Buông lỏng quản lý đang tàn sát “lá phổi xanh” Thủ đô

Thứ Tư, 20/04/2016, 08:12
San lấp ao, hồ trái phép đang diễn ra phức tạp trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt xảy ra ở nơi có quy hoạch phát triển đô thị, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, ô nhiễm cảnh quan môi trường. Đã có 40 hồ được cải tạo ở Hà Nội trong thời gian qua, nhưng ở một số nơi sự buông lỏng trong công tác quản lý đã làm cho “lá phổi xanh” trở thành “hồ chết, ao chết”.


San lấp ao hồ trái phép diễn ra nhiều ở khu vực ngoại thành và ở những nơi từng lên cơn sốt đất. Vào thời điểm sốt, đất mặt đường ở thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc lên tới 100 triệu/m². Điều đó lý giải vì sao, ở Vĩnh Ngọc lại có hiện tượng ngang nhiên chiếm dụng ruộng, ao như vậy. 

Theo UBND huyện Đông Anh thì người dân đã đổ khoảng 8.000m³ đất đá, phế liệu để lấp đầy 1.000m² đất trong diện tích 10.000m² đất ao. Huyện đã ra vă bản chỉ đạo quyết liệt việc tháo dỡ, bốc xúc đất đá để trả về hiện trạng ban đầu.

Rõ ràng, việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng bị buông lỏng, dẫn tới việc đổ đất, chiếm dụng để kinh doanh vật liệu xây dựng ngang nhiên diễn ra. 

Trả lời câu hỏi vì sao vượt quá thời hạn ra thông báo nhưng Công ty TNHH Hùng Cường vẫn không tự dỡ bỏ vi phạm, ông Trần Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết: “Ngày 12-4 xã đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng này. Gia đình ông Cường có đơn xin cho lùi thời gian vào 2 ngày cuối tuần (16 và 17-4) để tự tháo dỡ. Nếu hết ngày 18-4 hộ này tháo dỡ chưa triệt để thì ngày 19-4 xã sẽ tiến hành cưỡng chế ”. 

Theo ông Thức, trước đây xã đã vài lần nhắc nhở, thông báo, đình chỉ việc thi công trái phép của hộ ông Nguyễn Xuân Cường nhưng chưa lần nào ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thẩm quyền của xã chỉ ra quyết định xử phạt ở mức 5 triệu đồng, chế tài này so với lợi nhuận từ việc chiếm dụng đất ao trái phép để kinh doanh quả là không thấm vào đâu. 

Ông Thức cũng cho biết thêm, khu vực vi phạm của ông Nguyễn Xuân Cường nằm trên diện tích ruộng trũng trong lưu không đê vốn bỏ không, cỏ mọc. Ông Cường đã đổ đất, san gạt, xây nhà kho và kinh doanh vật liệu xây dựng không phép.

Tương tự, đối với việc vi phạm đổ đất, phế thải lấn chiếm lòng ao hồ ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm để trồng cây màu, hoa, ông Nguyễn Viết Giảng, Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ cho biết đã đưa lực lượng kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm đổ phế thải lấn chiếm lòng hồ. Điều khiến dư luận lo lắng chính là việc tái lấn chiếm sau lực lượng chức năng đi khỏi bởi đã có nhiều ao, hồ bị đổ trộm phế thải tái đi tái lại. 

Theo ông Trần Đình Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh thì huyện đang rà soát số ao hồ bị lấp trái phép ở địa phương để lên kế hoạch phục hồi nguyên trạng và chống tái lấn chiếm. 

Đối với việc cưỡng chế vi phạm tại thôn Phương Trạch, chính quyền xã Vĩnh Ngọc đã lập một tổ quản lý đất đai và trật tự xây dựng do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng cùng với Công an xã, chính quyền thôn kiểm tra, giám sát để không cho tái lấn chiếm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, càng ở những khu vực phát triển đô thị, giá đất cao thì tình trạng lấn chiếm ao hồ càng xảy ra nhiều. Ban đầu chỉ là đổ đất, phế thải ra ao hồ, sau đó san gạt. Nếu chính quyền địa phương làm ngơ thì những đối tượng này tiếp tục xây tường rào tôn, trồng hoa màu, xây nhà tạm cho thuê, thậm chí rao bán trên mạng. 

Trước Hà Nội có khoảng 200 hồ, trong đó 18 hồ có khả năng điều tiết thoát nước. Trong quá trình đô thị hóa đã làm nhiều hồ bị san lấp, sông mương bị thu hẹp diện tích. 

Trong 10 quận nội thành Hà Nội hiện còn hơn 112 hồ, trong đó có 42 hồ đã được kè bờ và có đường dạo, 12 hồ nằm trong dự án thoát nước giai đoạn II. Những vi phạm nghiêm trọng lấn chiếm ao hồ hiện nay xảy ra ngang nhiên ở khu vực ngoại thành, quận mới thành lập, nơi có nhiều công trình, dự án xây dựng. 

Người dân sống quanh hồ Cầu Cốc, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm bức xúc cho biết: “Những nhà đất lấn hồ làm gì được cấp sổ đỏ nhưng người ta cứ rao bán. Các công trình kiên cố xây dựng mọc quanh hồ, nếu không xây kè vây quanh thì năm mười năm nữa không còn hồ mất”. 

Đây không chỉ là lo lắng của người dân Tây Mỗ mà là lo lắng chung của hầu hết người dân Thủ đô bởi theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), 5 năm qua đã có 17/112 ao, hồ ở khu vực nội thành Hà Nội bị san lấp hoàn toàn. Hơn thế nữa, một số hồ trở thành hồ cạn vì bị người dân lấn chiếm làm bãi trông xe, tập kết vật liệu xây dựng.

Tình trạng đổ trộm phế thải xuống ao, hồ đang trở nên vô cùng bức thiết hiện nay, nhưng việc phát hiện, xử lý hầu như rất ít. “Họ toàn đổ trộm ban đêm, xã lại không có lực lượng, phương tiện xe to để chặn nên rất khó bắt giữ.” – ông Trần Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc bày tỏ. 

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Tây Mỗ nêu: “Nếu hồ Cầu Cốc xây kè thì vi phạm sẽ hết và khi đó ai vi phạm sẽ dễ xử lý. Dân bảo phường xúc hết đất, phế thải đã đổ xuống hồ đem đi đổ, nhưng đổ đi đâu bây giờ?”.

Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, đưa Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, cơ bản giải quyết các vấn đề ô nhiễm khu vực nội thành cũ, cải thiện môi trường sinh hoạt của người dân, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý sử dụng hệ thống cây xanh, mặt nước…

Tuy nhiên, việc cải tạo hồ, nhất là các hồ nằm xen trong khu dân cư không phải dễ dàng thực hiện bởi nó cần một nguồn kinh phí khổng lồ. Do vậy, ngoài việc xử lý nghiêm các vi phạm thì việc trước mắt cần phải nâng cao công tác tuyên truyền để mọi người dân, đoàn thể xã hội tham gia vào công tác phát giác và báo với cơ quan chức năng. Trên thực tế thì trong thời gian qua, hầu hết các vụ vi phạm lấn chiếm ao, hồ đều do người dân phát hiện và cơ quan ngôn luận lên tiếng.

Ngược lại, rất ít vụ việc được cơ quan quản lý phát hiện. Điều này cho thấy ở một số nơi, sự buông lỏng quản lý đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng vi phạm, đã đến lúc phải được ngăn chặn triệt để.

Để hệ thống ao hồ, cây xanh của Hà Nội trở thành nét đẹp của thành phố, là “lá phổi xanh” điều hòa cho Thủ đô trên 6 triệu dân, thiết nghĩ UBND thành phố cho rà soát lại hệ thống ao hồ trên địa bàn, nơi nào vi phạm phải nhanh chóng chấn chỉnh, xử lý nghiêm để đưa trở về nguyên trạng.

Trần Hằng
.
.
.