"Đảo ngọc" Phú Quốc, ngày "nóng" đã qua?
- Giá đất Phú Quốc “nóng” dẫn theo nhiều vụ tranh chấp, lừa đảo
- Đảo ngọc Phú Quốc trước sự phát triển “nóng” của du lịch
- Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang): Thu hút nhiều dự án du lịch tầm cỡ
Bài 1: Ra đảo làm.... "cò"
Thế nhưng, chưa bao giờ “cơn sốt” lại lên đến đỉnh như thời điểm những tháng vừa rồi. Nguyên nhân một phần là do Phú Quốc đang được xem xét trở thành thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu); phần còn lại là do nhiều yếu tố khác.
PV Báo CAND đã đến Phú Quốc tìm hiểu được những gì tận tai nghe, tận mắt thấy liên quan đến “cơn sốt” và những động thái tích cực vừa qua…
Trước kỳ nghỉ lễ dịp 30-4 và 1-5 vừa rồi, chúng tôi quyết định trở lại Phú Quốc. Mới nghe nói dự định, một người bạn ở đảo này điện thoại cho chúng tôi, giục: “Các anh ra luôn và ngay nhé, ngoài này rất nhộn nhịp, giao dịch mua bán đất đai từ sáng đến đêm; nhà nhà, người người đi tìm đất cho khách, anh ra thì alô cho em sắp xếp đón anh”.
Nghe vậy, từ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi tức tốc đặt vé máy bay để ra Phú Quốc. Chuyến bay ngày cuối tuần không còn ghế trống. Khách du lịch đông nhưng người đi tìm cơ hội làm giàu từ đất tại “đảo ngọc” cũng không ít.
Khách ngồi hai ba hàng ghế cạnh chúng tôi rôm rả bàn tán việc mua bán đất. Không như chúng tôi phải tự bắt taxi để đến điểm hẹn, những người khách ngồi cạnh đều có “người nhà” đậu xe chờ sẵn.
Xe đón họ đều là những “con xe” hạng sang và mang biển số của nhiều tỉnh, thành, nhưng nhiều nhất lại là TP Hồ Chí Minh, vài ba chiếc tận Hà Nội, Hải Phòng. Tất cả nhanh chóng rời khỏi sân bay.
15 phút sau, chúng tôi đến văn phòng công ty người bạn nằm gần trung tâm thị trấn Dương Đông. Mặc cho cái nắng ngày đầu tháng tư trên đảo nóng hầm hập, nhưng nhân viên công ty và khách hàng gần như không mấy để ý tới mà chỉ chú tâm vào chuyện mua bán đất. Một không khí rôm rả, nhộn nhịp.
Đ., bạn tôi hẹn gặp lúc trưa, cùng đi ăn cơm nhưng rồi 12h, rồi 13h, 15h, chúng tôi vẫn phải lóng ngóng, sốt ruột. Hơn 16h, chúng tôi đành bước sang quán cơm gần đó ngồi chờ, nếu Đ. về ghé qua luôn.Văn phòng Công chứng số 2 trên đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc. |
Nhưng dường như không thể khác hơn, nên Đ. lại gọi điện xin lỗi do lại lỗi hẹn và chúng tôi đành ăn qua loa rồi tiếp tục ngồi chờ. Đến 21h30, chúng tôi mới gặp được Đ. Đ. xin lỗi trễ hẹn chỉ vì bị khách “níu” do đấy là tốp khách đến từ Hà Nội “mỗi lần đi, mỗi lần cực”.
Sáng hôm sau, chúng tôi đi cùng Đ ra gặp khách mà Đ đã hẹn trước tại một quán cà phê trên đường 30-4. Quán không rộng nhưng rất đông người dù mới sáng sớm. Điểm chung là khách bàn nào cũng nói toàn chuyện mua bán đất.
Bàn ngồi cạnh tôi có mấy người đang lúi cúi viết hợp đồng đặt cọc. Chị phụ nữ kêu thằng con trai chỉ khoảng 16 tuổi phụ đếm tiền và chất mấy “cây” tiền mới toanh ngay trên bàn cà phê.
Sau khi gặp trao đổi, khách có nhu cầu mua đất công để “lướt sóng” (cách gọi của dân Phú Quốc dành cho người mua đi, bán lại), chúng tôi theo bạn dẫn khách đi xem một số mảnh đất ở ấp Suối Đá, xã Dương Tơ. Mất cứng cả buổi, đội nắng, nhưng khách chưa đồng ý không phải vì giá mà do “hướng đất không hạp tuổi”.
Và cho tới chạng vạng tối hôm đó, chúng tôi đã giúp cho Đ. dẫn gần 10 khách đi xem rất nhiều chỗ nhưng chưa “chốt” được giao dịch nào.
Ngày hôm sau, chúng tôi và Đ dẫn 2 khách ở TP Hồ Chí Minh ra đi xem mua đất nền. Theo nhu cầu của khách, chúng tôi dẫn đi 4 nơi có đất nền chủ đang rao bán thuộc xã Hàm Ninh, Dương Tơ và Cửa Dương.
Sau khi đi xem một lượt, khách đồng ý mua mỗi người 2 nền ở xã Dương Tơ với giá 950 triệu/nền, khách đặt cọc mỗi nền 200 triệu, sau 30 ngày sẽ ra phòng công chứng làm thủ tục sang tên và trả đủ tiền. Ngay sau khi đặt tiền mua 4 nền trên, qua điện thoại, chúng tôi đứng cạnh bên nghe khách đã rao bán thành với giá 1,150 tỷ đồng/nền.
Thực ra, trước khi “giao dịch thành” qua giới thiệu của chúng tôi, 2 người khách này đã ra Phú Quốc được một tuần và thuê nhà ở để tìm mua đất. Họ cũng đã mua được 4 nền.
Chị Tr., tên của một trong hai người khách này thú thật: “Việc làm ăn ở Sài Gòn bề bộn lắm nhưng nghe nói đất ở Phú Quốc đang sốt nên tranh thủ ra đây mua để… lướt sóng, kiếm lời. Trước khi gặp tụi em, chị mua 2 nền trên đường 30-4 nối dài thuộc xã Dương Tơ với giá 1,4 tỷ/nền.
Chị mới đặt cọc 200 triệu thôi nhưng cũng vừa gạ mối bán được, lời được mỗi nền 200 triệu đồng. Giờ chỉ chờ tới ngày hoàn tất thủ tục trả đủ tiền".
Trao đổi với giới “cò” đất tại Phú Quốc, chúng tôi nhận ra điểm chung từ khách hàng, đó chính là không mấy người quan tâm đất mà họ đang quyết mua có nằm trong quy hoạch gì không, họ chỉ xem sơ đồ phân lô trên giấy là quyết định mua, đặt cọc ngay cho bên môi giới chứ không cần gặp chủ đất.
Họ tin lời “cò” và tới công đoạn sang tên, họ mới gặp chủ đất. Có rất nhiều trường hợp “lướt sóng” mấy lần mới ra công chứng làm thủ tục sang tên.
Thuê một chiếc xe máy, buổi chiều hôm đó, chúng tôi tìm đến chỗ anh bạn đang làm cơ sở hạ tầng cho khu phân lô bán nền ở ấp Bài Vòng, đường Đồng Tranh, xã Hàm Ninh.
Chỉ đứng lại ven đường khoảng 30 phút, chúng tôi thấy gần 10 xe ôtô dừng lại tìm, hỏi mua đất. Một người đi xe ôtô biển số An Giang, sau khi xem đất rộng khoảng 5.000m² và hỏi giá, bạn tôi nói 4,7 tỷ/công (1.000m²), người khách chỉ mặc cả 1 câu.
Qua trò chuyện khoảng 10 phút, khi bạn tôi chốt giá 4,6 tỷ đồng/công, người này có vẻ ưng ý và nói sáng hôm sau trả lời. Sáng hôm sau, qua điện thoại, người khách này nói ông đã đồng ý mua và đặt cọc 5 tỷ đồng, sau 15 ngày ra công chứng sang tên. Sau khi đặt tiền cọc, ông khách rao bán được với giá 5 tỷ đồng/công.
Lần đến Phú Quốc trước đó, đến chỗ nào, từ quán cà phê, quán nhậu, trong nhà, ngoài đường,… chúng tôi cũng nghe bàn tán rôm rả chuyện đất, chuyện “phất” nhờ đất. Câu chuyện trực tiếp hay qua điện thoại, tôi nghe phổ biến nhất vẫn là chủ đề này.
Cơn “sốt” đất cũng đã kéo nhiều người trở thành “cò”, có người hôm qua là công nhân vệ sinh, chạy xe ôm, hôm nay đã là “nhà môi giới” và đổi đời nhờ công việc này.
V., anh bạn tôi (ở thị trấn An Thới) trước khi thành “cò” là dân xây dựng; chị L (ở ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương) từng là người “ai thuê gì làm nấy”, giờ thì chị làm công việc của một “cò” khi luôn dán mắt vào màn hình, thông qua Zalo, Facebook, bấm gửi hình ảnh, chát chít liên tục về đất, giá đất cho người có nhu cầu.
Hôm gửi cho tôi xem hình ảnh mấy miếng đất ở khu vực Hàm Ninh, chị L hối thúc: “Em nói khách đến xem và đặt cọc nhanh chứ không là người khác mua mất”.
Trong những ngày đi làm “cò đất”, chúng tôi gặp nhiều người từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh,… về Phú Quốc làm “cò”. N. có thâm niên làm môi giới bất động sản ở Hà Nội hơn 10 năm, vừa vào Phú Quốc được 2 ngày cho biết, đất ở Hà Nội bão hoà rồi nên anh vào đây, chấp nhận xa vợ con một thời gian.
Còn H. đầy tự tin với công việc “cò” của mình tại đảo: “Xem quẻ nói số này muốn phất lên thì phải chịu khó đi xa. Phú Quốc là xa Bắc Giang lắm rồi còn gì…” (!).
Nhiều “cò” đến Phú Quốc “phất” nhưng cũng không ít “cò” bị mất tiền do “non” tay nghề. Anh Nh đến từ TP Hồ Chí Minh kể, sau 2 giao dịch thành, được huê hồng 40 triệu đồng, anh vừa phải móc tiền túi hơn số tiền đó… “Tôi giới thiệu 2 nền đất cho một người bạn quen biết cùng làm cò. Người bạn này dẫn khách tới xem và đồng ý mua đất, khách đặt cọc, đồng ý sáng hôm sau đến phòng công chứng hoàn tất thủ tục mua bán. Do không thỏa thuận rõ ràng, sáng hôm sau, người bán đất yêu cầu khách phải chồng đủ tiền vì hôm đó cũng là ngày mà người chủ đứng tên trên sổ đỏ bán cho chị này và chị ta muốn lướt sóng, kiếm chút chênh lệch. Khách không đồng ý và đòi lại tiền cọc vì khách nói mình cũng mua để lướt sóng thì phải cho thời gian dài. Trong khi đó, ngày hôm trước, khi đặt cọc xong, người bán đã chi tiền hoa hồng cho môi giới, tôi và người bạn đã chia đôi. Giờ người bạn không trả lại nên tôi phải móc tiền túi ra trả lại”. Nhiều “cò” sau thời gian cầm cự đã không chịu nổi do giá sinh hoạt khá đắt đỏ… |