Ngậm quả đắng vì hụi (Bài 2):

Biến tướng của cho vay nặng lãi và lừa đảo

Thứ Tư, 29/06/2016, 09:51
Vỡ phường họ tại Nam Định, chỉ là một trong rất nhiều việc xảy ra trên địa bàn cả nước thời gian qua. Trước đó, tại tỉnh Thanh Hóa, Hậu Giang... cũng xảy ra những vụ việc tương tự, với số tiền đổ bể lên tới vài chục hoặc cả trăm tỷ đồng. Khi vỡ phường họ... người chơi trở thành nạn nhân của sự lừa đảo do nhẹ dạ, cả tin và hám lợi. Trong khi đó, việc giải quyết tranh chấp lại không hề đơn giản, do pháp luật vẫn còn những kẽ hở.


Phần thua thiệt luôn thuộc về những người tham gia

Trở lại vụ vỡ phường hụi tại xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh (Nam Định), quá trình tiếp xúc với các nạn nhân, chúng tôi phần nào lý giải được nguyên nhân của vụ việc. Theo quy định thì các thành viên tham gia chơi họ được họp, bàn thống nhất về hình thức, nội dung thỏa thuận về phường họ cũng như số tiền đóng của từng phường, theo khả năng của họ. 

Những người tham gia sau đó sẽ bầu ra chủ phường nhằm duy trì và đôn đốc các thành viên tham gia đóng phường đúng ngày theo thỏa thuận. Tuy nhiên, trong quá trình này, một số thành viên tham gia, sau khi lấy phường đã bỏ đi khỏi địa phương, không đóng tiếp.

Lý do họ không đóng tiếp thì cũng rất đa dạng: Một số người cùng lúc chơi nhiều suất phường nên không có đủ khả năng kinh tế để đóng góp hoặc tham gia tiếp. Trường hợp khác, một số thành viên mua để lấy nhiều phường, sau đó sử dụng vào mục đích cá nhân dẫn đến không còn khả năng thực hiện trách nhiệm đóng góp các phường và các tháng tiếp theo.

Công an huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) lấy lời khai của người dân. 

Vụ vỡ hụi, họ ở Liêm Hải còn có dấu hiệu của hành vi “kinh doanh” phường. Trong trường hợp này, một người chơi nhiều phường khác nhau của các chủ phường khác nhau. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Liêm Hải có người chơi cùng lúc 149 suất phường của riêng 1 chủ phường. Với mục đích mua của những phường mua thấp rồi đóng để duy trì hưởng lãi ở những phường mua cao. 

Một số trường hợp dùng chính tiền, vàng tại các phường tham gia để quay vòng hưởng lợi nhuận. Những người chơi này luôn cần tiền để duy trì các phường. Do đó, xuất hiện tình trạng cạnh tranh trong việc mua phường đã đẩy giá mua phường lên cao, vay chân phường của nhau để mua, làm người chơi bị lỗ, không có khả năng thanh toán.

Đó là về phía những người chơi. Còn các chủ phường thì sao? Khi duy trì hoạt động phường, các chủ phường, họ được hưởng một khoản lợi nhuận. Vì vậy, cùng lúc các chủ phường đã lập và duy trì quá nhiều phường, dẫn đến không quản lý và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Cá biệt, một số chủ phường còn dùng tiền đã thu mua của các thành viên mua sắm tài sản, chi tiêu cá nhân, chây ỳ thanh toán cho thành viên lấy phường hoặc không có khả năng thanh toán trong một số phường họ làm chủ đã dẫn đến không duy trì được phường.

Ngậm trái đắng vì ham lãi suất

Vỡ phường họ ở Nam Định chỉ là một trong nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn cả nước trong thời gian qua. Tại thị xã Long Mỹ (Hậu Giang), chỉ trong một đêm, nhiều thành viên bỗng trắng tay khi chủ hụi Nguyễn Thị Thu Nhung (trú tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ) tuyên bố vỡ nợ. 

Ngoài việc đánh vào lòng tin của các hội viên, thủ đoạn chủ hụi Nguyễn Thị Thu Nhung sử dụng còn là lập ra danh sách “hụi ma”... nhằm lôi kéo người chơi. Đến thời điểm vụ việc được phát hiện, số tiền vỡ hụi đã lên đến 50 tỷ đồng. Cùng chung cảnh ngộ, những ngày qua, người dân nghèo của huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa cũng điêu đứng, khi nhiều chủ hụi tuyên bố không còn khả năng chi trả.

Tìm hiểu về các vụ vỡ phường, hụi, họ xảy ra ở các tỉnh, thành trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy tất cả đều có một điểm chung. Đánh vào lòng tin của các hội viên, hiện nay các chủ phường hụi, họ thường có một chiêu trò rất giống nhau. Ban đầu, họ trả lãi và tiền rất sòng phẳng khiến các hụi viên tin tưởng. Sau đó, người này rỉ tai, người kia, họ lôi kéo bạn bè và những người thân trong gia đình cùng tham gia. Đó cũng là lý do vì sao khi các vụ vỡ phường hụi, họ xảy ra nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay. 

Tâm sự với chúng tôi, chị Vũ Thị Hương (đội 14, xóm Chử, Liêm Hải, Nam Định) chia sẻ: Chị tham gia phường cấp, theo quy định thì cứ theo vòng sẽ được lấy. Vì chưa cần tiền vào việc gì nên chị dành dụm tiền để đóng. Từ cuối năm 2014 đến nay, mỗi tháng chị đóng khoảng 200 triệu đồng cho 6 chủ phường. Để có tiền này, chị vay tiền của mọi người với lãi suất cao. 

Chủ phường của chị là Thủy Bổng hứa hẹn đóng 5 triệu đồng sẽ được nhận 7,5 triệu đồng. Chính bởi khoản lợi nhuận này, chị đã huy động tiền của bạn bè và nhiều người thân để đóng phường hằng tháng. Lời tâm sự của một hụi viên phần nào cho ta thấy được biến tướng của việc cho vay tiền với lãi suất cao bằng hình thức chơi họ hiện nay. 

Còn chị Nguyễn Thị Thoan ở Liêm Hải cho biết thêm một thủ đoạn của các chủ phường hụi, họ. Dù cùng tham gia một phường, một bát họ nhưng các thành viên trong đó không hề biết nhau. Vì thế, khi các thành viên muốn “dốc ống” (lấy tiền), các chủ phường đều hứa hẹn rằng chị ở chân thứ 10, chuẩn bị được lấy. Thế nhưng, cùng lúc có khoảng chục người ở chân thứ 10... được các đối tượng này hứa hẹn. Nhưng trên thực tế, chẳng ai được lấy một đồng tiền nào cho đến khi chủ hụi tuyên bố vỡ. 

Cá biệt, một số chủ phường hụi còn lập ra những dây hụi không có thật, với mức lãi suất cao.... để đánh lừa các thành viên. Trong trường hợp này, người mua đầu tiên thường phải trả giá tiền cao ngất ngưởng. Những người sau cùng những tưởng sẽ được hưởng lợi và số tiền lãi nhiều nhất thì lại phải đối mặt với rủi ro lớn nhất, khi các thành viên tham gia không đóng tiền. Những phân tích trên đây cho thấy, trong bất cứ trường hợp nào, phần thua thiệt cũng luôn thuộc về phía những người chơi.

Công an huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) lấy lời khai của người dân. 
Xuân Mai - Trần Xuân
.
.
.