Bảo vệ rừng Tây Nguyên: Bất cập giữa chính sách và thực tiễn

Thứ Hai, 25/07/2016, 08:17
Việc chuyển rừng nghèo, đất lâm nghiệp không còn rừng sang trồng các loại cây công nghiệp, làm dự án phát triển kinh tế, hay phải trồng lại rừng... là phù hợp với quy luật phát triển kinh tế-xã hội, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng Tây Nguyên.


Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện các chính sách phát triển KT-XH ở vùng Tây Nguyên đã nảy sinh những bất cập, có trường hợp làm sai, nóng vội, vì lợi ích nhóm, cá nhân... dẫn đến việc mất rừng đồng loạt mà kinh tế địa phương không phát triển, cuộc sống người dân vẫn đói nghèo...

Dự án chuyển đổi hàng trăm hécta rừng nghèo sang trồng cao su ở Tây Nguyên là chính sách phát triển KT-XH chung của Nhà nước nhằm xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở Tây Nguyên bị phá để làm thủy điện.

Nếu xét về mặt chiến lược lâu dài, khách quan thì việc nhiều diện tích đất rừng nghèo kiệt bỏ hoang, sản xuất nương rẫy kém hiệu quả ở Tây Nguyên được chuyển sang trồng cây công nghiệp là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, chủ trương này đã được các địa phương vận dụng khác nhau và quá trình thực hiện nảy sinh những thiếu sót, chưa thực sự công tâm khách quan trong quá trình thẩm định, phê duyệt, giao dự án, dẫn đến nhiều diện tích rừng bị “chết oan”...

Riêng ở địa bàn tỉnh Gia Lai, chủ trương giao hơn 50 ngàn hécta rừng nghèo sang trồng cao su đã nảy sinh nhiều bất cập, gây bức xúc dư luận. Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, trong số 17 doanh nghiệp được giao hơn 32,5 ngàn hécta đất rừng để thực hiện 44 dự án trồng cao su, thì chỉ trồng được hơn 25,5 ngàn hécta cao su và có khoảng 10,2% bị chết. Trong khi đó hàng chục ngàn hécta rừng tự nhiên đã bị triệt hạ không thương tiếc, nhiều diện tích rừng bị phá ngoài vùng quy hoạch.

Chỉ riêng 3 dự án chuyển rừng sang trồng cao su ở Công ty Bình Dương do Trần Văn Khanh, nguyên Giám đốc Công ty Bình Dương (Gia Lai) chịu trách nhiệm thực hiện đã tự khai hoang ngoài diện tích rừng cho phép theo quy định trên 589 hécta rừng (gồm 9,97 hécta rừng phòng hộ; 579 hécta rừng sản xuất), gây thiệt hại cho Nhà nước trên 18,68 tỷ đồng.

Qua giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai đối với các dự án phát triển 50 ngàn hécta cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ năm 2008 tới nay cho thấy, việc triển khai dự án còn nhiều bất cập, chưa đạt được hiệu quả về phát triển KT-XH như mục tiêu đặt ra.

Theo kế hoạch dự tính đến năm 2015 phải hoàn thành toàn bộ dự án nhưng đến nay mới chỉ đạt hơn 51%, một số diện tích để xảy ra tình trạng tranh chấp đất giữa doanh nghiệp với người dân. Một số doanh nghiệp tự ý chuyển đối mục đích sử dụng đất trồng cao su sang trồng mía, trồng cỏ, xây trại nuôi bò khi chưa có sự cho phép của cơ quan thẩm quyền. Việc tuyển người địa phương vào làm công nhân cho các dự án còn hạn chế...

Ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 35 dự án với tổng diện tích gần 30.700 hécta và đã có 24 dự án có quyết định cho thuê hơn 17.500 hécta đất. Tuy nhiên, nhiều dự án không hiệu quả như Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tân Phú Hưng triển khai dự án ở xã Ea Sol, Ea Hleo từ năm 2011 đến nay mới có 26 hécta cao su, còn lại phần lớn diện tích bị xâm canh.

Công ty TNHH Hoàng Nguyễn thuê 438 hécta đất ở Ea Hleo để chuyển rừng trồng cao su nhưng chỉ trồng được 90 hécta cao su và phần lớn đã bị chết, hàng chục hécta rừng còn lại bị phá, xâm canh. Ngoài ra còn có những dự án chuyển đổi, sang nhượng trái phép, gây bức xúc dư luận...

Tại tỉnh Đắk Nông đã giao hơn 30.000 hécta đất và rừng cho các doanh nghiệp để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp theo quy hoạch vẽ ra trên giấy rất hấp dẫn nhưng thực tế chỉ thấy mất rừng và gây bất ổn xã hội.

Tại Đắk Ngo có 9 doanh nghiệp vào liên doanh liên kết trên tổng diện tích gần 2.000 hécta đất và rừng nhưng sau đó đã để mất hơn 1.000 hécta rừng. Phần lớn các dự án được tỉnh Đắk Nông cho thuê rừng, thuê đất, nhưng quá trình triển khai rừng không quản lý bảo vệ được, để mất rừng rồi mất luôn đất vì người dân xâm chiếm làm rẫy...

Từ thực tiễn cho thấy có nhiều nguyên nhân làm giảm diện tích rừng như lợi dụng chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp, khai thác rừng trái phép… 

Các chính sách quản lý về rừng, đất đai còn được lợi dụng theo kiểu lách luật khi giao dự án như chia nhỏ dự án dưới 1.000 hécta trong vùng chuyển đổi để dễ dàng thực hiện các thủ tục pháp lý. Nhiều doanh nghiệp được giao rừng khi tự khảo sát, lập dự án chuyển đổi đất rừng, sau đó để mất rừng và gây lãng phí đất đai, hoạt động không hiệu quả.

Có doanh nghiệp xin dự án để chuyển đổi rừng, sang nhượng dự án (bằng cách lách luật dưới dạng góp vốn đầu tư) nhằm trục lợi cá nhân chứ không thực sự phát triển dự án bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người dân tộc thiểu số tại chỗ như chủ trương của Chính phủ đề ra...

Đặng Ngọc Như
.
.
.