TP Hồ Chí Minh sẽ đập bỏ xây mới hàng loạt chung cư cũ, hư hỏng
- Cơ chế mới để cải tạo chung cư sắp sập
- Phải kiên quyết di dời các hộ dân sống trong chung cư sắp sập
Sau chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, rằng không thể chấp nhận để người dân đánh đu tính mạng trong các chung cư chờ sập, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã xác định: Trường hợp đã vận động thuyết phục nhưng 10 hộ dân còn lại tại chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5 vẫn không chịu di dời, sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.
Đến nay, 10 hộ dân còn lại ở chung cư này đã chấp hành, sẵn sàng cho việc di dời. Tại một chung cư quá cũ khác là chung cư 350 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, người dân cũng đã bắt đầu hợp tác với chính quyền địa phương, khẩn trương thực hiện các bước cho di dời, giải tỏa để tránh nguy hiểm.
Ngoài 2 chung cư hỏng nặng trên, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ kiên quyết giải tỏa với một loạt chung cư sắp sập khác và đây cũng mở ra hướng giải quyết đối với một loạt chung cư cũ khác trên địa bàn. Như vậy, sau hàng chục năm cù cưa, người dân sống trong các chung cư hỏng nặng này sẽ phải chấp hành dứt điểm việc đập bỏ, xây mới để bảo đảm an toàn.
Nhìn lại cách giải quyết của ban bồi thường giải phóng mặt bằng các quận, huyện với người đã chấp hành di dời cũng có nhiều chuyện để nói. Bởi các cơ quan này liên tục có tình trạng lập phương án bồi thường theo kiểu “một đồng sợ tốn, bốn đồng thì không” hoặc chỉ nhắm vào việc ép giá bồi thường đối với người phải di dời. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người dân khiếu nại kéo dài, việc giải quyết dây dưa không dứt điểm.
Cảnh nhếch nhác tại một chung cư chờ sập. |
Cụ thể, ngay từ năm 2008, chính quyền quận 1 đã có phương án di dời giải tỏa chung cư hỏng nặng 289 Trần Hưng Đạo - 74 Hồ Hảo Hớn và khu nhà liền kề trong hẻm 277 Trần Hưng Đạo để đầu tư xây dựng cao ốc trung tâm thương mại – dịch vụ - văn phòng cho thuê. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 192 hộ dân tại đây được quận 1 chốt ở mức hơn 259 tỷ đồng.
Chỉ trong thời gian ngắn, chủ đầu tư đã chuyển hết số tiền phải bỏ ra chi trả cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 thực hiện chi trả, di dời các hộ dân để có mặt bằng làm dự án. Nhưng nhiều hộ dân dù đã nhận nhà tạm cư, tái định cư để dời khỏi chung cư này đã không đến nhận tiền bồi thường.
Lý do được người dân đưa ra là không đồng thuận với đơn giá đất để tính bồi thường với mặt tiền đường Trần Hưng Đạo chỉ có 34 triệu đồng/m2 và yêu cầu quận 1 đưa ra giá bồi thường theo giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.
Trước phản ứng của người dân, quận 1 đã phải thuê đơn vị tư vấn thẩm định lại giá đất ngay sau đó. Khi mức giá được tư vấn xác định cao gấp 4,5 lần, ở mức 152 triệu đồng/m2, chủ đầu tư cũng chỉ hỗ trợ thêm cho các hộ dân từ 6 – 28 triệu đồng/m2 nhà so với giá bồi thường trước đây nên đến nay vẫn còn một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, chưa được hỗ trợ về nhà ở do căn hộ tạm cư chỉ là nhận để ở tạm.
Song tiến độ xây dựng mới các chung cư cũ hư hỏng nặng vẫn còn rất chậm, chưa giải quyết được nhu cầu bức thiết của người dân đang cư ngụ ở các chung cư hỏng nặng này. Trong khi đó, do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp nên các DN và nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia.
Chẳng hạn, dù quy định cho phép các chủ sở hữu nhà chung cư được quyền lựa chọn doanh nghiệp BĐS làm chủ đầu tư dự án xây dựng lại chung cư cũ thông qua đại hội nhà chung cư. Phương thức này lại có nhược điểm là khó đạt được sự đồng thuận của tất cả các chủ sở hữu căn hộ chung cư, từ đó không đáp ứng được yêu cầu cấp bách để xử lý các chung cư bị hư hỏng nặng.
Hay như quy định khi các chủ sở hữu nhà chung cư hỏng nặng không lựa chọn được doanh nghiệp làm chủ đầu tư thì Nhà nước sẽ thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ để trực tiếp đầu tư xây dựng lại chung cư, hoặc đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các hộ dân trong chung cư…
Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng, cách làm này cũng mất rất nhiều thời gian bởi phải chờ đến khi nào các chủ sở hữu chung cư cũ không thể tìm được nhà đầu tư, chính quyền mới được phép vào cuộc, trong khi người dân hàng ngày vẫn cứ phải nơm nớp sống trong chung cư chờ sập.
Theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn có khoảng 474 chung cư cũ cần được kiểm định và có đến 106 chung cư, nhà tập thể đã bị xuống cấp nặng, trong đó có những chung cư đang trong tình trạng nguy hiểm như chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5, chung cư Cô Giang, quận 1, chung cư lô 4, lô 6 Thanh Đa, quận Bình Thạnh… vì vậy sắp tới thành phố sẽ di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư cũ với quy mô 10.000m2 sàn. Đồng thời, sẽ khởi công xây dựng mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương 901.696m2 sàn. |