Công trình thủy lợi hơn 300 tỷ mới sử dụng đã xuống cấp
Dự án đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở hệ thống đê bao Quảng Điền được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 979/QĐ-UBND với mục tiêu kiên cố hóa kênh mương, hạn chế sự phá hoại của mưa lũ, ổn định sản xuất cho gần 3 nghìn hécta lúa của người dân địa phương. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn công trình thủy lợi cấp IV, có chiều dài gần 45km và rộng 3 mét.
Ngoài việc hạn chế sự phá hoại của lũ lụt, công trình còn được thiết kế hơn 13km là tuyến giao thông phục vụ người dân đi lại của các xã Bình Hòa, Dur Kmăl và Quảng Điền của huyện Krông Ana. Công trình được được chia làm 5 gói thầu, do UBND huyện Krông Ana làm chủ đầu tư với số tiền lên đến hơn 312 tỷ đồng.
Sau hơn 2 năm chính thức đưa vào sử dụng và chỉ trải qua 2 trận lụt, nhiều hạng mục của công trình đã bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của hàng nghìn hộ dân trong vùng. Cụ thể như trên suốt đoạn đê từ trạm bơm T21 đến trạm bơm T22 (qua địa bàn thôn 1, xã Quảng Điền) chỉ dài hơn 1km nhưng lớp thảm bê tông trên bề mặt đê đã bị bong tróc hoàn toàn. Những mảng bê tông kè mái đê cũng bị sụt trượt, đổ gãy, tạo thành rãnh sâu. Thậm chí có những chỗ hổng tạo thành hố rộng từ 30-40cm.
Những tấm tuluy bê tông bị sụt, rơi cả xuống ruộng lúa. |
Tại 3 cống tiêu C8, C9 và C10 nằm trên địa bàn xã Dur Kmăl, trên bề mặt đê đã bị sụt lún, tạo thành những đường nứt khá lớn; tại trạm bơm T75, có khoảng 100 mét đê trên bề mặt đã bị bong tróc, lòi trơ đá. Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên, nhiều đoạn đê mái taluy đã bị bong tróc, nhiều tấm bê tông xi măng bờ kè đã bị đổ xuống ruộng; thành mương nước cũng bị vỡ, nhiều nơi không còn tác dụng tiêu thoát nước…
Một công trình được đầu tư với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ mới đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp, hư hỏng đáng lo ngại như hiện nay đang đặt ra câu hỏi, liệu công trình thi công có đảm bảo chất lượng? Đem vấn đề trên trao đổi với ông Y Hương Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho rằng, công trình đã được các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện nghiệm thu một cách kỹ càng. Do vậy, không có cơ sở kết luận nguyên nhân sạt lở là do kém chất lượng.
“Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do vào cuối năm 2016, trên địa bàn có mưa to, lũ kéo dài khiến công trình bị ngập trong suốt hơn 1 tháng đã làm ảnh hưởng tới nền của đê bao. Ngoài ra, thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát ở khu vực này cũng là nguyên nhân tác động làm thay đổi dòng chảy của sông, ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu chân đê, khiến tình trạng sạt lở càng trở nên nghiêm trọng, nhất là sau mùa mưa lũ”, ông Y Hương Niê thông tin thêm.
Cũng theo ông Y Hương Niê, trước đây, tình trạng khai thác cát còn diễn ra khá im ắng nhưng từ ngày có tuyến giao thông đê bao, hoạt động khai thác cát diễn ra khá rầm rộ.
“Mỗi ngày có hàng chục xe chở cát lưu thông qua tuyến đê. Theo thiết kế, tải trọng của mặt đê chỉ cho phép xe 6 tấn đi qua nhưng xe chở cát có nhiều chiếc chở hàng chục tấn, thậm chí gấp từ 2 đến 3 lần thì sao không hư hỏng cho được. Trước tình trạng trên, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra và đã tiến hành lập biên bản, buộc các doanh nghiệp khai thác cát phải tuân thủ các quy định, nếu tiếp tục sai phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Y Hương Niê cho biết.
Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, sau đợt mưa lũ kéo dài vào cuối năm 2016, trên toàn tuyến đê đã có 20 điểm sạt lở nghiêm trọng kéo dài từ 800 đến 1.200 mét và hàng chục điểm sạt lở cục bộ khác.
“Trước thực trạng trên, Sở đã có ý kiến với huyện lập một dự án để bảo trì sửa chữa nhưng đến nay, huyện vẫn chưa làm được vì kinh phí đề nghị quá lớn. Vừa qua, tỉnh cũng đã bố trí một phần kinh phí để sửa chữa tạm thời những điểm sạt lở có nguy cơ mất an toàn cao. Việc đê bao bị sạt lở, xuống cấp không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính an toàn của hồ đập, mà còn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hàng nghìn hộ dân trong vùng”, ông Dũng cho biết thêm.
Được biết, tuy mới bước vào đầu mùa mưa nhưng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có lũ lớn, gây ngập úng hơn 1.500ha cây trồng các loại, một báo hiệu mức độ nguy hiểm cao của mùa mưa lũ năm nay. Trong khi đó, tuyến đê bao đảm bảo an toàn cho hơn 3 nghìn hécta lúa, liên quan đến đời sống của hàng vạn hộ dân ở huyện Krông Ana vẫn trong tình trạng sạt lở và chưa được khắc phục một cách triệt để.
Nếu như chính quyền địa phương nơi đây vẫn không có biện pháp khắc phục kịp thời, tuyến đê trăm tỷ sẽ bị cuốn xuống lòng sông là điều khó tránh khỏi. Và khi ấy, không chỉ đời sống của người dân nơi đây trở nên khó khăn hơn, mà hàng trăm tỷ đồng tiền của Nhà nước cũng bị “nhấn chìm xuống lòng sông”.