Thất nghiệp khi đi xuất khẩu lao động tại Malaysia:

Công ty SONA đổ lỗi cho người lao động

Thứ Ba, 17/01/2017, 08:44
Gần 4 tháng xuất khẩu lao động sang Malaysia, anh Phạm Ngọc Đông, quê ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trở về tay trắng.

Lý do anh Đông về nước theo đơn phản ánh gửi tới Báo CAND là do thời gian chờ đợi dài mà không có việc làm, điều kiện ăn ở kém đã gây nên tâm lý chán nản, buộc anh phải bỏ về. 9 lao động cùng đi với anh Đông (1 lao động do sức khỏe không đạt phải về nước) đều phải “ăn chực, nằm chờ” hơn 3 tháng mới được vào làm việc.

Bỏ về vì không có việc làm

Theo đơn phản ánh của anh Phạm Ngọc Đông gửi tới Báo CAND, ngày 13-8-2016, qua người quen giới thiệu, anh Đông đã đến Công ty CP Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (Công ty SONA) tại 34 Đại Cồ Việt, Hà Nội để xin đi xuất khẩu lao động sang Malaysia.

Anh Đông đã được anh Nguyễn Xuân Dương, nhân viên văn phòng Công ty SONA trực tiếp phỏng vấn và anh Dương đồng ý cho anh Đông đi lao động. Anh Đông đã nộp cho anh Dương tổng cộng 26.880.000 đồng để ngày 29-8-2016 sẽ xuất cảnh sang Malaysia.

“Trong hợp đồng của tôi với công ty có ghi, tôi sẽ sang làm đường ống cho công ty dầu khí; được nuôi ăn, ở và được hỗ trợ 900 RM/tháng (tiền Malaysia) trong thời gian chờ thủ tục để vào làm việc, khoảng từ 3 tuần đến 1 tháng.

Sang Malaysia, tôi được xếp ở cùng 60 người của các công ty khác và 8 người đi cùng của Công ty SONA trong một phòng. Tôi không được nuôi ăn, giường chiếu, chăn màn không có, sinh hoạt tự túc, phải bỏ tiền ra để ăn uống. Số tiền 900 RM/tháng như trong hợp đồng ký kết cũng không có. Tôi phải bỏ ra khoảng 4 triệu đồng để sinh hoạt.

Sau 1 tháng chờ đợi không được vào làm, tôi đã gọi điện về cho anh Dương và bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Công ty SONA, nhưng họ cũng chỉ hứa sắp xếp việc làm cho tôi nhưng không biết ngày nào. Theo hợp đồng thì người lao động chờ việc từ 3 tuần đến 1 tháng, nhưng 3 tháng 5 ngày trôi qua tôi không có việc làm.

Gia đình tôi đã lên công ty để yêu cầu giải quyết nhưng cũng không có gì thay đổi. Sau khi chờ đợi quá lâu, công ty hứa hẹn hết tuần này đến tuần khác, tôi đã bảo người nhà chuyển tiền cho tôi để tôi làm giấy thông hành về nước” – anh Đông cho biết.

Theo anh Đông thì sau khi về nước, anh đã đến Công ty SONA để yêu cầu giải quyết. Anh yêu cầu công ty hoàn trả chi phí đã nộp vào công ty và 3 tháng phí sinh hoạt khi anh không có việc làm.

Anh Đông đang làm đơn gửi các cơ quan chức năng.

Có đem con bỏ chợ?

Làm việc với lãnh đạo Công ty SONA, chúng tôi được ông Phương Trường Long, Trưởng phòng XKLĐ 3 cho biết: “Lý do chậm là khi sang Malaysia người lao động phải khám lại sức khỏe, tuy nhiên do dữ liệu bị trục trặc nên phải tổ chức khám lại lần 2, tất cả thời gian mất 1 tháng. Nhưng khi khám lần 2, anh Đông bỏ đi Kuala Lumpur chơi, không khám, dẫn tới chậm hơn so với các lao động khác”.

Ông Long cho biết thêm: Vào ngày 29-8-2016, Công ty SONA ký hợp đồng với anh Đông cùng với 8 lao khác để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tại bản hợp đồng này thì Công ty SONA đưa lao động đi làm việc trên cơ sở của hợp đồng nguyên tắc mà các lao động đã ký với Công ty TNHH ITV PetroVietNam Engineering Malaysia (PVE), địa chỉ tại Nhà máy Lọc dầu Rapid – Malaysia tại Pengerang, Zohor, Malaysia.

Trụ sở Công ty SONA.

“Trước khi người lao động ký, công ty đã đưa bản hợp đồng của Công ty PVE cho người lao động đọc và đồng ý với những điều khoản trong hợp đồng. Tất cả đều đọc và ký mà không có thắc mắc nào. Ngày 29-8-2016, các lao động bay sang Malaysia vào tỉnh Zohor và được công ty môi giới thuê nhà cho ở để chờ làm thủ tục vào công trường. Toàn bộ tiền ở công ty môi giới trả, tiền ăn thì Công ty SONA trả cho người lao động” – ông Long cho biết.

Về nguyên tắc, người lao động phải ký hợp đồng với Công ty PVE thì Công ty SONA mới được phép ký hợp đồng để đưa người đi xuất khẩu lao động. Tại cả hai bản hợp đồng ký ngày 29-8-2016 với Công ty SONA và Công ty PVE đều có điều khoản về tiền lương như sau: “Thời gian chờ hoàn thành thủ tục vào công trường: RM900/tháng”.

Giải thích với phóng viên, ông Long cho biết, sau khi người lao động vào làm việc trong công trường thì Công ty PVE mới hỗ trợ 900RM. “Hợp đồng ghi như thế chẳng khác nào mập mờ để người tiêu dùng lầm tưởng rằng trong thời gian chờ việc chúng tôi được hỗ trợ 900RM/tháng. Chính vì điều kiện như thế chúng tôi mới đi”- anh Đông bức xúc. 

Tuy nhiên, trên cả hai bản hợp đồng này đều không có số. Riêng bản hợp đồng giữa Công ty PVE và anh Đông, không có chữ ký của bên sử dụng lao động.

“Khi sang Malaysia tôi làm gì có tiền mà đi Kuala Lumpur chơi, hôm đó tôi bị muỗi đốt sưng người nên mới không đi khám. Công ty hỗ trợ tiền ăn tính ra được 500.000đ tiền Việt thôi. Nói như thế này thì công ty đổ hoàn toàn lỗi lên người lao động” – anh Đông phản ứng.

Thiết nghĩ, anh Đông sẽ không tự ý về nước khi có việc làm theo đúng với thỏa thuận hợp đồng đã ký. Trong vụ việc này, sự chậm trễ, kéo dài thời gian sắp xếp công việc là một trong những nguyên nhân khiến người lao động chán nản, muốn về nước.

Tại buổi làm việc với chúng tôi, đại diện Công ty SONA cho biết, sau khi về nước anh Đông có liên hệ với công ty để thanh lý hợp đồng.

“Theo nguyên tắc thì anh Đông bỏ trốn, công ty không trả lại tiền. Tuy nhiên, vì thương người lao động ở Malaysia mấy tháng chưa được đi làm, có bức xúc, công ty đồng ý trả toàn bộ số tiền 26.800.000 mà anh Đông đã đóng. Tuy nhiên, anh Đông không nhận mà yêu cầu công ty phải trả thêm tiền ăn và vé máy bay anh mua về nước, chúng tôi không đồng ý nên sự việc vẫn chưa được giải quyết” – ông Long giải thích.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đồng thời cũng là giữ uy tín của Công ty SONA, thiết nghĩ đại diện Công ty và người lao động cần sớm ngồi lại để giải quyết sự việc một cách thấu tình, hợp lý. Đề nghị Cục Lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc.

Trần Hằng – Xuân Mai
.
.
.