Viết tiếp vụ đất công ven sông Sài Gòn bị bán giá bèo:

Xin phép hợp tác để bán đất công làm dự án Phước Kiển

Chủ Nhật, 22/04/2018, 09:25
Ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh thống nhất yêu cầu hủy hợp đồng bán 32,4ha đất nông nghiệp ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, chiều 19-4, doanh nghiệp này đã có văn bản giải trình vụ việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh và cổ đông.


Theo ông Nguyễn Quốc Cường, người đại diện công bố thông tin của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, khu đất nông nghiệp mà doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận, DN 100% vốn của Văn phòng Thành ủy) là đất được đền bù không tập trung. 

Mặc dù ranh giới đất được xác định bám sát mặt sông rạch, nhưng ông Cường vẫn cho rằng, khu đất này còn loang lổ, không có mặt tiền và không có đường vào; doanh nghiệp phải tiếp tục đền bù các thửa đất còn lại của người dân. Tổng diện tích quy hoạch của khu đất này lên đến 50ha, gồm cả 32,4ha chuyển nhượng của Công ty Tân Thuận. 

Ông Cường khẳng định, khu đất trên không liên quan tới dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển (ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) có diện tích lên đến 91,6ha mà Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã được chấp thuận đầu tư từ trước đó.

Khu đất công được Công ty Tân Thuận bán với giá bèo vừa bị Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu hủy hợp đồng.

Quá trình Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận Trần Công Thiện “phù phép”, “hô biến” khu đất công sản trên cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai bắt đầu từ ngày 5-6-2017 khi 2 bên tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng. 

Hợp đồng chưa ráo mực, 2 ngày sau đó, 2 DN này đã tiến hành ký phụ lục hợp đồng đầu tiên. Tại phụ lục hợp đồng số 2 ký ngày 8-9-2017, Công ty Tân Thuận và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai thống nhất diện tích chuyển nhượng hơn 28,1ha với giá 1,29 triệu đồng/m²; tổng số tiền Quốc Cường Gia Lai phải trả cho Tân Thuận là hơn 363 tỷ đồng. 

Lý do chỉ chuyển nhượng 28,1 ha được 2 bên đưa ra cũng khiến nhiều người phải giật mình: Diện tích 4,35 ha còn lại chưa thể ký hợp đồng công chứng chuyển tên cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai là do bà Nguyễn Thị Kim Nga - nhân viên Phòng định cư của Công ty Tân Thuận đứng tên nhận chuyển nhượng của người dân cùng với 2 trường hợp do Công ty Tân Thuận hiệp thương đền bù. 

Như vậy, đặt trường hợp bà Kim Nga “xù”, không chịu sang tên để trả lại cho Công ty Tân Thuận hoặc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai mà đem bán hoặc thế chấp cho người khác, thì một phần diện tích đất công không nhỏ đã rơi vào tình cảnh khó có thể thu hồi. 

Sự việc này cũng khiến dư luận đặt vấn đề: Có hay không việc bà Kim Nga hay một cá nhân nào đó tự bỏ tiền đền bù để được nhận chuyển nhượng phần diện tích đất trên, sau đó đem bán lại cho một trong 2 công ty trên với giá cao?

Để chuyển nhượng khu đất trên, ngày 25-4-2017, Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận Trần Công Thiện đã có tờ trình Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty Tân Thuận về việc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đề nghị được hợp tác đầu tư xây dựng dự án khu dân cư Phước Kiển. 

Một ngày sau đó, cũng chính Tổng giám đốc Thiện thay mặt HĐTV có văn bản gửi Văn phòng Thành ủy và Phòng Quản lý đầu tư - Kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy, trong đó nêu ra một loạt các khó khăn như nếu muốn tiếp tục triển khai dự án có tổng mức đầu tư trên 6,5 ngàn tỷ đồng này, Công ty Tân Thuận phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu, tức hơn 1,3 ngàn tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu hiện tại của công ty chỉ còn 162 tỷ. 

Mặt khác, Công ty Tân Thuận còn phải tập trung vốn vào các dự án lớn khác như các khu dân cư thương mại Bình Hòa, Tân Phong, Tân Quy Đông… Do đó, HĐTV Công ty Tân Thuận cho rằng việc hợp tác với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai sẽ tạo nguồn lực tài chính để thực hiện dự án trên khu đất 32,4ha này.

Chỉ xin phép được hợp tác đầu tư, nhưng sau đó người đứng đầu Công ty Tân Thuận đã đàm phán việc chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với giá… bèo để lấy tiền. Do đó, dư luận có quyền hoài nghi rằng một mình ông Trần Công Thiện không thể tự tung tự tác nếu như không được hậu thuẫn của người khác. Hơn thế, trong vụ việc này, đơn vị quản lý trực tiếp đối với Công ty Tân Thuận là Phòng Quản lý đầu tư - Kinh doanh vốn không thể nói chuyện không biết sự việc hay không chịu trách nhiệm gì.

Không chỉ có vụ việc trên, Công ty Tân Thuận còn từng “hợp tác” với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tại khu 4 - Dự án khu dân cư ven sông Tân Phong (quận 7) mà thời điểm này, giá rao bán đất nền biệt thự đã ở mức từ 77 đến 100 triệu đồng/m². 

Theo văn bản của Sở Xây dựng gửi Công ty CP Quốc Cường Gia Lai vào ngày 21-12-2017, khu đất có diện tích hơn 11,9ha thuộc một phần của khu 4 - Dự án khu dân cư ven sông Tân Phong mới chỉ được Sở TN-MT thành phố cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Thuận vào ngày 7-8-2017. 

Đến ngày 13-12-2017, việc chuyển nhượng phần diện tích này từ Công ty Tân Thuận cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã được Văn phòng đăng ký đất đai thành phố cập nhật. 

Và trước đó, vào ngày 29-11-2017, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai có văn bản gửi Sở Xây dựng thành phố để thông báo về việc bán nhà hình thành trong tương lai đối với 725 căn hộ thuộc block A sẽ được xây dựng trên khu đất này nhằm mục đích huy động vốn từ người mua nhà để đầu tư xây dựng.

Chưa đề cập đến chuyện một DN quá yếu vốn như Công ty Tân Thuận nhưng lại được ưu ái giao quá nhiều đất để làm dự án, ngay cả khi Công ty Tân Thuận thực sự “mang” đất công đi hợp tác với một DN đang lâm vào tình trạng ngặt nghèo về vốn đã là việc không thể chấp nhận được. 

Hiện việc “hợp tác” này cũng đang bị dư luận nghi ngờ, đặt nhiều dấu hỏi. Câu hỏi đáng quan tâm nhất là Công ty Tân Thuận hợp tác thực sự hay bán đất cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, bán đất công với giá bao nhiêu? rất cần sớm được cấp thẩm quyền TP Hồ Chí Minh làm rõ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan

Liên quan đến vụ chuyển nhượng khu đất trên, ngay trong ngày 20-4, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khẩn trương tổ chức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp trực thuộc trong việc chuyển nhượng đất. 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm cũng như trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 8-5. 

Trước đó, ngày 18-4, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã họp khẩn và thống nhất yêu cầu Công ty TNHH MTV Tân Thuận đàm phán với công ty CP Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng. 

Căn cứ để Ban Thường vụ Thành ủy đưa ra yêu cầu này là việc ký kết hợp đồng đã không tuân thủ theo Quyết định số 1087-QĐ/TU ngày 31-3-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH một thành viên thuộc Đảng bộ thành phố.

PV

Bảo Sơn
.
.
.