Bổ sung sân bay Ninh Bình vào quy hoạch: Bất hợp lý và lãng phí

Thứ Tư, 27/01/2021, 08:19
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - ông Phạm Quang Ngọc - vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị bổ sung một vị trí cảng hàng không tại địa phương này vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, xây thêm cảng hàng không tại Ninh Bình là lãng phí.

Quá nhiều sân bay quốc tế gần Ninh Bình

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình, tỉnh này đang triển khai đầu tư nhiều dự án du lịch lớn, tầm cỡ quốc tế với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đón từ 8 đến 9 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên. Do đó, trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị bổ sung một vị trí cảng hàng không tại địa phương này vào quy hoạch và đề xuất vị trí sân bay có thể tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.

Trong bối cảnh ngành hàng không đang gánh chịu hàng loạt tác động xấu của dịch COVID-19 cũng như mới đây nhiều địa phương cũng đề xuất xây dựng sân bay, đề nghị của UBND tỉnh Ninh Bình đang gây ra rất nhiều tranh cãi. Đặc biệt, tỉnh này nằm rất gần Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội, cách 120km) và Cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa, cách 90km). Chưa kể tới đây, Thọ Xuân cũng được quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế trong giai đoạn 2021 - 2030 và có chức năng dự bị cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Tại báo cáo cuối kỳ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam mới đây đề xuất đến năm 2030 cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa. Đáng chú ý trong định hướng đến năm 2050, báo cáo cuối kỳ cho thấy, số lượng các cảng hàng không trong nước sẽ gồm 30 cảng hàng không, bao gồm 15 cảng hàng không quốc tế và 15 cảng hàng không nội địa.

So với giai đoạn đến năm 2030, hệ thống cảng hàng không toàn quốc được bổ sung thêm 4 cảng hàng không gồm: Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và Cảng hàng không thứ 2 cho Vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040. Như vậy, Cảng hàng không Ninh Bình không còn được nhắc đến trong quy hoạch mới nhất mà Cục Hàng không Việt Nam xây dựng.

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 26 sân bay trên cả nước.

Không thể để các địa phương đua nhau xây sân bay

Mong muốn có riêng một sân bay địa phương là có thể hiểu được. Nhưng thực ra, với những “lý do” để có sân bay như ở Ninh Bình thì tỉnh nào, địa phương nào cũng đều đầy đủ “lý do” đó cả. Bởi có địa phương nào mà không có tiềm năng lợi thế, địa phương nào là không phát triển du lịch, địa phương nào không mời chào, thu hút, kêu gọi đầu tư?!

Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng cho rằng, hiện Cục chưa nhận được thông tin này. Bởi Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT gửi đi lấy ý kiến đóng góp của các địa phương. Dự kiến trong quý I năm nay việc lấy ý kiến sẽ hoàn tất. Sau đó, Cục sẽ tập hợp để gửi cho đơn vị tư vấn, sau đó mới có cơ sở để trả lời các địa phương.

Còn một số chuyên gia về giao thông cho biết, việc văn bản của UBND tỉnh Ninh Bình gửi Bộ GTVT đề nghị bổ sung một vị trí cảng hàng không tại địa phương này vào Quy hoạch tổng thể phát triển Cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 là “quá nóng vội”.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hiện chỉ có 1/3 số sân bay do ACV quản lý là có lãi, cho thấy nếu để "lạm phát sân bay" là sự lãng phí ghê gớm khi nhiều đường bay chưa khai thác hết công suất. Trong khi đó suất đầu tư xây dựng một sân bay rất lớn nếu cứ ồ ạt đầu tư sân bay sẽ không chỉ gây lãng phí về tiền bạc mà còn gây lãng phí về tài nguyên và con người.

Cụ thể hơn, TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT) phân tích,  hiện quy hoạch về phát triển giao thông đang bị buông lỏng, chưa có quy hoạch tổng thể về mạng lưới giao thông mang tính chiến lược, tối ưu hoá. Tình trạng này khiến nhiều địa phương đưa ra những đề nghị phát triển giao thông không theo bất kỳ một quy hoạch nào, chiến lược phát triển giao thông đường sắt, đường sông, đường bộ và cả đường hàng không không được tính toán xây dựng đồng bộ.

Cùng với đó, hiện mạng lưới sân bay của Việt Nam đang quá dày đặc. Tới năm 2030 Việt Nam sẽ có 26 sân bay, thay vì 28 như quy hoạch hiện nay, hai sân bay Nà Sản và Lai Châu đã có trong quy hoạch hiện nay sẽ được lùi sau năm 2030.Trong khi đó, các nước giàu trên thế giới hiện nay đang quy hoạch 400-500km mới có một sân bay, cự ly ngắn sử dụng tàu hoả, tàu cao tốc và đường bộ.  “Không thể một đất nước nghèo mà các địa phương lại đua nhau xây dựng sân bay”, TS Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh.

Đặng Nhật
.
.
.