Để hạ nhiệt cơn sốt giá đất ảo tại TP HCM: Mạnh tay xử lý “cò đất”

Thứ Ba, 23/05/2017, 09:49
Để chặn cơn sốt đất nền đang lan rộng, trong cuộc họp tìm giải pháp kiểm soát giá đất nền mới đây, lãnh đạo TP HCM đã giao Công an TP tiến hành điều tra, xử lý đối tượng “cò đất” có hành vi đồn thổi, tung tin thất thiệt để mua đi bán lại nhằm trục lợi.

Đến thời điểm này, mặc dù Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - ông Lê Văn Khoa đã chính thức lên tiếng rằng thành phố chưa có kế hoạch nào để chuyển các huyện Bình Chánh, Hóc Môn thành quận, nhưng một số “cò đất” hoạt động ở khu vực các xã Vĩnh Lộc A, B của huyện Bình Chánh hay xã Bà Điểm của huyện Hóc Môn… khi dẫn khách xem đất vẫn quả quyết rằng các xã này giáp quận Tân Phú, Bình Tân và quận 12, nên sớm muộn gì cũng lên quận.

Lý do để giới “cò đất” bẫy được người mua, theo “cò” H., năm ngoái khi việc thay đổi địa danh hành chính được nhắc đến, đã có một số ý kiến đề cập đến việc nâng cấp các huyện ngoại thành trên thành quận. 

Người mua đất nền càng có cơ sở tin tưởng “cò” hơn khi thông tin từ phía chính quyền đưa ra là dân số các xã sát nội thành như Bình Hưng, Vĩnh Lộc A và B của huyện Bình Chánh hay một số xã của huyện Hóc Môn đã đạt tới con số trên dưới 100 ngàn dân, bằng gần một nửa dân số của quận nhỏ nhất thành phố nên sẽ sớm phải tính đến mô hình quản lý phù hợp với các xã đông dân vùng ven này… 

Đất nền xen kẽ trong các khu dân cư ở vùng ven và ngoại thành TP Hồ Chí Minh vẫn tăng chưa có điểm dừng.

Tiếp đến là thông tin thành lập các đô thị vệ tinh theo mô hình thành phố trong thành phố, ngay từ khi định hướng thành lập chính quyền đô thị của thành phố được đặt ra cách đây vài năm, mô hình trên đã được nêu ra. Song thật đáng tiếc, trong một thời gian dài, thành phố và các quận, huyện không công bố rõ các định hướng trên có được thực hiện hay không, bao giờ làm… để người dân nắm, tránh để “cò đất” lợi dụng.

Kiến nghị với Bộ Xây dựng và thành phố cùng các cơ quan quản lý về giải pháp hạ nhiệt giá chuyển nhượng đất nền ở vùng ven, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) thành phố cũng đã xác định: Nguyên nhân chính dẫn đến cơn sốt giá đất nền ở các quận ven và huyện ngoại thành, ngoài chuyện “ăn theo” hạ tầng ở một số nơi, còn do tình trạng các quận, huyện và thành phố để tin đồn không chính thống, truyền miệng diễn ra trong một thời gian dài. 

Hiện tượng này đã không được định hướng kịp thời, hiệu quả để dập cơn sốt đất hoành hành.

Đất nền vùng ven ngày càng khan hiếm trong lúc nhu cầu chuyển nhượng còn rất lớn, nên chỉ cần những thông tin về phát triển hạ tầng trong tương lai xa, thậm chí là rất xa (như: Tập đoàn Vingroup đã được xem xét giao đầu tư dự án Công viên động vật bán hoang dã Safari quy mô 400ha tại Củ Chi; dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ với quy mô rộng đến 2.000ha sắp được triển khai; Tập đoàn Tuần Châu đề xuất đầu tư dự án đại lộ ven sông Sài Gòn với chiều dài khoảng 60 km, rộng 4 - 6 làn xe nối từ Bến Súc của huyện Củ Chi qua huyện Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh để về quận 1. 

Hoặc dự án thành phố mới tại huyện Củ Chi với quy mô trên 15.000ha; dự án thành phố ven biển Marina City quy mô khoảng 1.000ha tại huyện Cần Giờ...), chẳng cần biết các dự án này có được thành phố và trung ương cho làm hay không, giới đầu nậu và “cò đất” đã vịn vào đó để ra tay mua trước rồi thổi giá chuyển nhượng tăng vọt, bất kể đó là đất trồng lúa hay đất vườn. 

“Cò” trục lợi chỉ bằng những thông tin ảo như vậy, nhưng phản ứng của thành phố và các quận huyện trong việc minh bạch thông tin về các dự án trên lại quá chậm. Giá đất nền bị đẩy giá lên từng ngày đã khiến không ít người dân thực sự có nhu cầu mất cơ hội.

Anh Thành, một công nhân ở trọ tại Hóc Môn than vãn, vợ chồng anh tích cóp nhiều năm, cuối năm ngoái tính mua căn nhà cấp 4 diện tích gần 50m² ở xã Đông Thạnh với giá 450 triệu đồng, nhưng do chưa huy động đủ tiền. Đùng một cái, sang đầu năm nay giá đất tăng vùn vụt, căn nhà trên giờ đã được “cò” rao 750 triệu đồng nên cơ hội mua nhà của vợ chồng anh ngày càng vời xa.  

Về giải pháp để hạ nhiệt sốt ảo giá đất nền ở thành phố hiện nay, Hiệp hội BĐS và đại diện nhiều DN hội viên đã đề nghị thành phố sớm chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương trình các dự án “khủng” trên để được xét duyệt và sớm công bố kết quả cho người dân nắm rõ thông tin, tránh bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng đẩy giá đất nền. 

Việc quy định lại diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa cũng cần được xem xét lại, làm sao để vẫn tạo điều kiện cho các hộ gia đình đông người có nhu cầu tách thửa. Nhưng cũng phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh để giới đầu nậu và “cò đất” lợi dụng thực hiện tách thửa, phân lô bán nền tràn lan. 

“Hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh BĐS nên phải đăng ký kinh doanh và có vốn pháp định. Do đó thành phố cần tăng cường kiểm soát hoạt động này của giới đầu nậu, cò đất”, ông Minh, đại diện một DN làm dự án BĐS lưu ý.

Tham gia “hiến kế” hạ sốt giá đất nền, ông Phạm Lâm, chuyên gia bất động sản tại TP Hồ Chí Minh cho rằng cần thiết lập một kênh thông tin chính thức về quy hoạch, phát triển hạ tầng. “Việc sử dụng các thông tin quy hoạch, hạ tầng là chuyện bình thường trong thị trường bất động sản. Tuy nhiên, những thông tin xuất hiện dồn dập, trong thời gian quá ngắn, dẫn đến kỳ vọng của những người đầu tư cá nhân cao. Dựa vào kỳ vọng từ khách hàng, những người đang nắm giữ quỹ đất tìm nhiều cách làm giá tăng, gia tăng lợi ích. Giá đất được đẩy lên cao, không ai kiểm soát được”, ông Lâm nói.

Lấy ví dụ như thông tin có chủ trương làm cầu Cát Lái khiến giá đất “nhảy” lên đến gấp đôi (phía Đồng Nai), trong khi thông tin thời gian khởi công dự án đến nay vẫn mù mịt, ông Lâm cho rằng thông tin chính thống từ cơ quan nhà nước hết sức quan trọng.

Để “cò đất” không thể “thổi” giá tạo “sốt”, việc công bố thông tin phải từ nguồn chính thống, rõ ràng, không để người dân hiểu sai. Với các “siêu dự án”, phải nói cho người dân hiểu buộc phải trải qua bao nhiêu bước và hiện giờ đang ở bước nào, cấp thẩm quyền có chấp thuận hay không. 

Và khi có chủ trương mới, cần công bố thông tin kịp thời, rộng rãi, thông qua kênh thông tin chính thống để người dân không bị “sập bẫy” bởi “cò đất”.

Bảo Sơn
.
.
.