Có hay không việc Công ty Hoa Sen “chiếm đất” của người dân?

Thứ Sáu, 09/07/2021, 08:51
Thời gian qua, dư luận tại Lâm Đồng quan tâm tới thông tin “Công ty Hoa Sen chiếm đất của người dân” thực hiện dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen tại thị trấn Đạ Mri, huyện Đạ Huoai. PV Báo CAND đã vào cuộc tìm hiểu.

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Tương (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, bà có các thửa đất số 200 và 201, tờ bản đồ 12, thị trấn Đạ Mri, huyện Đạ Huoai. Công ty TNHH tập đoàn đầu tư Hoa Sen (Công ty Hoa Sen) cũng có các thửa đất nằm giáp ranh và bao quanh thửa số 200 của bà Tương.

Do cần một con đường đi qua lại giữa các thửa đất, đầu năm 2020, đại diện Công ty Hoa Sen đã gặp bà Tương bàn bạc đề xuất được đổi đất để làm lối đi. Ngỡ chỉ đổi đủ lối đi nên bà đã đồng ý, đồng thời cho xây nhà bếp, sân phơi sang phần đất đã đổi từ Công ty Hoa Sen với diện tích khoảng 300m2. Tháng 3/2021, khi Công ty Hoa Sen triển khai các công trình trên phần đất đã đổi với bà Tương thì phát sinh tranh chấp. Bà Tương cho rằng, phía Công ty Hoa Sen thực hiện không đúng với thỏa thuận ban đầu và có đơn tố cáo tới cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, đại diện Công ty Hoa Sen lại cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp vị trí đất thỏa thuận đổi với bà Tương là do đã quá tin tưởng người này nên bị “lật kèo”. Cụ thể, đầu năm 2020, sau khi đạt được thỏa thuận, bà Tương đã bàn giao đất cho Công ty Hoa Sen khoảng 4.300m2 (thuộc thửa 200, tờ bản đồ số 12), thị trấn Đạ Mri, tính từ mép suối Đạ Mrê đến mép suối nhỏ phía trong, chiều dài khoảng 130m, chiều rộng toàn bộ thửa đất. Đổi lại, Công ty Hoa Sen cũng đã bàn giao cho bà Tương 4.350m2 đất có mặt tiền là quốc lộ 20 (thuộc các thửa 195, 202, 203, tờ bản đồ số 12), tiếp giáp với các thửa đất bà Tương đang sử dụng.

Nguyên nhân đổi đất không lập thành văn bản là do mối quan hệ thân thiết hàng chục năm qua giữa ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Sen và bà Tương (trước đó là cố sư bà Hải Triều Âm); các bên đều là người tu hành. Ý nguyện các bên thỏa thuận miệng với nhau sau đó sẽ làm thủ tục điều chỉnh biến động trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài việc trao đổi đất với diện tích tương đương (thậm chí đất Công ty Hoa Sen đổi cho bà Tương còn giá trị hơn vì có mặt tiền quốc lộ 20), Công ty Hoa Sen còn hỗ trợ bà Tương xây nhà bếp, nhà ăn lớn, sân phơi, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất cùng nhiều vật dụng giá trị khác... với tổng số tiền lên tới 4 tỷ đồng.

Sau khi thỏa thuận, tháng 3/2020, bà Tương cho xây dựng các công trình và sử dụng phần đất đổi từ Công ty Hoa Sen. Bà Tương cũng đã bàn giao phần đất đã đổi cho Công ty Hoa Sen. Sau đó, Công ty Hoa Sen thi công đường nội bộ trên phần đất đã đổi với bà Tương. Công ty Hoa Sen cho biết, thời điểm này, bà Tương cũng đã chủ động phân chia rõ chiều ngang ranh đất đã đổi với Công ty Hoa Sen.

Đầu năm 2021, Công ty Hoa Sen thống nhất thủ tục pháp lý đổi đất, đồng thời mời Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đạ Huoai tới đo đạc diện tích trao đổi để hai bên làm thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ngày 16/3/2021, bà Tương đột ngột “lật kèo”, nhắn tin cho ông Lê Phước Vũ với nội dung cảm ơn ông Vũ đã giúp đỡ trong suốt thời gian qua nhưng tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận đổi đất giữa hai bên.

Từ đây, giữa Công ty Hoa Sen và bà Tương phát sinh tranh chấp phần đất đã đổi cho nhau, cùng với đó là tin đồn “Công ty Hoa Sen chiếm đất của người dân” để thực hiện dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen. Khi phát sinh tranh chấp, đại diện Công ty Hoa Sen đã nhiều lần tới gặp bà Tương nhằm thống nhất nội dung thỏa thuận đổi đất nhưng bà Tương không hợp tác. Tối 22/4/2021, bà Tương cho người đưa máy múc vào phá bỏ các công trình đã xây dựng trên phần đất đổi với Công ty Hoa Sen. Khi tháo dỡ được 2/3 công trình thì bị chính quyền địa phương tới ngăn chặn, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng.

Bờ rào bà Tương dựng để phân chia ranh giới vị trí đất đã đổi với Công ty Hoa Sen.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, diện tích đất của bà Tương (thuộc các thửa 200 và 201, tờ bản đồ số 12, thị trấn Đạ Mri), nằm lọt giữa dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen có tổng diện tích khoảng 600ha của Công ty Hoa Sen. Phần đất hai bên thống nhất đổi cho nhau đều đã có sự tác động. Trên phần đất đổi từ bà Tương, Công ty Hoa Sen đã san lấp, làm đường đi nội bộ và đang dựng 3 căn nhà mái lợp ngói.

Trên phần đất đổi từ Công ty Hoa Sen, bà Tương cũng đã cho xây dựng công trình kiên cố, gồm một trệt và một lầu nhưng hiện đã bị tháo dỡ khoảng 2/3. Ranh giới theo chiều rộng của thửa đất, nơi giáp ranh với vị trí đất đổi cho Công ty Hoa Sen đã được bà Tương cho dựng hàng rào kẽm gai, trụ bê tông để phân chia rõ ràng vị đất đã hoán đổi. Chiều dài song song với thửa đất của bà Tương, cách bờ rào cũ của bà Tương từ 6-10m sang phần đất của Công ty Hoa Sen cũng đã được rào bằng trụ bê tông và lưới thép, chạy dài ra tới quốc lộ 20. Đây chính là phần đất khoảng 4.350m2 mà Công ty Hoa Sen cho biết đã đổi cho bà Tương để lấy 4.300m2 phía sau cùng thửa đất của bà Tương, nơi giáp suối Đạ Mrê.

Theo ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ Mri, huyện Đạ Huoai, giữa Công ty Hoa Sen và bà Tương chắc chắn đã có sự thỏa thuận đổi đất. “Nội dung thỏa thuận thế nào thì chỉ hai bên biết vì không được lập thành văn bản!..”, ông Chinh nói. Cũng theo ông Chinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Sen Lê Phước Vũ chính là người đã bảo lãnh cho bà Tương cùng gần 60 người được ở trên phần đất hiện nay để sản xuất nông nghiệp.

“Công ty Hoa Sen đã cung cấp các chứng từ nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất khoảng 2,1 tỷ đồng, tiền xử phạt và các hóa đơn liên quan đến các công trình xây dựng của bà Tương. Điều đó cho thấy Công ty Hoa Sen đã bỏ ra rất nhiều tiền để hỗ trợ bà Tương!..”, ông Chinh nói.

Đại đức Thích Như Kiên, Trưởng Ban Trị sự phật giáo huyện Đạ Huoai, trụ trì chùa Phước Lạc, gần nơi xảy ra tranh chấp đất giữa Công ty Hoa Sen với bà Tương cũng xác nhận có việc đổi đất giữa bà Tương với Công ty Hoa Sen. Bằng chứng rõ nhất là bà Tương đã cho dựng bờ rào trụ bê tông, kẽm gai để phân chia ranh giới vị trí đất đã đổi cho Công ty Hoa Sen.

Đại đức Thích Như Kiên cho biết, bà Tương cùng nhiều người khác còn tổ chức sinh hoạt tôn giáo không thông qua giáo hội phật giáo địa phương, vi phạm pháp luật vì đây không phải là cơ sở tôn giáo mà chỉ là đất của cá nhân bà Tương.

Khắc Lịch
.
.
.