Công an khẩn trương điều tra vụ phá rừng ở Bình Định

Thứ Sáu, 15/09/2017, 10:10
“Lâm tặc” mở đường vào rừng rồi sử dụng máy cưa cầm tay để đốn hạ cây gỗ trong nhiều ngày trên diện rộng nhưng cơ quan kiểm lâm và chính quyền địa phương không phát hiện? Đối tượng ngang nhiên phá rừng là ai? Bằng cách nào “lâm tặc” vận chuyển những cây gỗ đốn hạ rời khỏi rừng?


Không chỉ đề cập đến diện tích rừng đã bị tàn phá hàng chục héc-ta tự nhiên ở xã An Hưng, huyện An Lão (Bình Định) như Báo CAND đã thông tin ban đầu mà dư luận ở địa phương đặc biệt quan tâm với những câu hỏi: “Lâm tặc” mở đường vào rừng rồi sử dụng máy cưa cầm tay để đốn hạ cây gỗ trong nhiều ngày trên diện rộng nhưng cơ quan kiểm lâm và chính quyền địa phương không phát hiện? Đối tượng ngang nhiên phá rừng là ai? Bằng cách nào “lâm tặc” vận chuyển những cây gỗ đốn hạ rời khỏi rừng?

Các cơ quan chức trách kiểm tra hiện trạng phá rừng.

An Hưng là xã vùng cao ở huyện miền núi An Lão, tiếp giáp với địa bàn các xã Hoài Sơn, Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn và nằm gần địa giới hành chính miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Chặng đường từ trung tâm xã An Hưng đến hiện trường vụ phá rừng ở tiểu khu 1 ước tính hơn chục cây số, trong đó có nhiều cung đoạn đường rừng hiểm trở, gần như không có lối đi nên phải chuyển hướng sang xã Hoài Sơn – huyện Hoài Nhơn mới đến được hiện trường.

Nhìn những gốc cây gỗ lớn, nhỏ đã bị đốn hạ, phát dọn trắng mở rộng trước tầm mắt không ai nghĩ rằng đó là vụ phá rừng nghiêm trọng mà dễ dàng nhầm tưởng một doanh nghiệp nào đó được cơ quan chức năng cho phép dọn rừng để triển khai dự án kinh tế. Nơi này là những cây gỗ vừa đốn hạ ngổn ngang với vết cắt còn rất mới cùng những cành lá chưa kịp khô, nơi kia cây gỗ đã dọn sạch với những vết cháy nham nhở. Sau khi vụ việc phát lộ, diện tích rừng bị tàn phá đã lên đến 43,7 ha ở hai khoảnh 7 và 8.

Kết quả kiểm đếm, đo đạc hiện trạng của cơ quan chức trách cho thấy diện tích đốn hạ tại khoảnh 7 là 13,20 ha rừng trạng thái IIA, quy hoạch chức năng phòng hộ, cây gỗ bị đốn hạ dài 8-11m, đường kính 10-30cm; diện tích đốn hạ tại khoảnh 8 là 30,5 ha rừng trạng thái IIA, quy hoạch chức năng sản xuất. Thời gian phá rừng trước thời điểm kiểm tra khoảng 3-10 ngày.

Nghiêm trọng hơn nữa là “lâm tặc” đã huy động xe cơ giới chuyên dụng khai phá, san ủi con đường khoảng nửa cây số để vận chuyển khối lượng lớn ra khỏi hiện trường rừng đã bị đốn hạ và trồng keo lá tràm khoảng 7 ha trong diện tích rừng đã đốn hạ, phát dọn.

Trong cuộc kiểm tra hiện trạng phá rừng vào ngày 12-9, ông Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã đặt câu hỏi với ông Đinh Văn Chê, Chủ tịch UBND xã An Hưng: “Vì sao các đối tượng phá rừng lập lán trại tại chỗ, đốn hạ cây gỗ bằng máy cưa cầm tay có tiếng động ầm ào, rồi mở đường vận chuyển gỗ củi công khai nhưng chính quyền địa phương không phát hiện kịp thời để diện tích rừng bị tàn phá trên diện rộng?”.

Ông Chê cho biết: “Khi cơ quan chức năng tiến hành cắm mốc phân định 3 loại rừng tại tiểu khu 1, xã An Hưng vào đầu tháng 7-2017 thì tình trạng phá rừng chưa xảy ra ở đây nên địa phương tuần tra bảo vệ rừng ở các tiểu khu khác”. Lý giải vậy nhưng chính ông Chê thừa nhận: “Những khoảnh rừng bị tàn phá có địa hình hiểm trở, từ trung tâm xã đến tiểu khu 1 phải đi bộ cả ngày, khi kiểm lâm địa bàn báo cáo thì xã mới biết”.

Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm An Lão – ông Phạm Phương Bắc thừa nhận: “Ngoài những dấu vết để lại trên thân cây cho thấy rừng bị đốn hạ bằng cưa máy cầm tay, san ủi, mở đường bằng xe cơ giới, dựng lán trại dưới chân đồi với nhiều vật dụng sinh hoạt, thậm chí có cả chó canh giữ, báo động khi có người đến, lâm tặc còn lập rào chắn kiên cố, khóa chặt lối vào hiện trường phá rừng, khi phát hiện, chính quyền và kiểm lâm phải dùng búa, rìu phá khóa rào chắn mới vào tiểu khu 1”.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTN Bình Định cho rằng đây là vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng, diện tích rừng bị tàn phá trên diện rộng, đối tượng phá rừng không đơn lẻ mà có tổ chức. Trung tâm quy hoạch nông nghiệp – nông thôn đang tiến hành giám định thiệt hại vụ phá rừng này để có căn cứ cho các cơ quan chức trách xử lý theo quy định pháp luật.

Kết thúc cuộc kiểm tra hiện trường vụ phá rừng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo Công an tỉnh Bình Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra làm rõ đối tượng hủy hoại rừng để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật về hình sự. Ông Tùng yêu cầu Sở NN&PTNT Bình Định, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện An Lão tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý và bảo vệ rừng để xảy ra vụ việc phá rừng nghiêm trọng này.

Chiều 11-9, Đội kiểm lâm cơ động của Chi cục Kiểm lâm Bình Định phối hợp Hạt kiểm lâm huyện Hoài Nhơn tiến hành kiểm tra và phát hiện bên trong cơ sở sản xuất của một hộ gia đình ở xã Hoài Sơn có một lô gỗ với quy cách, chủng loại như những cây gỗ đã bị đốn hạ ở tiểu khu 1 nhưng chủ nhân lô gỗ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Sau khi lập biên bản kiểm tra hành chính, toàn bộ lô gỗ đã bị tạm giữ để xác minh. Rất có thể đó là mấu chốt để các cơ quan chức trách truy xét thủ phạm phá rừng”.

Đại tá Nguyễn An Ninh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cho biết: “Vụ việc thuộc thẩm quyền của Hạt kiểm lâm huyện An Lão nhưng do tính chất nghiêm trọng và phức tạp, hành vi của các đối tượng phá rừng có dấu hiệu tội phạm nên Chi cục Kiểm lâm Bình Định cần phải vào cuộc, khẩn trương thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan để khởi tố vụ án hình sự hủy hoại rừng rồi chuyển cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định tiến hành các hoạt động điều tra, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật về hình sự”.

Hé lộ nghi can đốn hạ, phát dọn hơn 43 ha rừng

Nguồn tin từ cơ quan chức trách ở Bình Định chiều 14-9 cho biết trong lúc triển khai các biện pháp nghiệp vụ truy tìm đối tượng đốn hạ, phát dọn trái phép 43,7 ha rừng tự nhiên ở tiểu khu 1, xã An Hưng, huyện An Lão, Hạt kiểm lâm huyện Hoài Nhơn đã phát hiện một khối lượng lớn gỗ, củi không có nguồn gốc hợp pháp tại một nhà máy chế biến dăm gỗ ở thôn Tường Sơn, xã Hoài Sơn. Chưa có số liệu kiểm đếm số lượng, khối lượng cụ thể nhưng theo lực lượng kiểm lâm, hầu hết số gỗ, củi đó có quy cách, chủng loại giống như cây gỗ đã bị đốn hạ ở tiểu khu 1, xã An Hưng, huyện An Lão.

Nhà máy chế biến dăm gỗ này của một doanh nghiệp có trụ sở giao dịch ở TP Quy Nhơn hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực xây dựng, dịch vụ khách sạn, chế biến dăm gỗ, trồng rừng kinh tế…  Điều hành hoạt động sản xuất tại nhà máy chế biến dăm gỗ này là một phụ nữ. Gần hiện trường vụ phá rừng có khoảng 30ha cây keo lai do DN này trồng 2-3 năm nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác để trồng rừng kinh tế. Các cơ quan chức trách đang tập trung điều tra làm rõ nghi can đốn hạ, phát dọn 43,7 ha rừng để xử lý nghiêm minh và báo cáo kết quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hữu Toàn


Hữu Toàn
.
.
.