Đổi mới tư duy-Dấu ấn đột phá trong cải cách và hoàn thiện thể chế

Chủ Nhật, 24/01/2016, 07:43
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, một trong những thành quả lớn nhất của 30 năm Đổi mới là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều này đã làm thay đổi diện mạo đất nước, thay đổi toàn bộ hoạt động kinh tế và là động lực đưa Việt Nam phát triển. Từ năm 1986, Việt Nam thực hiện một loạt cải cách về thể chế. Đơn cử như sau khoán 100, có khoán 10. Tiếp đó, có Nghị quyết 16 về đổi mới cơ chế sản xuất của các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh. Nghị quyết này đã góp phần quan trọng khẳng định vai trò của kinh tế ngoài quốc doanh, từ đó nhen nhóm việc Nhà nước công nhận thành phần kinh tế tư nhân, hộ gia đình, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần. 

Tiếp đó là Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, rồi sau này là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư chung… là những dự luật có ý nghĩa quan trọng đối với cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam, tạo động lực rất lớn cho sự phát triển của đất nước.

Việt Nam đã có bước tiến dài trong hội nhập. ảnh Internet.

Trong cải cách thể chế, xuyên suốt các quy định của Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp 1999, 2005, rồi 2014; đã có sự đột phá mạnh mẽ trong các luật này, khi Việt Nam chuyển từ doanh nghiệp (DN) chỉ được kinh doanh những gì mà Nhà nước cho phép, sang được làm những gì mà DN đăng ký và được Nhà nước chấp nhận, và đến năm 2015, là được làm những gì mà luật pháp không cấm. Đây là bước tiến rất mạnh mẽ, thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam. Trong đó, Luật Doanh nghiệp 2014 có nhiều thay đổi mang tính cách mạng về quyền tự do kinh doanh, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động kinh doanh của DN và người dân, cải cách thủ tục hành chính, con dấu, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, dễ dàng trong tái cơ cấu DN. Luật Đầu tư 2014 được dư luận đánh giá đã góp phần hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khung khổ pháp lý, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư và tạo sân chơi bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn FDI, phục vụ mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ mới. Những thay đổi lớn này sẽ là cơ sở thực hiện đầy đủ trên thực tế quyền tự do kinh doanh của người dân và DN theo Hiến pháp năm 2013, giảm đáng kể rủi ro thương mại và pháp lý, giảm chi phí giao dịch, tăng độ an toàn và chủ động, khuyến khích tối đa sức sáng tạo của DN, qua đó tạo điều kiện cho DN tận dụng tối đa tiềm năng, cơ hội kinh doanh để phát triển. Những cơ chế, chính sách đột phá đó đã tạo nền tảng pháp lý thông thoáng cho khoảng 600.000 DN đang hoạt động, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những dấu ấn đậm nét nhất của đường lối mở cửa, hội nhập, chính sách thu hút FDI đã khơi thông dòng chảy vốn đầu tư, tạo điều kiện để hàng chục ngàn nhà đầu tư nước ngoài tham gia kinh doanh tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt, nhưng lại ngày càng kém cạnh tranh hơn, trong khi ngày càng hội nhập mạnh mẽ. Trong hội nhập mà cạnh tranh kém thì sẽ thất bại, do vậy, phải tiếp tục đổi mới. Việt Nam phải cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới bằng năng suất lao động, bằng đổi mới khoa học - công nghệ, chứ không thể chỉ bằng lao động giá rẻ, tài nguyên như trước. Do vậy, Việt Nam phải cải cách thể chế kinh tế. Cải cách thể chế kinh tế để nguồn lực được phân bổ hợp lý hơn, để kinh tế thị trường thực hiện đầy đủ hơn, để Việt Nam thoát được bẫy thu nhập trung bình.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, công tác cải cách thể chế, nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới để đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN. Theo đó, một môi trường kinh doanh lành mạnh không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn. Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.

Trong cuộc gặp mặt báo chí đầu năm 2016, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương, các hiệp định thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP, do vậy, muốn phát triển thì phải đặt mình trong môi trường chung của thế giới chứ không phải chỉ trong khu vực. Đã chấp nhận cuộc chơi, Việt Nam phải cải cách, nếu không Việt Nam sẽ bị tụt hậu. Hiện, năng suất lao động của Việt Nam thua họ nhiều lần, đó là tụt hậu. Năng suất xét cho cùng là yếu tố quan trọng nhất trong mọi thời đại. Chúng ta đã nhìn thấy năng suất lao động của Việt Nam thấp, chúng ta đã tụt hậu so với họ. Do vậy, khi mình đang đi chậm lại thì phải tìm ra nút thắt, xem mình đang ở đâu so với các quốc gia trong khu vực cùng điều kiện, để từ đó xây dựng định hướng phát triển mới, các giải pháp để khơi dậy mọi nguồn lực trong xã hội để cải cách thể chế, đổi mới kinh tế, đưa đất nước tiến xa hơn trong giai đoạn tới.

Lưu Hiệp
.
.
.