Cơ chế mới để cải tạo chung cư sắp sập

Thứ Sáu, 11/03/2016, 08:47
Hiện trên địa bàn TP HCM còn khoảng 200 chung cư cũ, phần lớn được xây dựng từ cách đây trên dưới 50 năm. Nhiều chung cư cũ khác đã bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có những chung cư đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm.


Riêng tại khu vực là quận 1 đã có 89 chung cư cũ nhưng quận này cũng mới chỉ tiến hành kiểm định được 6 chung cư và trình phương án di dời 1 chung cư cũ nhưng chưa được các sở, ngành của thành phố duyệt.

Trong buổi làm việc với chính quyền quận 1 ngày 4-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã chỉ đạo thí điểm việc để chủ đầu tư tự đàm phán với người dân và ràng buộc trách nhiệm của các sở, ngành liên quan của thành phố bằng cách chốt thời gian phê duyệt thực hiện dự án. Quá thời gian quận chờ đợi mà không được phê duyệt, nếu xảy ra sự cố sập, đổ chung cư cũ, trách nhiệm chính sẽ thuộc về các sở, ngành liên quan và UBND thành phố.

Thực tế cho thấy, chỉ để giải tỏa chung cư 289 Trần Hưng Đạo và chung cư 74 Hồ Hảo Hớn ở quận 1, từ cách đây 8 năm, chủ dự án đã tiến hành chi trả cho các hộ dân theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do chính quyền quận 1 phê duyệt. Ngoài tiền bồi thường, thành phố còn hỗ trợ thêm từ 6 – 26 triệu đồng/m² tùy vị trí cho các hộ dân. 

Nhưng kế hoạch đập bỏ để xây mới chung cư này vào năm 2010 đã không thể thực hiện mà còn kéo dài sang nhiều năm sau đó. Lý do khiến các hộ dân không đồng tình là bởi chung cư này được đập bỏ để giao cho doanh nghiệp xây trung tâm thương mại - dịch vụ - cao ốc văn phòng và căn hộ cao cấp nên việc bồi thường phải thỏa đáng. 

Một chung cư cũ chờ sập tại thành phố.

Do vậy, để đạt mục tiêu 5 năm sẽ xóa được các chung cư cũ như quyết tâm của TP Hồ Chí Minh, một số quận đã mạnh dạn đề xuất cơ chế bồi thường, hỗ trợ để giải tỏa các chung cư cũ trên địa bàn. Trong đó chính quyền quận 1 đã đưa ra cơ chế để nhà đầu tư tự đàm phán với người dân, tự quyết định giá bồi thường đề nghị thành phố cho làm thí điểm nhằm mục đích để người dân không phải phập phồng khi sống trong cảnh nhà chờ sập. Cách làm này đã được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh khuyến khích. Trước mắt địa phương này sẽ bố trí ngay ngân sách để kiểm định tất cả các chung cư cũ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Góp ý về việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, quy định của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định việc cho phép điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, tăng chiều cao công trình. Quy định này giúp làm tăng diện tích sàn xây dựng, tăng diện tích căn hộ. Song như vậy vẫn chưa đủ vì hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư dự án tháo dỡ chung cư cũ để xây mới vẫn bị hạn chế, khó thu hồi vốn đầu tư. 

Vì vậy ngoài các điều kiện trên, Hiệp hội BĐS thành phố cũng đề nghị cần bổ sung thêm tiêu chuẩn về tăng quy mô dân số trong các dự án xây mới chung cư cũ. 

Theo quy định hiện nay, người bị di dời, giải tỏa khỏi chung cư cũ sẽ được nhận suất tái định cư và được cấp chủ quyền nhà nhưng không được quyền chuyển nhượng trong một thời gian khá dài. Những hộ dân được nhận suất nhà ở tái định cư cũng không được chuyển nhượng suất tái định cư trên giấy. Điều này càng làm khó người dân bị giải tỏa khỏi các chung cư khi cứ phải dài cổ chờ nhận nhà tái định cư hoặc phải sống ở nơi không phù hợp điều kiện. 

Trong lúc, theo quy định pháp luật thì người sở hữu nhà tái định cư cũng phải có quyền định đoạt đối với căn nhà của mình. Suất nhà ở tái định cư cũng là "quyền tài sản" của người dân nên họ cũng phải được quyền định đoạt quyền tài sản đối với suất nhà ở tái định cư. Từ đó, Hiệp hội BĐS cũng đề nghị thành phố cho phép chủ sở hữu nhà ở tái định cư được bán, chuyển nhượng nhà ở tái định cư của mình; người sở hữu suất nhà ở tái định cư được quyền sang nhượng suất tái định cư theo nhu cầu.

Đ.Thắng
.
.
.