Chống lợi ích nhóm trong ban quản trị nhà chung cư
- Ban Quản trị nhà chung cư: Thiếu không được, có cũng chưa xong1
- 5 điều quan trọng cần phải biết khi mua nhà chung cư
Ông Phạm Cường, Trưởng ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh GDI trên địa bàn xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, từng nhiều lần có đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng về việc cần sự can thiệp, hỗ trợ trong công tác bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư.
Trong đơn, ông Cường nêu, sau khi UBND huyện Nhà Bè ra quyết định công nhận Ban quản trị mới thuộc cao ốc Phú Hoàng Anh GDI vào ngày 5-10-2018 và bãi bỏ quyết định công nhận Ban quản trị cũ; theo quy định thì Ban quản trị cũ phải bàn giao lại hồ sơ, sổ sách, quỹ bảo trì đang quản lý cho Ban quản trị mới. Tuy nhiên, Ban quản trị mới đã 3 lần gửi văn bản yêu cầu Ban quản trị cũ thực hiện bàn giao nhưng vẫn vô vọng.
Cư dân một chung cư bức xúc phản ánh về ban quản trị với PV Báo CAND. |
Theo Ban quản trị mới, Quỹ bảo trì đang được gửi bằng 5 sổ tiết kiệm tại một ngân hàng có chi nhánh ở quận 7, với số dư trong tài khoản trên 38 tỷ đồng. Đại diện Ban quản trị mới đã đến ngân hàng trên hỏi về thủ tục chuyển quyền đứng tên, quyền sử dụng 5 sổ tiết kiệm trên. Nhưng đại diện ngân hàng cho biết, sổ tiết kiệm được gửi dưới hình thức 11 đồng sở hữu nên ngân hàng không thể căn cứ theo quyết định công nhận Ban quản trị của UBND huyện Nhà Bè để thực hiện chuyển quyền đứng tên 5 sổ tiết kiệm. Trong khi 11 đồng sở hữu 5 sổ tiết kiệm trên không yêu cầu làm thủ tục bàn giao.
Cũng chính vì vậy mà công tác bảo trì, bảo dưỡng tại chung cư này gặp nhiều khó khăn. “Kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng năm 2019 đã được cư dân thông qua tại Hội nghị nhà chung cư, nhiều hạng mục cần sử dụng đến kinh phí từ quỹ bảo trì, nhưng Ban quản trị cũ không bàn giao, gây bức xúc cho cư dân. Nếu không có quỹ để bảo trì thì cư dân rất lo lắng đến các vấn đề rủi ro như nguy cơ cháy…”, ông Phạm Cường bức xúc nói.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cư dân chung cư Phú Hoàng Anh GDI phát hiện ra những điều thiếu minh bạch, lạm quyền trong chuyện thu chi, nên đã nhiều lần làm đơn gửi đến chính quyền địa phương yêu cầu bãi nhiệm Ban quản trị chung cư (cũ). Sau đó, UBND xã Phước Kiển, UBND huyện Nhà Bè đã nhiều lần mời Ban quản trị lên đối chất về những vấn đề cư dân tố cáo nhưng Ban quản trị (cũ) luôn né tránh, tìm lý do để trì hoãn việc này.
Do đó, UBND xã Phước Kiển, UBND huyện Nhà Bè phải “cưỡng chế” và yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường để lấy ý kiến tín nhiệm bãi nhiệm Ban quản trị cũ và tiến hành bầu Ban quản trị mới.
Thực tế đây không phải là trường hợp duy nhất, mà đó là tình trạng phổ biến ở khá nhiều chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Ông Trần Đức Hải (cán bộ hưu trí), ở chung cư An Phú (quận 2) cho biết, Trưởng ban quản trị chung cư nơi ông sinh sống cũng lộng hành, luôn tìm cách sửa chữa chung cư để chi tiền. “Có lần sửa chữa đường xuống hầm để xe, tôi hỏi chi phí hết bao nhiêu tiền, Trưởng ban quản trị nói hết 24 triệu đồng, nhưng sau này tôi xem danh sách chi thì thấy số tiền trên 47 triệu đồng, tôi hỏi thì anh ta không trả lời”, ông Hải bức xúc nói.
Tại các cuộc họp chung cư, nhiều lần các cư dân phản ánh về sự lạm quyền nhất là trong việc sử dụng kinh phí bảo trì vô tội vạ của Ban quản trị chung cư, nhưng tình hình không có chuyển biến, thậm chí có thành viên trong Ban quản trị còn thách thức cư dân.
Quá bức xúc, ông Trần Văn Đích (70 tuổi, thương binh, cán bộ hưu trí) đã làm “tố” những dấu hiệu sai phạm của lãnh đạo Ban quản trị chung cư này gửi đến UBND quận 2. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, đơn của tôi vẫn chưa được giải quyết. Tôi sẽ làm đơn gửi lên UBND thành phố đề nghị giải quyết, không thể để cái xấu cứ tồn tại trong cộng đồng như vậy được. Kinh phí cư dân đóng để sửa chữa hoặc thay những thiết bị hư hỏng trong chung cư, vậy mà bị những người vì lợi ích bản thân tìm cách chiếm đoạt sử dụng cá nhân”, ông Đích bức xúc nói.
Chuyện không dừng lại ở đó, chị Âu Dương Duyên Anh (ngụ phường 9, quận 10) cũng có đơn kêu cứu gửi đến nhiều cơ quan chức năng của quận 2 cho biết, Ban quản trị chung cư An Phú đã “muốn làm gì thì làm”, cụ thể đã đột ngột chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng (sân phía trước chung cư) để bán cà phê. “Dù thời gian hợp đồng ghi từ ngày 1-6-2017 đến 1-6-2019, nhưng Ban quản trị chung cư gửi thông báo yêu cầu tôi ngày 11-12-2018 phải dẹp quán mà không cho biết lý do. Đơn phương chấm dứt hợp đồng như thế nhưng lại không bồi thường thiệt hại theo hợp đồng, thậm chí không trả lại 20 triệu đồng tiền đặt cọc của tôi”, chị Anh cho biết.
Làm việc với PV Báo CAND, ông Phạm Thanh Phương, Chủ tịch UBND phường An Phú, quận 2 xác nhận, UBND phường nhận được đơn của chị Anh và UBND phường cũng đã mời Trưởng ban quản trị chung cư này đến hòa giải. Tuy nhiên, hai bên không đi đến thống nhất và không ai chịu ký vào biên bản làm việc. “Theo chức năng, nhiệm vụ thì UBND phường đã nỗ lực hoà giải và vận động hai bên thoả thuận giải quyết nhưng không thành. Nếu không đi đến thống nhất thì chị Anh có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án can thiệp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”, ông Phương nói.
Đại diện Thanh tra quận 2 cho biết, cũng đã nhận được đơn thưa của ông Trần Văn Đích và chị Âu Dương Duyên Anh và hiện Thanh tra quận 2 đang trao đổi với Công an quận để có hướng giải quyết.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, có tình trạng một số phần tử xấu trong xã hội tìm cách “chui” vào ban quản trị nhà chung cư để trục lợi quỹ bảo trì. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp gay gắt về quyền quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư thời gian qua, từ đó làm mất an ninh trật tự. Do đó, cần đổi mới phương thức thu và quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.
Ngoài những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng phí bảo trì chung cư thì vấn đề chế tài xử lý khi ban quản trị cũ không chịu giao nguồn kinh phí này cho ban quản trị mới mặc dù chính quyền địa phương đã có quyết định về việc bầu ban quản trị mới.
Như vậy, những chung cư mà cư dân đã đóng phí bảo trì, cần có quy định và chế tài cũng như cách quản lý nguồn kinh này cho phù hợp, để khi thay đổi ban quản trị thì buộc ban quản trị cũ phải bàn giao kinh phí cho ban quản trị mới. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng nên quy định chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì thông qua hội nghị nhà chung cư quyết định mức đóng, có thể đóng hằng năm, hoặc khi có nhu cầu trong quá trình sử dụng để giảm nhẹ gánh nặng cho chủ sở hữu nhà chung cư. Sau khi thống nhất, nếu chủ hộ nào không đóng phí thì có thể tạm ngưng cung cấp một vài dịch vụ như điện, nước.
Theo nhiều cư dân, để đảm bảo tình hình ANTT và quyền lợi hợp pháp của cư dân tại các chung cư, cơ quan chức năng cần sớm có phương án thu và quản lý kinh phí bảo trì cho phù hợp, không để tình trạng này kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.