Cảnh báo từ việc tư vấn du học ở Singapore để trục lợi
Ít ngày sau khi sang Singapore, các lao động đều phải trở về nước vì những lý do như: không biết tiếng hoặc không đáp ứng được công việc. Khi người lao động đến công ty để hỏi thì các công ty tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm hoặc chây ỳ trong việc giải quyết hợp đồng với người lao động.
Theo đơn tố cáo của anh Mai Văn Thái (32 tuổi, trú tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), anh chưa học hết lớp 12 nên chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhưng để đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động, anh tìm đến Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế QH (viết tắt là Công ty QH) có trụ sở ở quận Đống Đa, Hà Nội, đặt vấn đề đi xuất khẩu lao động.
Sau khi nộp tiền cho Công ty QH, anh Thái được làm giúp hộ chiếu và vé máy bay đi Singapore, nhưng không tìm được việc làm. |
Công ty Q sau đó đã làm bằng trung học phổ thông cho anh. Ngày 21-5, anh ký hợp đồng với Công ty QH để đi xuất khẩu lao động tại Singapore. Anh đã nộp đầy đủ cho công ty số tiền theo yêu cầu 128 triệu đồng. Sau khi nộp tiền, anh được công ty đưa sang Singapore bố trí làm việc xây dựng.
Làm việc được 10 ngày thì anh bị phía Singapore đưa về Việt Nam với lý do không biết tiếng nước ngoài. Tiền công làm việc 10 ngày của anh cũng không được phía Singapore trả. Sau khi về nước, anh đã mang đơn đến công ty này nhưng công ty không nhận đơn.
Cùng bị về nước với anh còn có ba người khác quê ở Bắc Ninh và Thanh Hóa. Anh Thái khẳng định, việc Công ty QH đưa anh và nhiều người lao động khác sang Singapore trái phép để trục lợi, thu tiền bất hợp pháp.
Lý do vì trước khi tổ chức đưa anh và nhiều người lao động khác sang Singapore, Công ty QH không hề cho anh tham dự buổi phỏng vấn nào, cũng không nói yêu cầu người lao động phải biết tiếng thì mới được đi xuất khẩu lao động. Khi chúng tôi gọi điện đến Công ty QH hẹn làm việc để làm rõ nội dung đơn tố cáo thì lãnh đạo công ty này không hợp tác.
Làm việc với phóng viên Báo CAND, đồng chí Đặng Văn Phương, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Đống Đa cho biết, sau khi nhận được đơn tố cáo Công ty QH, Công an quận đã mời lãnh đạo công ty tới làm việc để làm rõ nội dung tố cáo. Theo kết quả xác minh, Công ty QH không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động. Sự việc tiếp tục được cơ quan Công an xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Một nạn nhân khác của xuất khẩu lao động Singapore là anh Trịnh Vĩnh Hạnh (SN 1984, trú tại xã Phúc Do, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa). Cũng giống như anh Thái, chỉ ít ngày sang nước bạn theo diện du lịch, anh phải trở về Việt Nam do không có việc làm, nhưng Công ty cổ phần Dịch vụ quốc tế Việt - Sing (viết tắt là Công ty Việt- Sing) không trả lại tiền như cam kết, mà cố tình chây ỳ để chiếm dụng vốn.
Phóng viên Báo CAND đã làm việc với chị Lê Thị Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty Việt-Sing để làm rõ vấn đề này. Chị Phương thừa nhận Công ty Việt-Sing đã nhận của anh Hạnh số tiền 5.800 USD để đưa anh Hạnh sang Singapore lao động làm việc với ngành nghề phun sơn ôtô.
Khi chúng tôi đề nghị chị Phương cung cấp giấy phép của các cơ quan chức năng Việt Nam chứng nhận việc Công ty Việt-Sing được phép làm thủ tục xuất khẩu lao động cho người lao động ra nước ngoài, chị Phương cho biết là công ty không có giấy phép này và cũng không có chức năng làm thủ tục xuất khẩu lao động.
Lý giải về việc Công ty Việt-Sing nhận hồ sơ và tiền của anh Hạnh để làm thủ tục cho anh đi lao động ở Singapore, chị Phương giải thích, công ty đã kết nối điện thoại để anh Hạnh nói chuyện trực tiếp với một công ty môi giới ở Singapore để nói chuyện về việc làm và mức lương ở bên đó.
Sau khi đồng ý với người môi giới, anh Hạnh đồng ý nộp tiền cho Công ty Việt-Sing. Cũng theo chị Phương, thời điểm này Công ty Việt-Sing đang khó khăn do công ty đối tác ở Singapore chưa hoàn trả lại tiền cho công ty chị.
Làm việc với phóng viên Báo CAND, Đại úy Nguyễn Mạnh Dũng, cán bộ điều tra Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, đến thời điểm này, cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn của 17 bị hại tố giác Công ty Việt-Sing thu tiền của họ để đưa sang Singapore, Australia, Mỹ và Tây Ban Nha theo đường du lịch, sau đó tìm cách để người lao động ở lại lao động.
Tuy nhiên, nhiều người trong số này chưa đi được, vài người đi được thì cũng chỉ lưu trú thời gian ngắn ở nước ngoài rồi lại về nước mà không được công ty tìm việc làm cho như đã hứa. Số tiền mà các bị hại đã nộp cho công ty này hơn 1 tỷ đồng.
Cơ quan điều đã yêu cầu lãnh đạo Công ty Việt- Sing cung cấp các giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động của công ty liên quan đến việc tổ chức cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhưng đã nhiều tháng qua vẫn không thấy cung cấp.
Thời điểm này, trụ sở Công ty Việt-Sing đã chuyển đi đâu, cơ quan điều tra cũng không biết. Việc khắc phục hậu quả của Công ty Việt-Sing với các bị hại ra sao, cơ quan điều tra cũng không nắm được. “Hiện tại, cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ sự vụ này để xử lý theo quy định của pháp luật”, Đại úy Dũng cho biết.
Theo cơ quan Công an, người dân nếu có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài thì trước hết phải tìm đến các công ty có chức năng (giấy phép của Cục Quản lý lao động ngoài nước) xuất khẩu lao động. Sau đó phải xem xét kỹ trong hợp đồng của công ty có ghi rõ các điều, khoản là người lao động sẽ làm việc gì?
Tiền lương được nhận theo từng tháng là bao nhiêu? Thời gian lao động ở nước ngoài là bao lâu? Nếu sự việc không diễn ra như hợp đồng công ty ký kết với người lao động, ai sẽ chịu trách nhiệm?...
Trên cơ sở đó, người lao động tự bảo vệ được quyền lợi của mình. Và nếu công ty có hành vi vi phạm hợp đồng thì các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ thuận lợi trong xử lý.