Tp.HCM:

Phải kiên quyết di dời các hộ dân sống trong chung cư sắp sập

Thứ Hai, 15/08/2005, 14:46

Chiều 11/8, Sở Khoa học - Công nghệ Tp.HCM đã chủ trì cuộc họp với các nhà khoa học và các sở, ngành để tìm những giải pháp hữu hiệu nhằm phòng chống các thiệt hại về động đất. Cuộc họp này được triển khai ngay sau khi có đợt dư chấn động đất xảy ra tại Tp.HCM trong hai ngày 5 và 6-8.

Đợt tổng kiểm tra các chung cư cũ tại Tp.HCM bắt đầu được triển khai ngày 10/8, chủ yếu là 30 chung cư có nguy cơ cao về sập đổ và nằm trong danh sách giải tỏa. Theo ghi nhận của các tổ trong đoàn kiểm tra, các chung cư cũ đã xuống cấp không có ảnh hưởng lớn nào sau đợt dư chấn động đất vừa mới xảy ra. Như  chung cư Cô Giang (quận 1) được xem là bị ảnh hưởng nặng nhất, chủ yếu là một số hộ dân ở lầu 5 lô D thì thấy xuất hiện những vết nứt nhẹ. Đây là chung cư xây dựng trước năm 1975 và được xếp vào danh sách chung cư đang xuống cấp nặng. Chung cư Bình Trưng (quận 2) dù mới xây dựng xong năm 1997, không thể "kê" vào danh sách chung cư cũ nhưng cũng bị rạn nứt ở phần trần nhà và tường gạch ở một số căn hộ lô N1 và lô M2. Các vết nứt này đã có từ trước đó, và khi "tiếp nhận" dư chấn động đất, các vết nứt đã lộ rõ thêm.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng: Cơn chấn động nhẹ vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến các công trình cao tầng của thành phố. Nhưng đối với những chung cư đã quá cũ, đã có quyết định di dời dân thì tất nhiên chất lượng công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Với những chung cư này thì không cần chấn động cũng... sẽ sập.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đạt, chuyên viên cao cấp ngành xây dựng, lo lắng: Trên thực tế, có rất nhiều công trình chưa đảm bảo về chất lượng nền móng cũng như kết cấu xây dựng. Vì thế, trong điều kiện phát triển đô thị tại Tp.HCM, nhà cao tầng sẽ mọc lên ngày càng nhiều, chất lượng cần phải tính kỹ đến. Thành phố cũng cần tạo điều kiện để Sở Xây dựng kiểm tra chặt chẽ các đơn vị thiết kế, thi công công trình.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi xây dựng các công trình cao tầng việc tính đến những tác động của động đất để đảm bảo độ an toàn cho công trình hiện đang hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc cấp bách nhất hiện nay là UBND các quận, huyện và các ngành có liên quan phải nhanh chóng thuyết phục để di dời dân ra khỏi các chung cư trong diện nguy cơ cao về sập đổ. Bởi vì các chung cư này đã quá mục nát cộng với độ rung do đợt chấn động vừa qua có thể tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào

Thúy Hà
.
.
.