Chính quyền làm ngơ “cát tặc” lộng hành ở Hải Dương

Thứ Ba, 22/11/2016, 06:49
Báo CAND đã đăng tải 2 kỳ phóng sự điều tra về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Kinh Thầy. Và để bảo vệ mình trước sự thờ ơ của cơ quan chức năng, người dân nơi đây đã nhiều lần xông lên tàu “cát tặc” nhằm đẩy đuổi những con tàu này ra khỏi địa bàn.


Người dân bức xúc, chính quyền làm ngơ

Trong nhiều năm qua, người dân sống bên các dòng sông có nạn khai thác cát trái phép diễn ra nhức nhối ở tỉnh Hải Dương đã dùng nhiều biện pháp để đẩy đuổi tàu hút cát trái phép ra khỏi địa bàn. Vì sao họ phải làm như vậy? 

Tiếp xúc với người dân sống bên bờ sông Kinh Thầy ở xã Kênh Giang, huyện Chí Linh, chúng tôi mới thấy hết được bức xúc của họ. 

Từ 3h sáng, “cát tặc” bắt đầu hoành hành ở đoạn sông nằm giáp với nơi được cấp phép. Hàng chục con tàu trọng tải lớn, đưa vòi rồng xuống lòng sông hút cát đến chiều tối. 

Ngày này qua ngày khác, cả khúc sông đục ngầu, mùi dầu bốc lên nghẹt thở, tiếng máy đinh tai nhức óc. Người dân bức xúc vì chính quyền im lặng nên nhiều lần “tuyên chiến” với “cát tặc” nhằm đẩy đuổi những con tàu này đi nơi khác. Nhưng sức người như muối bỏ bể, “cát tặc” hoạt động đêm về sáng, nên đã gửi đơn kêu cứu tới Báo CAND.

Sau khi Báo CAND đăng tải 2 kỳ điều tra, trong khi các cơ quan chức năng vẫn lặng im thì người dân ở xã Văn Đức và Kênh Giang, huyện Chí Linh đã dùng nhiều biện pháp lên tàu của “cát tặc” nhằm đẩy đuổi họ đi nơi khác. 

Giáp ranh với khu vực này, phụ nữ của xã Bạch Đằng, huyện Kênh Môn cũng kéo lên tàu “cát tặc” dọa đốt để bảo vệ đất đai, mùa màng đang bị “cát tặc” nuốt chửng. Trước áp lực của nhân dân, các tàu cát này đã phải rút đi nơi khác. 

"Cát tặc" từng hoành hành trên sông Kinh Thầy, đoạn qua xã Kênh Giang, huyện Chí Linh.

Đặc biệt hơn nữa, người dân sinh sống ngoài bãi ở thôn Chí Lễ, xã Thanh Hà, huyện Tứ Kỳ bị “cát tặc” làm mất đất canh tác đã hò nhau ném lửa lên tàu nhằm đuổi họ đi. Mới đây nhất, ngày 8-11, tàu thép trọng tải 300m3 của ông Vũ Đình Cường vào sát bờ bãi bồi Đội 13, thôn Tân Thắng, xã Thái Tân, huyện Nam Sách hút cát trái phép thì bị người dân dùng thuyền tiếp cận ném gạch đuổi, sau đó tàu bị chìm. 

Chủ tàu đã thuê phương tiện trục vớt nhưng bị người dân ngăn cản, yêu cầu chủ tàu bồi thường đất bãi. Ngày 15-11, sau khi ông Cường đền bù 50 triệu đồng tiền khai thác đất bãi trái phép, nhân dân mới cho phép chủ tàu trục vớt con tàu bị đắm. 

Theo người dân thì ở khu vực này trong vòng 2 tháng qua đã có 3 tàu khai thác cát trái phép bị chìm sau khi gặp sự phản đối của người dân. Hàng chục hécta đất bãi Thái Tân bị mất do “cát tặc” hoành hành. 

Người dân thôn Tân Thắng đã thành lập tổ tự quản, tự mua thuyền, áo phao, phân công trực giữ đất. Trước đó, ngày 7-11 Công an huyện Nam Sách phối hợp với đoàn liên ngành UBND huyện bắt giữ 1 tàu không biển kiểm soát do Nguyễn Văn Dũng, trú tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn làm chủ đang khai thác cát trái phép tại sông Kinh Thầy, xử phạt 35 triệu đồng.

Siết chặt công tác quản lý

Theo Thượng tá Phạm Quốc Hưng, Phó phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Hải Dương thì trên tuyến sông Kinh Thầy trước đây có Công ty Đông Bắc Bộ và Công ty Việt Sơn được cấp phép nạo vét và khai thác cát nhưng hiện cả hai đơn vị này đã hết hạn giấy phép, nhưng vẫn lén lút khai thác. 

Hải Dương có gần 300km đường sông, 14 tuyến sông do Trung ương quản lý, có nhiều địa bàn giáp ranh với Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên nên khi lực lượng chức năng không có mặt, lợi dụng đêm tối về sáng các đối tượng đưa tàu ra hút cát trái phép. 

“Cát tặc” diễn ra phức tạp nhất tại khu vực ngã ba Nấu Khê (huyện Nam Sách) giáp với huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Đối tượng thuê “chân sào” đều là những người không có việc làm đứng trên đê quan sát, phát hiện thấy động báo về cho chủ tàu nhổ phương tiện bỏ chạy. Hoặc khi tàu bị bắt giữ, những đối tượng này lao xuống chống đối rất tích cực. 

Tại khu vực sông Kinh Thầy giáp với tỉnh Thái Bình, đối tượng hút cát trái phép đều dùng tàu cũ, thấy bị phát hiện sẵn sàng bỏ tàu lại. Năm 2016, Phòng Cảnh sát đường thủy bắt giữ 101 trường hợp khai thác cát trái phép trên các tuyến sông. 

Đặc biệt, tại sông Kinh Thầy ngày 3-11, đơn vị phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt giữ tàu BKS HD-0284 trọng tải 680 tấn do Đoàn Văn Thiếu làm thuyền trưởng đang hút cát trái phép.

Dân bức xúc, chính quyền buông lỏng, dẫn tới “cát tặc” lộng hành. Hải Dương hiện có 4 đơn vị thực hiện nhiệm vụ chống khai thác cát trái phép, tuy nhiên trách nhiệm của chính quyền địa phương vẫn là điều kiện tiên quyết để chấm dứt việc làm vi phạm này. 

Theo Phòng Cảnh sát đường thủy thì đơn vị vừa xây dựng kế hoạch triển khai Đề án “Phòng chống khai thác cát trái phép trên địa bàn”. Đối tượng đấu tranh ngoài các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoặc không được cấp phép khai thác, kinh doanh cát thì còn có đối tượng hoạt động theo kiểu xã hội đen, sử dụng “vũ khí nóng” để tranh giành, giải quyết tranh chấp khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát. 

Ngay cả một số đơn vị được cấp phép khai thác cát lại cũng lợi dụng vào giấy phép để khai thác vượt ra ngoài phạm vi. “Các cơ quan có thẩm quyền khi cấp phép phải có khảo sát, tính toán đoạn sông, luồng lạch” – Thượng tá Phạm Quốc Hưng nói.

Thiết nghĩ, tỉnh Hải Dương cần phải siết chặt công tác quản lý của chính quyền địa phương, phối hợp cùng nhân dân tham gia chống “cát tặc” thì các tàu cát sẽ khó có cơ hội hút trộm.

Trần Hằng – Xuân Mai
.
.
.