Dư luận quốc tế bám sát Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII
- Truyền thông quốc tế nêu bật tầm quan trọng của Đại hội Đảng XII
- Báo chí Cuba giới thiệu các chủ đề chính của Đại hội Đảng lần thứ XII
- Gần 700 phóng viên đưa tin về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII
Một trong những vấn đề thu hút sự chú ý hàng đầu là các chính sách kinh tế và triển vọng phát triển của Việt Nam trong những năm tới. Truyền thông quốc tế cho rằng, người dân Việt Nam đang kỳ vọng cao vào sự thành công của Đại hội Đảng lần này.
Trong số báo ra ngày 21-1, tờ báo chính luận lớn của Nga Vedomosti đã có bài viết nhấn mạnh Đại hội Đảng XII có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự phát triển trong tương lai của Việt Nam. Vedomosti dẫn các văn kiện của Đại hội cho biết, Đại hội lần này tập trung vào các mục tiêu chính như “đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố phát huy sức mạnh của nhân dân và dân chủ xã hội chủ nghĩa”.
Mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô còn tương đối khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ phát triển kinh tế khá cao, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt tăng trưởng đều trong 5 năm qua.
Theo bài báo, trong hơn 1 tuần làm việc, các đại biểu sẽ đánh giá, tổng kết 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, xem xét việc thực hiện nghị quyết Đại hội khóa XI, đồng thời vạch ra phương hướng, nhiệm vụ ưu tiên cùng mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn 2016 - 2020. Cũng với tinh thần này, tờ Thời báo Kuwait cũng đưa ra các đánh giá, nhận định về định hướng phát triển của Việt Nam sau Đại hội Đảng lần thứ XII.
Chuyên trang Việt Nam Resumen Latinoamericano (trái) và Tân Hoa xã đưa tin về Đại hội Đảng XII. |
Theo Thời báo Kuwait, Việt Nam được đánh giá cao về mức độ ổn định chính trị. Trong 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế đang được tăng cường và phát huy hiệu quả. Việt Nam gần đây đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 185 quốc gia, ký hơn 90 thỏa thuận thương mại song phương.
Với những thành tựu như vậy, Việt Nam mong muốn hướng tới một bước ngoặt ý nghĩa với Đại hội Đảng XII, tiếp tục thúc đẩy sự hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết trong ASEAN và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do mới.
Trong khi đó, từ châu Mỹ xa xôi, tờ Resumen Latinoamericano của Argentina đã ra chuyên trang Việt Nam gồm 4 bài viết và ảnh để đưa tin về Đại hội Đảng XII. Tờ báo nêu rõ Đại hội Đảng XII là đại hội của tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và quyết tâm thúc đẩy toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững.
Theo Resumen Latinoamericano, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định duy trì vai trò trung tâm của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ chủ quyền, thu hút mọi nguồn lực phục vụ phát triển.
Liên quan tới vấn đề lựa chọn Ban lãnh đạo mới để lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới, gồm các vị trí Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, hãng thông tấn AP của Mỹ đã có bài viết, trong đó chỉ ra rằng, Ban lãnh đạo kế tiếp của Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định tốc độ cải cách của nền kinh tế Việt Nam, vốn đã thu hút nhiều khoản đầu tư nước ngoài và thiết lập nên một thị trường chứng khoán non trẻ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp ba lần trong 10 năm qua, lên 2.100USD.
Cùng chủ đề, trong bài viết mang tựa đề “Người dân Việt Nam kỳ vọng cao vào ban lãnh đạo mới được bầu ra tại Đại hội Đảng”, Hãng Thông tấn Trung ương Trung Quốc (Tân Hoa xã) nhận định, “Đại hội Đảng XII là một sự kiện chính trị thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và người dân Việt Nam đang rất kỳ vọng vào ban lãnh đạo mới được bầu ra tại Đại hội Đảng lần này. Những người được hỏi đều mong muốn sống trong một đất nước hòa bình và hạnh phúc. Họ đang mong đợi Đại hội Đảng XII sẽ lựa chọn ra những nhà lãnh đạo tài năng, giúp đất nước phát triển sánh ngang với các nước phát triển khác trong khu vực cũng như trên thế giới”. Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Theo đó, Việt Nam nên tận dụng thời cơ hiện nay để trở thành trung tâm xuất khẩu hàng đầu châu Á. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng, nếu đạt được các mục tiêu về GDP bình quân đầu người và tăng trưởng GDP đạt 7%/năm trong giai đoạn 5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tờ Thời báo Nhật Bản thì chỉ ra rằng, dự thảo mới nhất của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới của Việt Nam thừa nhận tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, kêu gọi đẩy nhanh tiến trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và bài trừ tham nhũng. Các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam cần đưa ra kế hoạch đáp ứng các yêu cầu trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các hiệp định thương mại mới với Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc.
Cũng liên quan tới vấn đề này, trong bài viết ra ngày 21-1, tờ Les Echos của Pháp cho biết Đại hội Đảng XII sẽ xem xét, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam trong 5 năm tới, với lộ trình gồm nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 3.200 - 3.500USD/năm vào năm 2020, duy trì lạm phát dưới ngưỡng 5% và thâm hụt ngân sách không vượt quá 4% GDP. Thị trường tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài do Việt Nam không chỉ đã gia nhập WTO mà còn đã ký kết TPP. Tuy nhiên, Les Echos cho rằng TPP chỉ thực sự đem lại lợi ích nếu Việt Nam nỗ lực để thích ứng.
Về phía các chuyên gia, chuyên gia Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định, sau Đại hội Đảng XII, chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục gắn liền ba vấn đề: Tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế và tăng cường khả năng quốc phòng. Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hội nhập với thế giới, trong đó hội nhập kinh tế là ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế châu Á – Thái Bình Dương Rajiv Biswas của tổ chức tư vấn tài chính IHS Global Insight nhận định, Ban lãnh đạo sắp tới của Việt Nam cần nắm bắt cơ hội hiện nay để biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu quan trọng của châu Á, trong đó, việc tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế và nâng cao khả năng của nền kinh tế cạnh tranh là rất quan trọng.