Vụ 214 giáo viên ở Hà Tĩnh bỗng dưng mất việc: Cám cảnh hứa rồi để đấy!?

Thứ Hai, 11/01/2016, 10:45
Báo CAND cùng một số báo phản ánh việc 214 giáo viên hợp đồng đã bị các cơ quan chức năng của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh thông báo chấm dứt hợp đồng ngay trước thềm năm học mới 2015-2016. Nhiều lời hứa, nhiều ý kiến bảo vệ quyền lợi cho các giáo viên được đưa ra nhưng đến nay, các giáo viên vẫn ngậm ngùi, vẫn khó khăn, vẫn đau đáu chờ được quay lại trường khi cái Tết đã cận kề.

Cuộc sống 214 gia đình vẫn xoay quanh những lời hứa

Ngay đầu năm học mới 2015-2016, sau khi ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký Công văn số 4101/UBND-NC1 về việc “yêu cầu xử lý số giáo viên dôi dư, hợp đồng”, các cơ quan chức năng liên quan của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh… đã tổ chức họp và thống nhất cắt rụp hợp đồng đối với 214 giáo viên trên địa bàn. Đời sống gia đình các giáo viên chủ yếu dựa vào đồng lương ít ỏi của nghề dạy học nên khi bị cắt hợp đồng, gia cảnh nhiều giáo viên rơi vào túng quẫn.

Việc 214 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng, theo quan điểm của lãnh đạo huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh cũng như tỉnh Hà Tĩnh là do trước đây họ được tuyển vào ngành Giáo dục không thông qua các hình thức xét tuyển và thi tuyển công chức, viên chức theo quy định, mà do lãnh đạo huyện ký hợp đồng tuyển dụng.

Song qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, nếu lấy lý do đó để “đuổi dạy” số giáo viên trên là điều không thỏa đáng, bởi trước đây do thiếu đội ngũ giáo viên nên UBND huyện Kỳ Anh (giờ tách thêm thị xã Kỳ Anh) đã ký hợp đồng tuyển dụng số giáo viên trên. Trong một thời gian dài, chính số giáo viên hợp đồng này đã cống hiến rất nhiều cho ngành Giáo dục của huyện Kỳ Anh.

Ngay sau khi báo chí phản ánh vụ việc Hà Tĩnh cho 214 giáo viên nghỉ dạy, ngày 26-10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã vào làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ngành liên quan cùng huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh về vụ việc giải quyết hợp đồng với 214 giáo viên và nhân viên hành chính ngành Giáo dục trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Kỳ Anh, cũng như thị xã Kỳ Anh và các ngành liên quan của địa phương đều cho rằng, do chưa giải thích cụ thể, không nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người lao động nên vụ việc không được giải quyết thấu tình, đạt lý.

Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh và ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã yêu cầu lãnh đạo huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và các sở, ngành liên quan của địa phương thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc trong việc giải quyết vấn đề; đồng thời thống nhất hướng giải quyết cho người lao động, có những giải pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho người lao động… Nhưng đã gần 3 tháng trôi qua, tất cả những chỉ đạo, những lời hứa nói trên vẫn chỉ dừng lại trong cuộc họp.

Ai bảo vệ quyền lợi chính đáng cho giáo viên?

Mới đây nhất, tỉnh Hà Tĩnh thông báo tuyển 72 chỉ tiêu sư phạm tiểu học cho huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, vì vậy 57 giáo viên nằm trong 214 giáo viên bị cắt hợp đồng nói trên lại khấp khởi mừng thầm làm đơn xin xem xét đặc cách để được quay trở lại trường học. Nhưng Sở Nội vụ Hà Tĩnh tiếp tục “nói không” việc xét đặc cách với số giáo viên trên. Mặc dù theo quy định hiện hành, những người công tác 3 năm trở lên được xem xét đặc cách, trong khi đó nhiều giáo viên bị cắt hợp đồng nơi đây đã công tác 5-7 năm, thậm chí có người đã 12 năm đứng trên bục giảng.

Một số dư luận cho rằng: có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng đơn vị tuyển dụng không xét đặc cách nhằm dành chỉ tiêu cho diện "gửi", "chạy chọt", song ông Phạm Quang Đệ - Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Hà Tĩnh khẳng định, đó chỉ là dư luận, không có cơ sở. Trong số giáo viên bị chấm dứt hợp đồng ở thị xã Kỳ Anh có 72 người, trong đó có 35 giáo viên tiểu học, 36 giáo viên trung học cơ sở và 1 giáo viên mầm non. Huyện Kỳ Anh có 142 người, trong đó có 68 giáo viên tiểu học, 1 giáo viên mầm non và 73 giáo viên trung học cơ sở.

Trong chuyến đi Hà Nội để kêu cứu đến Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, cô Trần Thị Hồng và các đồng nghiệp cho biết: “Cũng vì khao khát yêu nghề, muốn nhận được những trả lời cụ thể về sự việc mà tôi cùng 4 chị em nữa quyết định ra Hà Nội. Trong 4 chị em cùng đi, có 1 chị vì chồng đi làm ăn xa ở miền Nam nên đành phải dẫn theo cả cô con gái nhỏ 3 tuổi.

Riêng bản thân tôi, dù đang mang bầu 8 tháng, cũng biết rằng đi là khó khăn là vất vả nhưng tôi vẫn cố đồng hành cùng chị em để kêu cứu... Sau gần 10 năm cống hiến cho nghề, nay bỗng dưng thất nghiệp, liệu chúng tôi còn hướng nào để rẽ…”. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cần sớm có giải pháp tối ưu, thiết thực để bảo đảm quyền lợi cho 214 giáo viên trên địa bàn, những người đã có nhiều cống hiến cho ngành Giáo dục của tỉnh này.

Sông Lam - L.Hồng
.
.
.