Vụ “Thu tiền 12 năm chưa giao đất cho dân” ở Hải Phòng: Dân mất niềm tin vì những lời hứa hẹn

Thứ Tư, 10/05/2017, 15:58
Báo CAND có đăng bài: “Tự sát vì 12 năm nộp tiền mà chưa được giao đất: Dân còn tuyệt vọng đến bao giờ?”. Sự việc liên quan đến dự án giao đất cho công dân ở xã An Đồng ở huyện An Dương, TP Hải Phòng kéo dài gây bức xúc dư luận, làm mất lòng tin của dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn giải quyết vướng mắc, nhưng Hải Phòng vẫn “án binh bất động”.

Quyết định mới chồng quyết định cũ

Tại huyện An Dương thời điểm năm 2003 và 2004, UBND huyện An Dương có tới 5 quyết định giao đất với số lượng lớn. Diện tích đất giao là đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư, việc canh tác không thuận lợi.

Hạ tầng giao thông dở dang, dân nộp tiền nhưng không được nhận đất.

Trong số 168 hộ chưa được giao đất thì có tới 144 hộ nằm trong Quyết định 301/QĐ-UB ngày 4-9-2003. Lý do mà UBND huyện An Dương đưa ra là do chưa xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nên chưa bàn giao đất cho các hộ. Còn Quyết định 693/QĐ-UB ngày 8-8-2004 cũng có 15 hộ chưa được giao là do chưa giải phóng mặt bằng.

Quyết định 129/QĐ-UB ngày 28-12-2004 còn 5 hộ chưa giao đất do “tiếp giáp với Quyết định 301 chưa thực hiện việc san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng”. Có 4 hộ thuộc hai quyết định khác chưa được giao vì cán bộ địa chính thay đổi nên chưa xác định được vị trí đất.

Ngay sau khi được cấp đất, phần lớn các hộ dân được giao đất theo Quyết định 301 đã nộp ngay nghĩa vụ tài chính (gồm tiền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tiền xây dựng cơ sở hạ tầng).

Có 132/164 hộ dân đã nộp với tổng số tiền là gần 12,8 tỷ đồng, trong đó 82 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo đại diện UBND huyện An Dương, số tiền đã thu của các hộ dân, sau khi đã thanh toán một phần chi phí san lấp mặt bằng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, UBND huyện đã chuyển vào tài khoản tạm giữ của ngân sách huyện.

Thế nhưng, những người dân phản ánh tới Báo CAND đều có chung một lo lắng là, sau nhiều năm kéo dài chưa xây dựng được cơ sở hạ tầng, liệu số tiền người dân đóng góp có còn? Và nếu còn thì chắc chắn sẽ không đủ để xây dựng do giá nguyên vật liệu đã tăng. Đương nhiên người dân không thể gánh chịu thiệt hại này.

Trong khi việc thực hiện các quyết định giao đất ở xã An Đồng còn đang bùng nhùng, phức tạp do khiếu kiện kéo dài thì ngày 24-6-2014, UBND TP Hải Phòng lại có quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 quận Hồng Bàng và phần mở rộng đến năm 2025.

Bà Hà Thị Doan chỉ lô đất đã nộp đủ nghĩa vụ tài chính nhưng không được giao đất.

Theo quyết định này, một phần diện tích nằm trong quyết định giao đất cho dân được quy hoạch thành 1 nhà trẻ có diện tích khoảng 4.200m2, 1 nhà văn hóa diện tích khoảng 6.300m2 và 1.000m2 đất cây xanh, còn lại là đất ở và đất giao thông. Vậy là việc giải quyết  tồn tại cũ chưa xong thì tiếp tục lại phát sinh thêm vướng mắc mới.

Trong khi đó, do diện tích đất để lâu chưa giao cho người dân nên đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất. Thực tế tại khu vực đã có quyết định giao đất cho người dân, chúng tôi thấy một nhà thờ của dòng họ Nguyễn Đức được xây dựng mới khang trang.

Theo thông tin từ phía UBND huyện An Dương cung cấp, dòng họ Nguyễn Đức xây nhà thờ họ chiếm vào diện tích đã giải phóng mặt bằng của dự án tới 400m2, gồm 5 lô đất số 74, 79, 80, 81, 82.

Gần đó, hộ ông Nguyễn Đức Lê cũng xây dựng chiếm vào diện tích cấp đất ở tới 587m2. Không thể nói chính quyền địa phương không biết việc xây dựng trên. Đây là câu hỏi lớn đối với những người có trách nhiệm.

Không để dân phải tiếp tục chờ

Bức xúc trước sự chậm trễ giao đất, buông lỏng quản lý sử dụng đất của chính quyền địa phương, 14 hộ dân có đơn gửi kêu tới các cấp chính quyền, cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương.

Sau khi tiến hành rà soát tồn tại của các quyết định giao đất theo chỉ đạo của thành phố Hải Phòng, ngày 19-10-2015 UBND huyện An Dương đã có Báo cáo số 102 khẳng định trình tự thực hiện quyết định giao đất về cơ bản là tuân thủ quy định. Tuy nhiên, các quyết định trên đều vượt quá thẩm quyền của UBND theo Luật Đất đai về quy mô diện tích và thời gian.

Từ năm 2014, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu bộ phận chuyên môn làm văn bản xin hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết tồn tại trong giao đất ở đây.

Ngày 18-6-2015, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển đã ký công văn hướng dẫn gửi UBND TP Hải Phòng.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo huyện An Dương rà soát lại, xác định số tiền đã nộp, lựa chọn vị trí giao đất đã có sẵn hạ tầng hoặc vận động các hộ gia đình, cá nhân cùng làm hạ tầng (đối với các hộ chưa nộp phí xây dựng hạ tầng - PV)…

Đồng thời, Bộ cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại trong việc giao đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Sau hướng dẫn trên, UBND huyện An Dương đã rà soát và thống kê toàn bộ những tồn tại trong 5 quyết định giao đất. Đồng thời, UBND huyện cũng đề nghị giải quyết theo hướng: Tiếp tục thực hiện dự án để giao đất cho công dân; điều chỉnh quy hoạch chi tiết mở rộng quận Hồng Bàng phần diện tích đã chồng lấn lên dự án giao đất làm nhà ở tại dự án theo Quyết định 301/QĐ-UB; tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng để bàn giao cho các hộ; phần kinh phí cần bổ sung thêm để xây dựng cơ sở hạ tầng UBND huyện đề xuất phương án lấy nguồn thu từ nguồn đấu giá đất năm 2016 của huyện…

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết, đến nay huyện vẫn đang phải chờ thành phố cho ý kiến chỉ đạo thực hiện. Ngày 26-4, UBND huyện An Dương tiếp tục có Báo cáo số 91/BC-UBND gửi UBND TP Hải Phòng đề nghị UBND TP quan tâm, cho ý kiến chỉ đạo theo đề xuất của UBND huyện An Dương.

Vậy là nguyên nhân vướng mắc đã được sáng tỏ từ năm 2015, hướng giải quyết cũng đã có nhưng sự im lặng của UBND TP Hải Phòng thì thật khó hiểu. Trong khi đó, người dân cứ tất tưởi chạy theo các cấp chính quyền, cơ quan chức năng để đòi quyền lợi. Quá trình giao đất kéo dài, những người đại diện chính quyền liên quan đến vụ việc cũng đã thay đổi. Chỉ có bức xúc và nỗi khổ sở của người dân chưa được cấp đất thì chưa đổi thay.

Thanh tra Chính phủ cũng cần vào cuộc để làm rõ sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.

Việt Hà
.
.
.