Cần làm rõ việc trục lợi cát biển từ dự án nạo vét âu thuyền

Thứ Bảy, 10/04/2021, 09:36
Quá trình thi công dự án nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải (xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), hàng nghìn khối cát biển sau nạo vét để chỉnh trị luồng lạch được chở đến tập kết tại các bãi cát lậu và phục vụ san lấp cho các công trình xây dựng, có dấu hiệu trục lợi nguồn tài nguyên khoáng sản.


Dự án nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải do Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế làm chủ đầu tư hiện đang được triển khai thi công. Dự án được tổ chức đấu thầu vào ngày 7/12/2020 và liên danh hai nhà thầu trúng thầu thi công với giá hơn 27,2 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đạt (Công ty Minh Đạt) thi công nạo vét, hút cát khơi thông luồng lạch âu thuyền.

Đến nay, nhà thầu đã thi công nạo vét được khoảng 50.000m3 cát biển trong tổng số 150.000m2 cát theo quy định. Trong đó, có gần 1.000m3 cát đã được đổ tại sân bóng xã Phú Hải để san lấp; ngoài ra, xã Phú Hải có đề xuất đổ vài chục nghìn khối cát ở khu vực bờ biển để chống sạt lở nhưng hiện chưa được thực hiện.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế nói rằng, khối lượng cát biển nạo vét từ dự án nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải chỉ phục vụ nhu cầu công trình xây dựng, công trình dân sinh trên địa bàn xã Phú Hải theo yêu cầu địa phương đề xuất, được chủ đầu tư phê duyệt, ngoài ra không cho phép chở ra khỏi địa bàn.

Xe tải chở cát biển nạo vét từ dự án nâng cấp khu neo đậu thuyền ra khỏi xã Phú Hải.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, trong những ngày đầu tháng 4/2021, nhiều xe tải, xe ben BKS 75C-10567, 75C-00375, 75C-09631… liên tục đến bờ biển xã Phú Hải, nơi có 2 bãi cát “khổng lồ” để lấy cát biển vừa được nạo vét khơi thông luồng lạch âu thuyền chở ra khỏi địa bàn xã Phú Hải.

Sau khi “ăn no” cát, các phương tiện này chạy theo tuyến QL49B, sau đó chở cát vào tập kết tại tuyến đường đang thi công của dự án đường Chợ Mai - Tân Mỹ, huyện Phú Vang để phục vụ san lấp nền đường. Ngoài ra, cát được nạo vét từ dự án nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải còn được nhiều xe tải có tải trọng từ 8 đến 10 tấn chở đến tập kết tại các bãi cát lậu ở các xã Phú Mậu, Phú Thanh (huyện Phú Vang). Số cát này được các chủ bãi bán với giá 200 nghìn đồng/1m3.

Qua tìm hiểu được biết, Công ty Minh Đạt là 1 trong 2 nhà thầu liên danh trúng thầu thi công dự án nạo vét âu thuyền Phú Hải cũng là đơn vị thi công đường Chợ Mai – Tân Mỹ. Do đó, người dân địa phương đặt nghi vấn, việc nạo vét, hút cát tại âu thuyền là dự án của Nhà nước nhưng sau khi nạo vét, cát lại được đưa đi bán chui, có dấu hiệu trục lợi tài nguyên khoáng sản. Điều đáng nói, cát từ dự án trên là cát nhiễm mặn, việc đưa cát này vào phục vụ xây dựng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Trước thông tin phản ánh nghi vấn cát nạo vét dự án nâng cấp khu neo đậu thuyền Phú Hải được chở đến đắp nền dự án đường Chợ Mai - Tân Mỹ, ông Huỳnh Minh Khang, Giám đốc Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị (KVPTĐT) tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sau khi nhận được phản ánh, Ban Quản lý dự án (QLDA), đơn vị tư vấn giám sát đã tiến hành kiểm tra, qua đó lập biên bản đối với Công ty Minh Đạt, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thiên Phát Thịnh, là các nhà thầu thi công xây lắp gói thầu số 14, đoạn từ Km 2 + 204,07 đến Km 4 + 78,4 thuộc dự án đường Chợ Mai - Tân Mỹ và nhà thầu phụ là Công ty CP Xây dựng và Thiết bị tổng hợp Nam Á.

Theo ông Khang, qua kiểm tra tại hiện trường cho thấy có khoảng 400m3 cát có màu sắc khác lạ với cát đã được nghiệm thu vật liệu đầu vào và có lẫn vỏ sò biển. Trong đó có 200m3 đã đưa vào san lấp, 200m3 khác vừa được các xe đổ xuống công trình thành nhiều đống chưa được san lấp. Trước thực trạng này, Ban QLDA đã yêu cầu đơn vị thi công tạm ngừng tập kết cát, yêu cầu cung cấp cho tư vấn giám sát hồ sơ chứng minh nguồn gốc, mỏ khai thác loại cát nêu trên để tiến hành lấy mẫu thí nghiệm các tiêu chí cơ lý của vật liệu đầu vào.

Thế nhưng, ngày 6/4, Ban Quản lý KVPTĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục kiểm tra hiện trường dự án đường Chợ Mai - Tân Mỹ nhưng các đơn vị thi công không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của các xe cát. Do đó, đơn vị tư vấn giám sát yêu cầu đơn vị thi công ngừng tập kết cát và nhanh chóng đưa loại cát này ra khỏi phạm vi công trình.

“Theo quy định, cát đủ chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp đều được sử dụng để san lấp nhưng qua kiểm tra số cho thấy có dấu hiệu của hành vi gian lận thương mại nên đơn vị không thể tiếp tay cho việc này”, ông Khang khẳng định.

Ông Trần Đình Nghĩa, Giám sát trưởng Ban QLDA đường Chợ Mai - Tân Mỹ còn cho biết, qua làm việc, các đơn vị thi công thừa nhận có chở cát từ bãi tập kết nạo vét của dự án nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền xã Phú Hải. Như vậy, việc sử dụng cát biển không rõ nguồn gốc, khác với vật liệu đầu vào đã kiểm duyệt cho thấy các nhà thầu đã có hành vi gian dối, có dấu hiệu trục lợi trong quá trình thực hiện dự án và cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Anh Khoa
.
.
.