Cần xử lý dứt điểm những công trình lấn chiếm xây dựng không phép

Thứ Sáu, 18/10/2019, 08:43
Ngày 16-10, UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) xác nhận, đến nay hầu hết các trường hợp lấn chiếm đất rừng, xây dựng nhà cửa và các công trình bất hợp pháp dọc tỉnh lộ ĐT722 vẫn không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả theo nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND thị trấn Lạc Dương và Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà.


Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra biện pháp cưỡng chế, thu hồi diện tích đất bị lấn chiếm, xây dựng không phép khiến dư luận hoài nghi vụ việc sẽ bị “chìm xuồng” hoặc giải quyết theo hình thức lấy lệ.

Theo UBND huyện Lạc Dương, đến nay UBND thị trấn Lạc Dương đã lập hồ sơ xử lý 4 trường hợp. Đó là ông Vũ Văn Điều, ngụ tại số 90, Đa Phú, phường 7, TP Đà Lạt (chủ quán Rừng Thông), lấn chiếm 1.750m2 đất rừng phòng hộ tại tiểu khu 112a, thị trấn Lạc Dương; xây dựng công trình 85m2 trên đất dành cho đường bộ. Bà Nguyễn Thị Tuyền, ngụ tại ngã 3 thôn Đạ Nghịt, thị trấn Lạc Dương (chủ quán Thảo Nguyên) lấn chiếm 243m2 đất dành cho đường bộ, xây dựng các công trình không phép trên diện tích đất này.

Ông Huỳnh Ngọc Nhơn, ngụ thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch được duyệt với diện tích 74m2. Bà Hoàng Thị Nga, ngụ tổ dân phố Đồng Tâm, thị trấn Lạc Dương (chủ quán Sơn Lâm) đã lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất dành cho đường bộ.

Liên quan đến hành vi lấn chiếm, xây dựng các công trình bất hợp pháp trên đất rừng dọc theo tỉnh lộ ĐT722 qua huyện Lạc Dương hồi tháng 6-2019 Báo CAND phản ánh, VQG Bidoup-Núi Bà đã xử lý 4 trường hợp. Gồm: ông Nguyễn Quốc Sơn, ngụ tại Đan Kia, xã Lát, huyện Lạc Dương và bà Nguyễn Thị Thu, ngụ tại đường Lê Lai, phường 5, TP Đà Lạt (chủ quán Sơn Thủy và Thu Thu). Hai người này đã dựng nhà, kinh doanh ăn uống trái quy định trên đất rừng. Ông Trần Ngọc Sáng, ngụ khu phố Phước Thành, phường 7, TP Đà Lạt (chủ quán Sáng Thảo), đã lấn chiếm 740m2 đất rừng.

Ông Sáng còn lấn chiếm 4.645m2 đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 2016 ngày 9-10-2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Đối với ông Nguyễn Ngọc Dũng, ngụ tại đường Hà Huy Tập, TP Đà Lạt, Hạt Kiểm lâm VQG Bidoup-Núi Bà xác định đã lấn chiếm 26.840m2 đất lâm nghiệp, thuộc rừng sản xuất, xây dựng một số công trình trên diện tích đất này. Ngoài ra, còn 3 trường hợp khác là bà Trương Thị Tuyết, bà Nguyễn Thị Thân và ông Vương Đình Lai, UBND thị trấn Lạc Dương vẫn đang phối hợp với VQG Bidoup-Núi Bà cũng cố hồ sơ để xử lý.

Các vụ lấn chiếm đất rừng dọc tỉnh lộ ĐT722 qua huyện Lạc Dương vẫn chưa được giải tỏa, thu hồi.

Đối với 8 trường hợp vi phạm các hành vi về lấn chiếm đất rừng, xây dựng công trình để kinh doanh trên đất lâm nghiệp, lấn chiếm đất hành lang đường bộ đã được UBND thị trấn Lạc Dương và VQG Bidoup-Núi Bà lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt, đồng thời yêu cầu khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu nhưng hầu hết các trường hợp này đều không chấp hành các quyết định của cơ quan Nhà nước. Dù vậy, đã nhiều tháng trôi qua, UBND huyện Lạc Dương cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương vẫn chưa đưa ra biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm.

l Từ khi UBND xã Phổ An, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) có chủ trương cho người dân thuê đất dọc bờ biển thôn An Thổ để nuôi tôm thẻ chân trắng, dẫn đến việc tự ý chặt phá rừng dương liễu (phi lao) phòng hộ ven biển để lấy mặt bằng, cơi nới hồ nuôi tôm và xây dựng nhiều công trình khác…

Theo quy hoạch, các hồ nuôi tôm phải cách xa trụ điện, đường mòn được xem là mốc phân định với rừng phòng hộ từ 5-7m, song đa số chủ hộ nuôi tôm đều không tuân theo quy hoạch, cố tình cơi nới hồ nuôi. Nhiều công trình khác như nhà ở, khu trại nuôi gia cầm cũng mọc lên trên đất rừng phòng hộ. Không những thế, nạn khai thác cát trộm cũng diễn ra nhiều năm nay khiến những cây dương liễu cổ thụ bị đào bật gốc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Thanh Thao, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An, nói rằng, rừng dương liễu phòng hộ là “lá phổi xanh” của xã Phổ An, có tác dụng ngăn bão, chắn cát. Tuy nhiên, đã có một số hộ dân thiếu ý thức nên xâm phạm. Thời gian đến, xã sẽ giao cho cộng đồng thôn tổ chức tuần tra, kiểm tra hàng tháng đối với việc mở rộng, lấn chiếm hồ tôm để có biện pháp xử lý kịp thời...

Được biết, xã Phổ An có gần 300ha đất có rừng phòng hộ. Việc xâm chiếm, phá hoại rừng dương liễu làm ao nuôi tôm, khai thác cát lậu, xây dựng công trình trái phép đã khiến cho “lá phổi xanh” bị biến dạng. Đề nghị chính quyền xã Phổ An cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa để chấm dứt ngay tình trạng này.

* Kiểm tra việc chấp hành các quy định về xây dựng tại Dự án KCN Phong Phú, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã xác định 58 công trình xây dựng không phép. Trong đó có 13 công trình mới phát sinh gần đây, chưa được lập hồ sơ xử lý vi phạm; 45 công trình đã bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Trong số các công trình đã bị lập biên bản xử phạt hành chính, 36 công trình đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và 9 công trình đang đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hết thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời 6 công trình đã có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; 11 công trình đang chờ UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Sở Xây dựng cho rằng, Công ty CP KCN Phong Phú - chủ đầu tư dự án này đã sử dụng đất sai mục đích, tự ý ký hợp đồng cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác mặt bằng tại phần đất thực hiện dự án để kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân tự ý lấn chiếm thêm, xây dựng trái phép, dẫn đến nguy cơ phát sinh tranh chấp giữa các DN. Để xử lý dứt điểm vi phạm về trật tự xây dựng tại KCN Phong Phú, ngày 13-8 UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc, phối hợp giải quyết dứt điểm.

UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục có chỉ đạo khẩn, yêu cầu Sở Xây dựng, UBND huyện Bình Chánh, BQL các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố khẩn trương tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm trật tự xây dựng; báo cáo kết quả thực hiện về UBND Thành phố trước ngày 20-10.

l Báo CAND từng phản ánh vụ việc chủ nhà nghỉ Phương Tâm - ông Nguyễn Tâm Anh (ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) xây dựng công trình nhà số 59AC2 Tú Xương, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ “dư tầng”, sai thiết kế, không tuân thủ quy định pháp luật làm hư hại nghiêm trọng căn nhà của gia đình bà Lâm Ngọc Điệp (số nhà 61AC2, liền kề công trình sai phạm).

Dù đã hơn 1 năm trôi qua, UBND quận Ninh Kiều đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ công trình sai phạm và sau nhiều lần cơ quan chức năng ra “tối hậu thư”, công trình sai phạm của ông Tâm Anh vẫn trơ trơ tồn tại. Trong khi đó, do bị ảnh hưởng từ công trình sai phạm, căn nhà của bà Điệp bị hư hại nghiêm trọng, phải bỏ nhà đi lánh nạn nơi khác.

Theo xác minh của PV Báo CAND, ngày 19-8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND phường An Bình Nguyễn Dương Cường Bảo đã ký Thông báo số 657/TB-UBND yêu cầu ông Nguyễn Tâm Anh tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc vi phạm, thực hiệc quyết định của UBND quận Ninh Kiều trước đó 1 năm. Thời gian để chủ đầu tư thực hiện việc tháo dỡ từ 26-8 đến 26-9-2019.

Tuy nhiên tới nay, ông Nguyễn Tâm Anh vẫn chưa thực hiện việc tháo dỡ công trình sai phép. Hiện, địa phương đang thuê đơn vị chuyên môn để lên phương án tháo dỡ công trình vi phạm trong tháng 11-2019”, ông Bảo thông tin PV Báo CAND.

K.Lịch - TR.Thành - Tr.Lĩnh - Đ.Thắng
.
.
.