Bất cập trong tái định cư cho người dân tại một vùng kinh tế trọng điểm:

Câu chuyện việc làm, các công trình phúc lợi ở khu tái định cư (Bài cuối)

Thứ Tư, 17/08/2016, 10:31
Bên cạnh bất cập trong việc người dân không có tiền xây dựng nhà theo thiết kế mẫu tại các khu tái định cư trên địa bàn huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) thì việc người dân băn khoăn về việc làm khi chuyển đến sinh sống tại nơi ở mới đã khiến nhiều khu tái định cư trên địa bàn huyện bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.


Nhiều lô nhà xây kiên cố không có người ở, rêu phong phủ kín. Việc này dẫn đến sự lãng phí rất lớn trong đầu tư, xây dựng. 

Còn những hộ dân đã xây nhà và đang sinh sống tại các khu định cư thì cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn không kém vì đa phần người dân trước đây đều không có bằng cấp, không có nghề nghiệp, không có việc làm ổn định, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ nay chuyển đến các khu tái định cư khó có thể tìm được việc làm phù hợp. 

Tại các khu tái định cư trên địa bàn huyện Tân Thành.

Sau khi bị thu hồi đất, gia đình ông Trần Đình Du chuyển đến khu tái định cư 44ha Phú Mỹ sinh sống. Từ khi chuyển về nơi ở mới gia đình ông gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Chia sẻ với chúng tôi, ông Du cho biết: “Trước đây khi chưa bị thu hồi đất, kinh tế của gia đình ông rất khá giả. Ngoài việc mở tiệm bán hàng ăn uống, gia đình ông còn mở một gara sửa chữa ôtô. Bên cạnh việc có nguồn thu ổn định thì con cái của ông cũng có công ăn việc làm.

“Từ ngày chuyển về nơi ở mới, gia đình không làm được việc gì. Vì ở khu tái định cư vắng người quá, buôn bán ai mua. Giờ hai vợ chồng ở nhà, nhiều tuổi rồi xin đi làm cũng khó. Cuộc sống gia đình giờ rất bấp bênh”, ông Du buồn bã nói…

Đồng cảnh ngộ với gia đình ông Du, gia đình bà Phan Thị Tuyết, tổ 18, thôn Tân Hạnh, TT Phú Mỹ, huyện Tân Thành cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn. Trước đây khi chưa thu hồi đất, gia đình bà có diện tích hơn 3.000 m² trồng rau màu, trồng điều và xây phòng trọ cho thuê. Cuộc sống tuy không dư dả là mấy nhưng cũng không bị thiếu thốn. 

Từ ngày chuyển sang khu tái định cư 28ha thị trấn Phú Mỹ, kinh tế gia đình khó khăn hơn bởi lẽ tuổi đã cao, xin việc làm khó khăn nên hàng tháng bà chỉ trông chờ vào tiền con cái cho để chi tiêu trong gia đình.

Ngoài những bất cập như xây nhà theo đúng mẫu kiến trúc, khó tìm việc làm phù hợp với nơi ở mới thì việc hầu hết các khu tái định cư ở huyện Tân Thành đều chưa có các công trình phúc lợi, như: Trường học, trạm y tế, chợ dân sinh cũng là một trong những lý do chưa thu hút được người dân đến sinh sống.  

Ông Dương Văn Sinh, người dân sống ở khu tái định cư 44ha thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành chia sẻ, cả khu của ông chỉ vừa mới xây được trường mẫu giáo, còn chợ dân sinh, trạm y tế thì rất xa nơi ở thế nên cũng bất tiện cho cuộc sống của gia đình ông cũng như các hộ dân sống ở trong khu. Bên cạnh đó dân cư quá thưa thớt nên người dân vừa không buôn bán được vừa là tầm ngắm cho nạn trộm, cắp vặt.

Còn gia đình ông Huỳnh Văn Trưng tổ 15, ấp Phước Lập, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành cho biết, năm 2013 gia đình ông bị thu hồi 1.000m2 đất, sau khi thu hồi gia đình ông được phân 2 lô đất tái định cư tại khu tái định cư 26,5ha xã Mỹ Xuân nhưng cho đến nay ông vẫn chưa xây nhà định cư trên 2 mảnh đất ấy.

“ Gia đình tôi phần vì không có tiền xây nhà, phần vì cháu của tôi ở nơi này đi học cũng gần hơn, tiện cho việc cha mẹ đưa đón. Bên cạnh đó, chúng tôi sinh hoạt ở đây mọi thứ đều rất thuận tiện, đi chợ cũng gần hơn thế nên chúng tôi cũng không muốn chuyển đến ở tại khu tái định cư...”, ông Trưng chia sẻ. 

UBND huyện Tân Thành cho biết, phần lớn diện tích đất tại các khu tái định cư vẫn còn trống, người dân được bố trí tái định cư không xây dựng nhà ở chiếm tỷ lệ cao, diện tích đất thực ở và xây dựng nhà trong các khu tái định cư hiện chỉ chiếm khoảng 30%.

Nguyên nhân là do nhiều hộ dân đời sống không ổn định, gặp nhiều khó khăn do thời gian đầu vừa phải lo chuyển đổi nghề nghiệp và vừa phải tự ổn định cuộc sống, người dân nằm trong diện đất bị giải tỏa chủ yếu là lao động sản xuất nông nghiệp, phần lớn không có chuyên môn kỹ thuật, trình độ văn hóa thấp, tuổi đời bình quân cao, già yếu, bệnh tật.

Trước thực trạng trên, ông Hồ Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thành cho biết, huyện cũng đang xem xét các phương án để hỗ trợ giúp đỡ người dân. Thời gian tới huyện sẽ tiến hành khảo sát về đời sống, việc làm, nhu cầu đào tạo nghề và vay vốn giải quyết việc làm của người dân, phối hợp với Sở LĐTB& XH tỉnh xây dựng phương án đào tạo nghề phù hợp với trình độ, độ tuổi của người dân; tiếp tục triển khai xây dựng các công trình phúc lợi. 

Ông Phúc cũng cho biết thêm, trước những bất cập trong công tác tái định cư trên địa bàn, UBND huyện Tân Thành đang nghiên cứu xây dựng một số phương án tái định cư khác, như có thể tái định cư bằng đất, bằng nhà xây thô hoặc bằng tiền, nhằm giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn, tránh những bất cập đang gặp phải hiện nay trên địa bàn huyện.

Hải Âu
.
.
.