Bán đất xong, chây ì không giao sổ đỏ

Thứ Năm, 02/03/2017, 09:28
Sau khi bán đất và nhận tiền đầy đủ, bên bán đã tìm cách chây ì không chịu bàn giao sổ đỏ. Còn người đi mua trong suốt nhiều năm phải chạy khắp nơi gõ cửa các cơ quan chức năng để kêu cứu nhưng vẫn không được giải quyết thấu đáo.



Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo CAND của bà Đỗ Thị Thúy Vân (46 tuổi, trú tại thôn 2, xã Đắk Rla, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) cho biết, vào tháng 9-2008, bà có mua lại 2 mảnh đất rẫy có diện tích 18.585 m² của vợ chồng Đoàn Văn Huyến và Trần Minh Yến (trú tại 325 đường Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tại địa bàn thôn 2, xã Đắk Nrót, huyện Đắk Mil, với tổng số tiền 410 triệu đồng. 

Việc mua bán này được hai bên thỏa thuận bằng giấy viết tay và có xác nhận của chính quyền địa phương.

Sau khi nhận đủ số tiền, vợ chồng Huyến và Yến đã bàn giao đất cùng tài sản trên đất cho bà Vân canh tác và viết giấy hẹn đến ngày 15-3-2010 sẽ bàn giao 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho bà Vân. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, vợ chồng Huyến và Yến đã tìm cách chây ì, không chịu bàn giao sổ đỏ cho bà Vân.

Quá bức xúc trước hành vi của vợ chồng Huyến, đầu năm 2011, bà Vân đã làm đơn trình báo lên các cơ quan chức năng liên quan nhờ can thiệp. Tuy nhiên, sau ngần ấy năm cầm đơn đi gõ cửa kêu cứu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trao đổi với chúng tôi, bà Vân cho biết, 2 mảnh đất trên đã được UBND huyện Đắk Mil cấp sổ đỏ vào năm 2004.
Một trong hai mảnh đất mà gia đình bà Vân mua lại của vợ chồng Huyến và Yến.

Trong đó, 1 mảnh có diện tích 9.840 m² thuộc tờ bản đồ số 9, thửa số 19, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang số D582156 do UBND huyện Đắk Mil cấp ngày 14-5-2004. Mảnh còn lại có diện tích 8.745 m², thuộc tờ bản đồ số 9 và 8, thửa 52 và 139, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang số 582130 do UBND huyện cấp ngày 24-5-2004.

“Qua tìm hiểu được biết, sở dĩ vợ chồng Huyến và Yến không chịu bàn giao sổ đỏ cho gia đình tôi như đã cam kết là bởi họ đã mang 2 sổ đỏ này thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để vay tiền. Sau khi biết chuyện, gia đình đã nhiều lần tìm gặp vợ chồng Huyến để đối chất nhưng họ luôn tìm cách lảng tránh. Việc này đã khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, đầu tư nương rẫy và thực hiện quyền công dân tại địa phương”, bà Vân bức xúc nói. 

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hùng, Phó trưởng Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cho biết, sau khi đơn vị nhận được đơn tố cáo của bà Vân, quá trình xác minh thì đây chỉ là vụ án tranh chấp dân sự, không thuộc quyền xử lý của cơ quan điều tra. Xét thấy vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nên cơ quan điều tra đã chuyển tài liệu cho  Tòa án.

Theo bà Vân, trước đó chính quyền xã Đắk Nrót cũng như TAND huyện Đắk Mil đã nhiều lần mời vợ chồng Huyến và Yến lên làm việc, đối chất nhưng họ đều né tránh, không chịu lên làm việc.

Để tìm hiểu thông tin thêm về vụ việc, chúng tôi đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Phan Chu Trinh, nơi vợ chồng Huyến và Yến thế chấp 2 sổ đỏ để vay tiền. Tuy nhiên, ông Võ Duy Bình, Giám đốc ngân hàng này đã vòng vo không trả lời thẳng vào những câu hỏi của chúng tôi, mà chỉ trả lời một cách chung chung, qua loa rằng: “Sự việc trên không thuộc thẩm quyền phát ngôn của chi nhánh. Những vấn đề liên quan đến việc cung cấp thông tin cho báo chí thuộc thẩm quyền cấp cao hơn”.

Thiết nghĩ, để ngăn ngừa việc người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài, dẫn đến hậu quả không đáng có… đề nghị chính quyền, ban, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm vụ việc, nhằm đem lại quyền lợi chính đáng cho người dân.

Văn Thành
.
.
.