Bao giờ giải được bài toán thực phẩm sạch?

Thứ Bảy, 14/04/2018, 09:17
Thực phẩm sạch là nhu cầu bức thiết trong bối cảnh “thực phẩm bẩn” đang dẫn tới cái chết một cách nhanh nhất như hiện nay. Không đủ kinh phí cho đầu tư dẫn tới nhiều dự án sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch chết yểu; nhiều công trình nghiên cứu khoa học bị đắp chiếu; bẩn sạch lẫn lộn làm mất niềm tin của người tiêu dùng khiến nhiều dự án thực phẩm sạch phải thất bại, phá sản.

“Bệnh từ miệng mà vào” đang là mối đe dọa lớn nhưng chúng ta vẫn loay hoay trong vòng rối rắm của bài toán thực phẩm sạch.

Bài 1: Lạc giữa “rừng” thực phẩm sạch

Người người sản xuất thực phẩm sạch, nhà nhà kinh doanh thực phẩm sạch, từ những con ngõ nhỏ cho đến cửa hàng tại các phố lớn, từ các trang mạng xã hội cho đến các website, đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp quảng cáo “cung cấp thực phẩm sạch”. Đó là câu chuyện đang diễn ra tại nhiều đô thị khi mà những thông tin về việc rau củ quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thịt lợn có chứa chất tăng trọng, chất tạo nạc, gà “thải loại” nhập lậu qua biên giới… đang bủa vây người tiêu dùng.

Nở rộ phong trào kinh doanh thực phẩm “sạch”

Do gia đình có một trang trại tại tỉnh Vĩnh Phúc, lại biết nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của người dân Thủ đô rất lớn nên chị Nguyễn Thanh Hương, trú tại phường Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã quyết định trồng rau, nuôi gà, lợn để kinh doanh thực phẩm sạch.

Phương thức kinh doanh thực phẩm sạch của chị Hương khá đơn giản, mỗi khi có sản phẩm thực phẩm nào sắp được thu hoạch, chị Hương sẽ đăng tải thông tin lên mạng xã hội facebook để khách hàng đăng ký. Sau đó, chị sẽ thuê một chuyến xe chở hàng từ trang trại về trung tâm Hà Nội. Do đã quen biết nhau nên người mua thực phẩm do chị Hương cung cấp hoàn toàn cảm thấy yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng.

Chị Hương cũng tự tin chia sẻ: “Tôi ít sử dụng thuốc sâu hay phân bón hóa học, chủ yếu sử dụng phân chuồng, thuê người làm vườn bắt sâu, tưới rau. Còn lợn, gà thì đều nuôi bằng ngô, thóc không cho ăn cám công nghiệp nên thực phẩm tôi cung cấp chắc chắn là thực phẩm sạch”.

Các bước sản xuất rau an toàn phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cán bộ bảo vệ thực vật.

Với mác thực phẩm “sạch”, lại mất công vận chuyển từ Vĩnh Phúc về trung tâm Hà Nội nên giá các loại thực phẩm do chị Hương cung cấp thường cao hơn gấp đôi so với giá chung thị trường. Không cần cửa hàng, chỉ cần đưa các thông tin trên mạng xã hội facebook về nguồn hàng, chị Hương đã có một công việc làm thêm mang đến doanh thu lên đến chục triệu đồng/tháng.

Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thực phẩm sạch, chị Nguyễn Thanh Hằng, đường Trương Định, Hà Nội cũng đã mở một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch tại gia với các mặt hàng chủ yếu như rau, thịt lợn, thịt gà. Để người mua phân biệt thực phẩm sạch mà chị bán với các mặt hàng bán đại trà tại các chợ, chị Hằng treo một tấm bảng ghi dòng chữ “Thực phẩm sạch: Rau củ quả theo mùa, gà quê, lợn quê”.

Nói về nguồn gốc sản phẩm, chị Hằng cho biết, mẹ chị trồng rau và nuôi gà lợn ở huyện Thường Tín. Hàng ngày, bà sẽ thuê xe ôm gửi hàng lên cho con gái. Mặc dù không biết được số thực phẩm mà chị Hằng bán có đảm bảo an toàn hay không nhưng chị Hằng phấn khởi cho biết, có những ngày xe ôm vừa dỡ hàng xuống là người mua đã tranh nhau.

Mua bằng niềm tin

Hiện nay, các loại thực phẩm gắn mác “sạch”, “an toàn” được cung cấp đến tay người tiêu dùng bằng rất nhiều hình thức như các cửa hàng nhỏ lẻ cho đến các chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch có tên tuổi, mạng facebook, website…. Từ cây rau, hoa quả cho đến thịt lợn, thịt gà, thậm chí cả hải sản đều cũng phải gắn với “sạch” mới có thể đem đến niềm tin cho người tiêu dùng.

Giữa nỗi lo sợ bệnh tật từ việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng đã tìm đến các sản phẩm thực phẩm được đóng mác “sạch” như một lẽ đương nhiên dù họ phải bỏ ra số tiền gấp 3,4 thậm chí gấp 5 lần so với việc mua trôi nổi trên thị trường. Các thương hiệu cung cấp thực phẩm sạch quen thuộc với người tiêu dùng như VinEco, Bác Tôm, Sói Biển…

Các cửa hàng thực phẩm sạch hiện nay chủ yếu có 3 nguồn hàng: Nhóm tiêu chuẩn GAP, nhóm hữu cơ và nhóm đặc sản vùng miền. Trong đó, nhóm đặc sản vùng miền, nuôi dân dã đang được người tiêu dùng chọn lựa nhiều nhất.

Tuy nhiên, một nghịch lý đặt ra hiện nay là người tiêu dùng mua thực phẩm được gắn mác “sạch” , “an toàn” nhưng họ lại không được tận mắt chứng kiến những nơi này sản xuất, sơ chế thực phẩm, không biết nơi đó có được cấp giấy chứng nhận sản xuất thực phẩm an toàn hay không? Có cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát hay không?

Ngay cả những thương hiệu đã có tên tuổi trên thị trường, việc thực phẩm “bẩn” trà trộn, đội lốt thực phẩm “sạch” đến tay người tiêu dùng cũng là một điều dễ xảy ra nếu không quản lý chặt từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ. Chúng tôi chỉ cần lấy một ví dụ liên quan đến khái niệm rau “sạch” đang nhan nhản trên thị trường hiện nay. Người bán thậm chí cả người tiêu dùng đang nghĩ rằng, rau “sạch” là rau không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích để làm rau phát triển nhanh, bóng mượt.

Tuy nhiên, theo cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) thì đó là do người kinh doanh, sản xuất tự đặt ra và trên thực tế không có tiêu chí nào quy định cho rau “sạch” mà phải là “rau an toàn” mới chính xác.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn trong sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP và được công nhận là rau “an toàn”, người nông dân phải trải qua lớp tập huấn kiến thức, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật nghiêm ngặt (có tới 30 quy trình kỹ thuật). Các bước sản xuất rau an toàn phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cán bộ bảo vệ thực vật.

Đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định và tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái cũng đều phải giám sát. Ngay cả khi sơ chế, đưa rau ra thị trường cũng đều có quy trình, kỹ thuật và dán tem nhãn để quản lý cũng như cho người tiêu dùng nhận biết.

Còn tại các siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm sạch, nhiều vụ việc thực phẩm “bẩn” trà trộn, đội lốt thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng cũng đã được các cơ quan quản lý phát hiện. Có thể kể đến như vụ việc hàng tấn rau được thu mua từ các vựa rau trên địa Thủ đô Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh… sau đó được “phù phép”, gắn mác rau an toàn tuồn vào một số siêu thị lớn như Lotte mart, Intimex và Fivimart.

Hay cửa hàng Mr Sạch tại số 55 Trần Nhân Tông từng bị phát hiện bày bán táo, kẹo lạc ghi trên bao bì là sản phẩm hữu cơ của xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội nhưng thực tế xã Thanh Xuân không cung cấp 2 sản phẩm này.   

1. Ai quản lý, kiểm tra nguồn gốc thực phẩm “sạch” bán trên mạng? Ngay cả lực lượng quản lý thị trường cũng cho rằng, rất khó kiểm soát. Thực phẩm gắn mác “sạch” bán trên mạng đang “trăm hoa đua nở” và hiện không được quản lý cũng như không kiểm soát được.

Về thông tin trên mạng xã hội đang rao bán nhiều loại rau hữu cơ ở một số vùng ngoại thành Hà Nội, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết “Hà Nội chỉ có 40ha sản xuất rau hữu cơ trong đó huyện Sóc Sơn có gần 30ha và trang trại Hoa Viên (Thạch Thất) có khoảng 10ha”.

2. Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, trước tình trạng bùng nổ công nghệ quảng cáo để đánh vào nhu cầu cần thực phẩm an toàn của người tiêu dùng thì việc kinh doanh tự gắn thương hiệu “sạch” là cách kinh doanh thiếu tính minh bạch, cần phải được kiểm tra, giám sát và quản lý.

Ng.Hương - Tr.Hằng
.
.
.