Hệ lụy từ những dự án 'treo'
- Dân khốn khổ vì dự án treo
- Tìm giải pháp xóa dự án treo để đảm bảo quyền lợi của người dân
- Được gia hạn, hàng trăm dự án treo, dự án chậm tiến độ tại TP Hồ Chí Minh vẫn gặp khó
- Khó thu hồi các dự án treo, vì sao?
Dự án bao gồm các hạng mục: Nhà hàng, khu văn phòng cho thuê, khu khách sạn 3 sao, khu trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí; khu nhà ở với các loại hình biệt thự vườn, biệt thự cao cấp gắn với nhà phố liền kề; khu dân cư; quảng trường, công viên… Theo dự kiến, sau 3 năm, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu” bỏ hoang khiến nhiều hộ dân trong vùng dự án không khỏi bức xúc.
Ông Đoàn Văn Đôn - một trong những hộ dân có đất nằm trong vùng dự án cho biết, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông đã hết hạn từ năm 2010 nhưng đến nay chưa đổi lại được. Lý do mà lãnh đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường thị xã Gia Nghĩa đưa ra là đất thuộc diện giải tỏa trong vùng dự án.
“Khi có quy hoạch dự án, chúng tôi chấp nhận giải tỏa theo quy định, nhưng vì dự án chậm triển khai, mọi quyền lợi của người dân liên quan đến quyền sử dụng đất cũng bị “treo” theo dự án. Giờ muốn đổi sổ đỏ không được, sang nhượng, cho tặng, thế chấp ngân hàng cũng không xong. Vậy “quyền” sử dụng đất của gia đình tôi là gì?”, ông Đôn bức xúc.
Dự án Khu du lịch sinh thái thác Trinh Nữ, huyện Cư Jút bị bỏ hoang trong nhiều năm qua. |
Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Trọng đã bị xuống cấp trầm trọng nhiều năm qua nhưng không được quyền sửa chữa bởi đất đai, nhà cửa của ông đều nằm trong khu vực giải tỏa.
“Nhà cửa thì xuống cấp nhưng lại không được sửa chữa, giá đền bù từ năm 2010 đến nay vẫn không tăng, dự án thì không thấy triển khai… khiến gia đình tôi đi cũng không được, ở cũng không xong. Nếu như trong thời gian tới, gia đình được đền bù thì cũng không có tiền để mua đất, bởi giá đất thị trường từ năm 2010 đến nay đã tăng lên hàng chục lần. Trong khi đó giá đền bù Nhà nước vẫn áp dụng từ năm 2010”, ông Trọng lo lắng cho biết.
Theo số liệu thống kê, riêng trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa hiện có 16 dự án hạ tầng đô thị, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, nông nghiệp công nghệ cao… đã được quy hoạch với tổng diện tích trên 700ha. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này chỉ được triển khai dở dang hoặc chưa triển khai, thậm chí nhiều dự án đã để “treo” từ 3 đến 5 năm.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Đình Ninh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa cho biết, việc quy hoạch các dự án nhằm xây dựng cảnh quan, môi trường đô thị, thu hút đầu tư vào thị xã là hết sức cần thiết bởi đô thị Gia Nghĩa là một trong những đô thị non trẻ, mới được thành lập.
“Tuy nhiên, thời gian qua, việc nhiều dự án triển khai ì ạch, kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Trước thực trạng trên, UBND thị xã đã có kiến nghị lên UBND tỉnh sớm thu hồi các dự án chậm triển khai thực hiện nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, sản xuất”, ông Ninh nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đắk Nông cho rằng, các nhà đầu tư không triển khai, thực hiện dự án và để quá thời hạn quy định là vi phạm Luật Đầu tư. Việc thu hồi chủ trương đầu tư các dự án trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư khác và đảm bảo để người dân ổn định cuộc sống là hết sức cần thiết.
“Hiện Sở Kế hoạch - Đầu tư đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, tổng hợp các dự án chậm triển khai tại thị xã Gia Nghĩa để kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi, chấm dứt tình trạng quy hoạch “treo” gây khó khăn cho cuộc sống của người dân”, ông Quang cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện UBND tỉnh đã nhận được văn bản của 2 đơn vị là Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiến nghị, xem xét thu hồi 20 dự án đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản… chậm triển khai trên địa bàn tỉnh.
“Từ nay đến cuối tháng 10/2015, tỉnh sẽ tổ chức một cuộc họp để nghe các sở, ngành liên quan, các nhà đầu tư báo cáo cụ thể lần cuối về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính… rồi mới có quyết định cụ thể đối với từng dự án. Tỉnh sẽ kiên quyết loại bỏ các dự án “treo” nhằm tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư khác đầu tư vào Đắk Nông”, ông Bốn khẳng định.