Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Thanh tra nhiều mà vẫn sai phạm
- Hàng loạt tuyến cao tốc sụt giảm doanh thu thu phí
- Nhiều Bộ giám sát dự án đường cao tốc Bắc – Nam
- Nghiên cứu lại tính khả thi 3 phương án cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau
“Phớt lờ” các yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra?
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài 139,2km do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Hiện dự án chưa hoàn thành toàn bộ, khối lượng mới đạt 96,1% tổng giá trị các hợp đồng.
Đáng lưu ý, trong quá trình vận hành, khai thác đã xuất hiện một số hư hỏng cục bộ mặt đường bắt đầu từ thời điểm tháng 9/2018 với tổng diện tích hư hỏng khoảng 89,10m2/3.100.000m2 tổng diện tích mặt đường (chiếm khoảng 0,003%). Các hư hỏng này đã được Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo VEC, các nhà thầu liên quan sửa chữa, khắc phục ngay trong năm 2018.
Song từ năm 2018 đến nay, tiếp tục phát hiện thêm khoảng 2.691,06m2 hư hỏng cục bộ mặt đường. Phần diện tích hư hỏng này đang được VEC (với trách nhiệm là chủ đầu tư dự án theo quy định) chỉ đạo các nhà thầu kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, xây dựng phương án để tiếp tục sửa chữa, khắc phục theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
Việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng này thuộc trách nhiệm của các nhà thầu bằng kinh phí bảo hành công trình của nhà thầu theo quy định của hợp đồng và quy định tại Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Một đoạn đường của tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. |
Hiện tại, toàn bộ các hư hỏng mặt đường, công trình đã được VEC chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác tuyến đường khắc phục tạm thời để đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, việc sửa chữa chính thức chưa được VEC tổ chức thực hiện do dự án thuộc hiện trường vụ án điều tra, VEC chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03).
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải về chất lượng công trình. Theo đó, đối với dự án, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện vai trò là bộ quản lý chuyên ngành và là người quyết định đầu tư dự án, có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình; tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác quản lý chất lượng của chủ đầu tư, của các nhà thầu tham gia xây dựng công trình và kiểm tra chất lượng các công trình,…
Trong quá trình thực hiện dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình. Từ năm 2014 đến năm 2018, lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu thuộc Bộ đã tổ chức trên 50 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với dự án. Sau mỗi cuộc thanh, kiểm tra, Bộ GTVT đều có văn bản chỉ đạo VEC chấn chỉnh. Cơ quan Thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng tổ chức kiểm tra dự án với tần suất 3 - 6 tháng/lần (tùy thuộc vào tiến độ thi công thực tế), tại các đợt kiểm tra của Cơ quan Thường trực Hội đồng và các chuyên gia đã chỉ ra những tồn tại của dự án cần khắc phục.
Như vậy, với chức năng Người quyết định đầu tư, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, tổ chức hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với từng giai đoạn thực hiện dự án, báo cáo nêu rõ.
“Không để xảy ra sai phạm tương tự như dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi”
Liên quan đến dự án này, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố hình sự 19 người liên quan tại VEC, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây Dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đấu thầu, thi công, giám sát, thanh quyết toán để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, trong đó có các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Xây dựng nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.
Đặc biệt là quy định ràng buộc trách nhiệm, tăng tính độc lập, giám sát chuyên môn của nhà thầu thiết kế, giám sát, thi công trong suốt quá trình triển khai thực hiện cho đến khi hoàn thành dự án; rà soát các dự án đang, sắp triển khai, đảm bảo không để xảy ra các sai phạm tương tự tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, TP tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuân thủ đúng quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.
Trước đó, theo báo cáo hồi tháng 7 của Bộ Công an về kết quả điều tra vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty VEC, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia.
Bộ Giao thông Vận tải là cấp quyết định đầu tư, Tổng công ty VEC (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) là chủ đầu tư dự án, sử dụng vốn vay rất lớn của các tổ chức tài chính nước ngoài (JICA, WorldBank) do Chính phủ bảo lãnh để đầu tư, với tổng chiều dài 139,2km, chia làm 2 giai đoạn, tổng kinh phí đầu tư được phê duyệt là hơn 34.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra đến nay đã có đủ căn cứ xác định quá trình tổ chức thi công, quản lý giám sát thi công, nghiệm thu hạng mục, nghiệm thu công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án đã được phê duyệt.