Chủ đầu tư "diễn kịch" trên nỗi đau của nhiều nạn nhân
Theo tài liệu mà PV Báo CAND có trong tay, ngày 23-1-2006, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Quyết định số 300/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu biệt thự - du lịch Thanh Bình, với quy mô khoảng 20,6ha, gồm 3 khu chức năng là khu dịch vụ du lịch nằm vị trí ven biển; khu công trình dịch vụ công cộng, thương mại, thể thao và khu biệt thự, khách sạn cao cấp.
Khu đất mà bà Nguyễn Thị Ngọc Lương chuyển nhượng từ công ty Thanh Bình. |
Chủ đầu tư là Công ty Thanh Bình do ông Phạm Quốc Dũng làm giám đốc. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng dự án khoảng 250 tỷ đồng (torng đó chi phí xây dựng công trình kiến trúc khoảng 165 tỷ đồng; công trình hạ tầng khoảng 50 tỷ đồng, chi phí khác và dự phòng phí khoảng 35 tỷ đồng) do công ty tự bố trí.
Không rõ khi giao dự án cho Công ty Thanh Bình, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có xem xét khả năng tài chính của DN này hay không. Trong khi dấu hiệu từ những việc làm thực tế vừa qua cho thấy, Công ty Thanh Bình chủ yếu “mượn đầu heo nấu cháo”. Và khi bán hết “cháo” rồi, DN này chẳng thèm trả lại… “đầu heo”.
Bằng chứng là trước khi dự án được phê duyệt tỷ lệ 1/500 vào năm 2004, Công ty Thanh Bình đã phân lô bán nền. Đến khi đường sá hình thành, chủ đầu tư này tiếp tục bán đất với những lời hứa hẹn “chắc như đinh đóng cột” rằng sẽ sang tên cho người mua. Thế nhưng khi cầm được “sổ đỏ”, “sổ hồng” trong tay, ông Phạm Quốc Dũng “quên ơn” những người cho mình mượn “đầu heo” mà đem thế chấp hết vào ngân hàng.
Khu đất mà bà Nguyễn Thị Ngọc Lương chuyển nhượng từ công ty Thanh Bình. |
Theo cơ cấu sử dụng đất được phê duyệt, chúng tôi nhẩm tính, có hơn 10ha đất nằm trong dự án này có thể đã bị Công ty Thanh Bình đem đi bán. Nếu tính bình quân giá trị đất vào thời điểm đó (5 triệu đồng/m2), chỉ trong giai đoạn 1 thôi, chủ đầu tư này bỏ túi ngót ngét trên dưới 500 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2, DN này mang đất thế chấp cho ngân hàng để vay 70% giá trị tài sản, sẽ dễ dàng bỏ túi thêm 350 tỷ đồng nữa. Tất nhiên, đây chỉ là sự ước lượng, còn thực tế là bao nhiêu, có lẽ ông Phạm Quốc Dũng rõ hơn ai hết.
Chỉ tội cho những “thượng đế” đã mua đất, họ đã quá tin tưởng vào một dự án bề thế, quá tin tưởng vào các cơ quan chức năng, quá tin tưởng vào “tiếng tăm” của ông Phạm Quốc Dũng, để rồi ôm hận khi đất mà mình bỏ ra biết bao tiền của dành dụm được để mua giờ lần lượt rơi vào tay của ngân hàng. Tuy thất vọng, đau khổ nhưng họ nói vẫn đang rất hy vọng vào công lý, vào sự nghiêm minh của pháp luật, “con voi lẽ nào mãi chui lọt lỗ kim”.
Là một trong số các nạn nhân, khi tiếp xúc với PV Báo CAND, bà Nguyễn Thị Ngọc Lương (ngụ phường 7, TP Vũng Tàu) nghẹn ngào: “Ngày 15-8-2012, tôi và ông Phạm Quốc Dũng (đại diện Công ty Thanh Bình) ký hợp đồng chuyển nhượng lô đất 3.500m2 (đo đạc thực tế 3.822m2) với giá 22,75 tỷ đồng. Sau khi thanh toán đủ số tiền chuyển nhượng, ông Dũng hứa hẹn sẽ nhanh chóng tách thửa, sang tên và bàn giao đất cho tôi sử dụng nhưng đợi mãi chẳng thấy đâu.
Cù cưa đến ngày 8-5-2018 thì Công ty Thanh Bình mới tiến hành cắm mốc giao đất cho tôi. Nhưng cũng là lúc tôi phát hiện sự thật phũ phàng, đó là ông Dũng đã mang “sổ đỏ” khu đất này và nhiều khu nữa trong dự án thế chấp cho một chi nhánh ngân hàng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần đất mà bà Lương đã chuyển nhượng nằm trong lô đất có diện tích 7.977m2 được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận cho Công ty Thanh Bình vào ngày 6-8-2012. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng cho bà Lương, ngày 14-11-2012, ông Dũng đã mang đi thế chấp cho một chi nhánh ngân hàng ở huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh để bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Đầu tư-Kinh doanh bất động sản Hoàng Gia (quận 1, TP Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH MTV đầu tư Kim Ngân (quận 7, TP Hồ Chí Minh) vay số tiền hơn 40 tỷ đồng. Khi đó, khu đất này được định giá là hơn 54 tỷ đồng.
Lẽ thường, một cá nhân hay DN muốn vay vài trăm triệu hay 1-2 tỷ đồng đã phải chứng minh thu nhập rõ ràng, thực tế. Đó là chưa nói đến việc thẩm định tài sản cũng hết sức nghiêm ngặt, bên vay phải “trầy vi tróc vảy” mới nhận được sự giải ngân của ngân hàng. Đằng này, với số tiền lên đến 40 tỷ đồng mà ngân hàng cho vay dễ như trở bàn tay, để rồi sau đó, cả Công ty Hoàng Gia và Kim Ngân chẳng trả một đồng lãi nào cho đến khi vỡ nợ.
Đến tháng 9-2018, tổng số dư nợ của hai DN vừa kể đã lên gần 80 tỷ đồng. Do hai DN này không có khả năng trả nợ nên đương nhiên, Công ty Thanh Bình phải “đứng mũi chịu sào” và ông Phạm Quốc Dũng dễ dàng chấp nhận cho ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo để bán đấu giá trả nợ vay. Mặc dù lúc này bà Lương làm đơn tố cáo gửi khắp nơi nhưng phía ngân hàng đã mang tài sản bán đấu giá thành công vào ngày 11-1-2019. Đơn vị mua tài sản là Công ty TNHH TM-DV-ĐT bất động sản Đại Dương (quận 3, TP Hồ Chí Minh) với giá 47,25 tỷ đồng.
Một nghịch lý là khu đất 7.977m2 này được ngân hàng thẩm định giá để cho Công ty Thanh Bình vay vào năm 2012 hơn 54 tỷ đồng, tương đương 6,8 triệu đồng/m2. Thế nhưng hơn 6 năm sau, định giá khu đất chỉ còn hơn 47 tỷ đồng, tức khoảng 5,9 triệu đồng/m2. Tính ra, chỉ riêng hợp đồng tín dụng này, chi nhánh một ngân hàng (nhà nước) đã mất hơn 30 tỷ đồng nợ phải thu hồi.
Trong khi đó, giá thị trường khu đất này theo giới chuyên môn bất động sản, “bèo” lắm cũng 20 triệu đồng/m2. Như vậy, việc thẩm định giá đã “bốc hơi” hơn trăm tỷ đồng đã vào túi ai? Điều này không chỉ gây thất thoát tài sản nhà nước mà còn tước đoạt hết mọi quyền lợi của người đã bỏ tiền ra mua khu đất này (bà Lương).
Không phải chỉ có bà Lương, theo điều tra của PV Báo CAND, hàng chục người dân mua các lô biệt thự khác cũng cùng chung số phận. Đáng nói là trong số này có nhiều người đã xây dựng nhà và cư ngụ từ lâu, thế nhưng, ông Dũng vẫn mang đi thế chấp và ngân hàng vẫn “vô tư” cho vay. Nếu có bước thẩm định tài sản thì có lẽ mọi chuyện sẽ không phức tạp như bây giờ...
Qua xác minh, chúng tôi còn phát hiện, không chỉ có Công ty Hoàng Gia, Công ty Kim Ngân, ông Dũng còn đem đất đã chuyển nhượng cho người dân làm tài sản đảm bảo để thế chấp cho nhiều công ty khác vay vốn. Tất cả đều có cùng chung một kịch bản đã sắp đặt sẵn. Đó là vay xong không trả lãi đồng nào cho đến khi tài sản đảm bảo được mang ra xử lý. Ông Dũng sẽ “ngoan ngoãn” giao tài sản để trả nợ vay và được ngân hàng bán lại với cái giá rẻ mạt. Chính vì vậy mà những nạn nhân đã gọi đây là một “liên minh ma quỷ” mà ông Dũng là một mắt xích. Sự liều mạng của ông Dũng và ngân hàng chỉ có thể bị vạch trần khi Cơ quan điều tra vào cuộc.
Chúng tôi rất muốn tìm gặp ông Dũng để trao đổi vụ việc nhưng điện thoại thì ông không nghe máy, nhắn tin ông không trả lời. Còn trụ sở Công ty Thanh Bình thì rất nhiều, thay đổi liên tục, lúc ở thành phố Vũng Tàu, lúc ở quận Phú Nhuận; lúc ở quận quận 1, quận 4 (TP. Hồ Chí Minh) nhưng liên hệ nơi nào cũng không tìm ra ông Dũng.