấy luôn khoản tiền 32 tỷ đồng mà công ty DKRA chúng tôi đã đặt cọc”, ông Nguyễn Văn Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty DKRA bức xúc cho biết.

Do không chấp nhận cách làm của Công ty Trung Sơn Bắc, ngày 15/6/2020, Công ty DKRA đã có đơn khởi kiện về “tranh chấp hợp đồng dịch vụ phân phối tiếp thị độc quyền” đến TAND huyện Hàm Thuận Nam. Công ty DKRA yêu cầu toà án xác định việc chấm dứt thực hiện hợp đồng ngày 4/9/2019 do lỗi của Công ty Trung Sơn Bắc chưa thực hiện nghĩa vụ của mình, gây thiệt hại cho nguyên đơn. Đồng thời yêu cầu Công ty Trung Sơn Bắc hoàn trả toàn bộ số tiền ký quỹ 32 tỉ đồng và khoản tiền phạt tương đương 32 tỉ đồng nữa.

Ngoài ra, quá trình thực hiện hợp đồng, phía DKRA đã tiếp thị thành công 115 sản phẩm, tương đương 15,65 tỉ đồng (số tròn), Công ty Trung Sơn Bắc đã thanh toán 6,5 tỉ, còn lại hơn 9,1 tỉ đồng. DKRA đã bỏ ra hơn 11,3 tỉ đồng để tiếp thị, quảng bá việc bán hàng… nên tổng số tiền mà phía nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán hơn 84,5 tỉ đồng.

Ngày 25/8/2020, trong đơn phản tố, Công ty Trung Sơn Bắc (bị đơn) cho rằng DKRA bán không đủ số lượng sản phẩm như thỏa thuận trong hợp đồng nên đã vi phạm nghĩa vụ. Trong 32 tỉ đồng kí quỹ, DKRA chỉ được hoàn trả 2,33 tỉ đồng, tương ứng với 112 căn hộ và 3 nhà phố đã bán được. Số tiền còn lại 29,67 tỷ đồng Công ty DKRA phải bị mất toàn bộ, tương ứng với 888 căn hộ và 397 nhà phố chưa bán được. Ngoài ra, Công ty Trung Sơn Bắc còn yêu cầu DKRA hoàn trả hơn 6,14 tỉ đồng là tiền dịch vụ mà Công ty Trung Sơn Bắc đã tạm ứng trong dịp Tết Nguyên đán 2020 cho nguyên đơn. Tổng số tiền mà bị đơn phản tố là 35,81 tỉ đồng!

Sau khi bị phía đối tác đơn phương chấm dứt hợp đồng và chiếm giữ luôn số tiền đặt cọc, cất công tìm hiểu thì Công ty DKRA mới hay, mãi đến ngày 22/1/2020, UBND huyện Hàm Thuận Nam mới có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng Thanh Long Bay. Thế nhưng, trước đó nhiều tháng, chủ đầu tư đã cho quảng cáo rầm rộ dự án “Thanh Long Bay” quy mô cả trăm hécta,  bao gồm 47 ha đất ở đô thị sở hữu lâu dài. Dự án có vị trí đắc địa với 6.000 căn hộ nằm trải dài trên bãi biển đẹp nhất Phan Thiết, cùng 500 phòng khách sạn 5 sao; 1.000 căn nhà phố thương mại, 150 biệt thự… Nhắc đến thực tế này để thấy rằng, Công ty Trung Sơn Bắc đã… “đánh bóng”, nói quá về quy mô dự án để hấp dẫn đối tác và nhận số tiền ký quỹ được nhiều hơn!?

Đặc biệt hơn là trước đó, vào ngày 16/7/2019, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận có Công văn số 2063/SXD-QLN&PTĐT với nội dung chấn chỉnh việc giao dịch mua bán và chuyển nhượng bất động sản tại dự án Khu du lịch Hòn Lan (tên gọi trước đó của dự án, đến ngày 7/8/2019, dự án được UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định điều chỉnh với tên mới: Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng “Thanh Long Bay” - PV) tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam của Công ty TNHH Trung Sơn Bắc. Sở Xây dựng chỉ rõ: Qua theo dõi tiến độ thực hiện dự án Khu du lịch Hòn Lan cho thấy hiện nay Công ty Trung Sơn Bắc chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư liên quan đến dự án. Tuy nhiên hiện nay có nhiều phản ánh của báo chí và trên mạng internet về việc chủ đầu tư và đơn vị phân phối thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua. Trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan. Do đó, Sở Xây dựng đề nghị Công ty Trung Sơn Bắc không ký kết hợp đồng với đơn vị môi giới bất động sản để giao dịch mua bán…

Trước đề nghị của cơ quan chức năng có thẩm quyền, đáng lẽ ra Công ty Trung Sơn Bắc phải tạm dừng việc mua bán và khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định. Đằng này, Công ty Trung Sơn Bắc lại ký kết hợp đồng với DKRA để tiếp tục bán sản phẩm. Và tất nhiên, nếu không có điều khoản “đến tháng 10/2019, Công ty Trung Sơn Bắc phải có quyết định phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 và 20 ngày sau đó thì có Giấy phép xây dựng để phục vụ cho việc tư vấn bán hàng” thì phía DKRA chẳng dại dột đặt bút ký hợp đồng vì chắc chắn sẽ rơi vào “cửa tử”.

Cũng xin được nói thêm rằng, sau khi “Tập đoàn địa ốc Alibaba” của anh em nhà Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực bị xóa sổ, người đầu tư tại nhiều tỉnh, thành phía Nam hết sức dè dặt đặt chỗ khi mua nhà đất hình thành trong tương lai. Trong đó, hồ sơ pháp lý mà người đầu tư đòi hỏi đầu tiên đó chính là quyết định phê duyệt 1/500 kèm theo sự hoàn thiện hạ tầng được địa phương xác nhận. Đây cũng là lý do vì sao DKRA không thể bán được nhiều sản phẩm.

“Vụ án kéo dài đã gây ra nhiều thiệt hại cho DKRA về cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng như gây khó khăn cho các hoạt động tài chính của doanh nghiệp chúng tôi”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA bức xúc nói với PV Báo CAND.

Ngày 1/12/2020, TAND huyện Hàm Thuận Nam đã ban hành Quyết định 01/2020/QĐST-KDTM tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Lý do mà Toà đưa ra trong quyết định này là “Đợi kết quả cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền”.

Trao đổi với PV Báo CAND qua điện thoại vào ngày 3/3, Thẩm phán Nguyễn Văn Thành, người ký quyết định tạm đình chỉ vừa kể cho biết, từ yêu cầu của nguyên đơn, Tòa đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận để đề nghị cung cấp thông tin phục vụ cho việc xét xử. Tuy nhiên đến nay, phía tỉnh chưa trả lời nên Toà mới tạm đình chỉ vụ án và sẽ sớm đưa vụ án ra xét xử khi được cung cấp thông tin.

Trong khi đó, phía DKRA cho biết, thời điểm mà DKRA với tư cách nguyên đơn yêu cầu tòa án thu thập thông tin về tính pháp lý của vụ án là tháng 9/2020. “Tính đến thời điểm Toà ra quyết định tạm đình chỉ là gần 3 tháng. Chẳng lẽ trong thời gian 3 tháng đó, tòa án yêu cầu nhưng cơ quan chức năng của tỉnh vẫn không cung cấp thông tin? Tính từ lúc vụ án được thụ lý đến khi ban hành quyết định vừa nêu đã gần 6 tháng, sau nhiều lần mời 2 bên đến làm việc, tiến hành hoà giải và đều hoà giải không thành, Toà vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành không quy định thời hạn tối thiểu đối với quyết định tạm đình chỉ. Do vậy, chúng tôi nhận thấy rằng, quyết định kể trên của Toà đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của DKRA”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA nói.

Mã Hải
.
.
.