Quản lý dịch vụ thẩm mỹ viện, spa còn nhiều lỗ hổng

Bài cuối: Buông lỏng quản lý, tai biến khôn lường

Thứ Năm, 17/10/2019, 09:57
Mù mắt, hoại tử ngực, hoại tử mông, chảy mủ ở mặt, thậm chí là tử vong do sốc thuốc… là những thảm họa kinh hoàng mà liên tiếp các nạn nhân của dịch vụ làm đẹp “chui” phải gánh chịu trong thời gian qua.

Dịch vụ thẩm mỹ viện (TMV), spa mọc lên “như nấm sau mưa”, nhiều nơi vì lợi nhuận đã bất chấp tính mạng của khách hàng, thực hiện các kỹ thuật tiêm, phẫu thuật thẩm mỹ “chui”, người thực hiện là các nhân viên học “mót”, học“dạo” dẫn tới tai biến chết người.

Khách hàng bị lừa nhưng không dám tố cáo

Nói về những bệnh nhân phải vào viện cấp cứu do đi làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ “chui”, BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội không khỏi ngạc nhiên, bởi có những bệnh nhân vào viện trong tình cảnh “thập tử nhất sinh” nhưng cũng nhất quyết không chịu nói ra cơ sở thẩm mỹ đã lừa đảo mình.

BS Dung chỉ biết dùng hai từ “ngốc nghếch” để nói về những trường hợp này. Bởi chị em đi làm đẹp thường giấu gia đình, khi tai biến xảy ra rất ngại để người thân và mọi người biết. Họ âm thầm vào viện chữa trị và nhất quyết không tố cáo cơ sở đã gây tai biến cho mình. Chính vì điều này càng khiến cho nhiều dịch vụ thẩm mỹ bất chấp pháp luật, bất chấp hậu quả, tiếp tục kiếm tiền trên sức khỏe và tính mạng của khách hàng.

BS Phạm Thị Việt Dung kể về trường hợp chị điều trị gần đây nhất. Nghe quảng cáo và hình ảnh bắt mắt trên mạng, nữ bệnh nhân đến một spa để tiêm thông cơ tạo má baby với giá 20 triệu đồng. Nhân viên spa nói với bệnh nhân chỉ thông cơ bằng tiêm nước muối, chị này tin là thật. Nhưng vài ngay sau thông cơ, mặt chị sưng đỏ, đau đớn, chị tới spa bắt đền. Lúc này nhân viên mới thừa nhận thứ nước tiêm vào mặt chị không phải là nước muối là là chai fille không tem nhãn, không hướng dẫn sử dụng.

Việc tiêm chất làm đầy nhập lậu này đã khiến gương mặt nữ bệnh nhân sưng to, chảy mủ, dù nhiều lần trích hút mủ nhưng vẫn không ăn thua. Thế nhưng, cô nhất quyết không nói tên spa, cũng như không muốn tố cáo làm ầm chuyện này vì giấu gia đình đi làm đẹp.

Hậu quả của việc làm đẹp ở những cơ sở dịch vụ TMV, spa “chui” vô cùng khủng khiếp, nhiều người đã phải trả giá bằng tính mạng khi tiêm silicon nâng ngực, nâng mông, nhưng tiếp tục vẫn có nạn nhân đi theo “vết xe đổ” đó.

Thẩm mỹ viện mọc lên “như nấm sau mưa”, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chui, khó khăn cho công tác quản lý.

Đại tá, PGS. TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, BV TW Quân đội 108 cảnh báo, năm 1995, Bộ Y tế đã ban hành cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể. Nhưng hiện nay vẫn có tình trạng một số cơ sở làm đẹp “chui” chạy theo lợi nhuận, sử dụng silicon công nghiệp - chất tuyệt đối không được sử dụng trên người thành chất làm đầy.

Trong đó, silicon lỏng là chất làm đầy rẻ tiền hay được sử dụng nhiều nhất. Khi dùng silicon lỏng tiêm vào cơ thể dễ gây ra biến chứng tắc mạch. Khi bị tắc mạch, máu sẽ không thể đủ để nuôi dưỡng bộ phận được tiêm vào như mắt, môi, mũi dễ gây ra hoại tử những bộ phận đó, nguy hại nhất là có thể gây tử vong cho người sử dụng.

Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo dõi

Dịch vụ TMV, spa do Phòng Kinh tế - Tài chính UBND các quận, huyện cấp phép, giao cho cấp phường quản lý, nhưng trên thực tế, việc kiểm tra, phát hiện vi phạm của cấp phường lại như “mò kim đáy bể”. Chúng tôi đã làm việc với một số phường trên địa bàn Hà Nội, phường nào cũng cho biết “tại thời điểm kiểm tra không phát hiện vi phạm”.

Đơn cử như TMV Quốc tế Thúy Anh (60 Kim Ngưu, Hà Nội), ngay sau khi đoàn kiểm tra liên ngành quận Hai Bà Trưng kiểm tra, trong vai khách hàng chúng tôi đến TMV này để hút mỡ bụng và vẫn được nhân viên mời vào tư vấn. Tại tầng 3 của TMV, chúng tôi gặp 3 khách hàng, người thì cho biết mình hút mỡ đùi, người thì hút mỡ bụng. Chị Ngô Mai Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ: “Kiểm tra mà đi theo đoàn thì khó phát hiện lắm, cứ trong vai khách hàng là dễ dàng phát hiện sai phạm”.

Nhìn từ các ca tai biến do làm đẹp ở những cơ sở “chui” vừa qua có thể thấy, công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng, cấp phép nhiều nhưng hậu kiểm gần như không có, chính quyền địa phương được giao quản lý nhưng một số cơ sở hoạt động sai phép, khi hậu quả xảy ra chính quyền mới biết.

Theo báo cáo của Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), trên địa bàn quận có 128 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, trong 9 tháng đầu năm 2019, phường và quận kiểm tra 80 cơ sở, phát hiện 3 cơ sở vi phạm tại phường Ngô Thì Nhậm, Lê Đại Hành và Bùi Thị Xuân, xử phạt 35 triệu đồng/cơ sở vì hành nghề không có chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra có 2 cơ sở do UBND phường đề xuất UBND quận ra quyết định xử phạt 17,5 triệu/cơ sở vì quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.

“Dịch vụ thẩm mỹ không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP, cơ sở chỉ phải thực hiện thủ tục thông báo với Sở Y tế về hoạt động dịch vụ thẩm mỹ. Tuy nhiên, cơ sở không báo cũng không có chế tài xử lý. Quận được phân cấp quản lý nhưng lại chưa có sự kết nối cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải thông báo nên rất khó khăn. Tới đây chúng tôi giao cho UBND các phường phải thống kê dần dần” - BS Phạm Thị Thu Thủy, cán bộ Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết.

Một lỗ hổng nguy hiểm gây ra hậu quả nặng nề là các trang web, facebook, fanpage quảng cáo các dịch vụ làm đẹp tràn lan trên mạng, quảng cáo quá sự thật, đưa hình ảnh hấp dẫn nhằm câu khách khiến nhiều chị em thấy rẻ, đẹp là tin. Các chị em không tìm hiểu cơ sở dịch vụ thẩm mỹ mà mình lựa chọn có được cấp phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ hay không nhưng vẫn đến hút mỡ, nâng ngực, nâng mông… Việc này đã góp phần cho các cơ sở thẩm mỹ hoạt động sai phép.

Theo luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Luật Hồng Phú (Hà Nội), để các trang web, trang mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ đặc biệt mà chưa được cơ quan thẩm quyền xác nhận nội dung là trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông.

Luật sư Hùng cho biết, hiện nay, kinh tế phát triển, nhu cầu làm đẹp của con người rất cao, thậm chí đến các viện thẩm mỹ sử dụng thuốc, các chất gây tê, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khắc phục khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể. Họ không biết rằng các TMV không được phép thực hiện, các dịch vụ đó chỉ được thực hiện tại bệnh viện, hoặc phòng khám hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đăng ký hoạt động dịch vụ chuyên khoa thẩm mỹ, được pháp luật quy định tại Khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

Bởi vì, dịch vụ thẩm mỹ hết sức nguy hiểm, có nguy cơ gây sốc, gây bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Nếu phát hiện bất cứ cơ sở thẩm mỹ nào thực hiện dịch vụ nêu trên thì người dân khuyến cáo bạn bè người thân không được thực hiện, đồng thời báo cho Thanh tra Sở Y tế của tỉnh nơi có dịch vụ thẩm mỹ đó thực hiện, có trụ sở.

Theo LS Hùng, đối với người đã thực hiện dịch vụ thẩm mỹ nêu trên, cần đi kiểm tra tại các bệnh viện được phép hoạt động thẩm mỹ. Nếu dịch vụ thẩm mỹ đã sử dụng không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại thì đòi bồi thường thiệt hại. Thiệt hại đó bao gồm số tiền đã bỏ ra thực hiện dịch vụ thẩm mỹ, số tiền cần thiết để khắc phục hậu quả, chi phí đi lại, thu nhập bị mất đi khi phải nghỉ làm để thực hiện khắc phục hậu quả, mức tổn hại sức khỏe.

“Đối với cơ sở thực hiện dịch vụ thẩm mỹ vi phạm, cần chấm dứt thực hiện các dịch vụ đó, bồi thường thiệt hại xảy ra, bị xử phạt hành chính, có thể bị cấm hành nghề và truy tố trách nhiệm hình sự nếu gây tổn thương 11% cơ thể. Theo LS Hùng, Thanh tra Sở Y tế, UBND phường/xã cần chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo dõi, kiểm tra đột xuất các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ để ngăn chặn kịp thời. Bởi hoạt động trái phép này ngày càng phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng”- LS Trương Tiến Hùng nhấn mạnh.

Trần Hằng
.
.
.