Người không đi theo lối mòn

Thứ Tư, 27/03/2019, 11:05
Trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh, có một người khá đặc biệt, đó là Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Thuyết, 29 tuổi, Trưởng phòng OCSCloud (Trung tâm Nghiên cứu OCS, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông Quân đội).


Đặc biệt bởi là quân nhân nhưng Thuyết lại được vinh danh ở lĩnh vực lao động sản xuất. Anh cũng là một trong 10 người được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2018.

Chuyện trở thành “người Viettel” của Trần Văn Thuyết hoàn toàn là sự tình cờ. Năm 2013, Thuyết tốt nghiệp Kỹ sư Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội và bước chân vào Viettel sau khi liều đi phỏng vấn cho vui chứ không nghĩ sẽ làm việc tại đây. 

Bởi theo Thuyết, lúc đầu anh không mấy thích thú với Viettel. Bởi trong hình dung của Thuyết, đó là môi trường quân đội, quá nghiêm khắc và “phải dậy tập thể dục từ 3 giờ sáng”. Thế nhưng, câu chuyện của Thuyết đã rẽ sang một hướng khác khi những người phỏng vấn đã giới thiệu cho Thuyết nhiều thứ về Viettel trong đó có mảng sản xuất thiết bị - điều Thuyết rất thích.

Vào Viettel, Thuyết được bố trí ở dự án OCS (hệ thống tính cước theo thời gian thực). “Tôi học chuyên toán, vốn tính thích toán, lại được đưa vào dự án này nên thấy mình có vẻ may mắn”, Thuyết chia sẻ về cơ hội của mình tại công ty.

Trung úy Trần Văn Thuyết.

Tại Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, từ năm 2015, Thuyết được chọn là một trong 20 thành viên tham gia vào dự án Hệ thống tính cước theo thời gian thực (Online Charging System-OCS). Hiểu một cách nôm na thì Thuyết và các cộng sự có nhiệm vụ xây dựng phần mềm lưu trữ toàn bộ tri thức của nhà mạng, giúp vận hành tập đoàn hiệu quả mà không phải phụ thuộc vào cung cấp của đối tác nước ngoài.

Theo Thuyết, nếu xây dựng thành công thì dự án sẽ giúp Viettel chủ động chiến lược kinh doanh, đưa ra các loại hình dịch vụ, các gói cước, chính sách giá và thông tin về khách hàng phù hợp mà không bị phụ thuộc vào đối tác, tiết kiệm cho Viettel được hàng chục tỷ USD.

Thuyết kể, khi biết Viettel triển khai dự án này, nhiều người trong ngành và cả các chuyên gia đã nghi ngại và khuyến cáo rằng, khó mà có thể triển khai được vì ở các “ông lớn” truyền thông trên thế giới, những dự án tương tự như thế này cần 1.000-2.000 kỹ sư và phải làm ròng rã trong nhiều năm. Việc Viettel đưa 20 kỹ sư công nghệ thông tin vào một dự án quy mô lớn là quá trình “bơi ngược” xu thế, rất khó thành công.

Thế nhưng, bất chấp những nghi ngại từ đối tác, từ dư luận, Trần Văn Thuyết và những kỹ sư trong nhóm vẫn tiến lên với tâm thế và niềm tin “nhóm nhỏ làm việc lớn” và “người Việt Nam làm được” nhưng với xuất phát điểm còn con số 0. Bắt tay vào dự án, một giải pháp tổng thể, định hướng cho hệ thống OCS nhanh chóng được phác thảo. 20 thành viên đầu tiên của dự án tự chia nhau giải quyết các phần việc nhỏ hơn. Các mốc thực hiện cũng được đặt ra nhằm giúp dự án không chệch hướng hoặc bị chậm.

Sau 2 năm ăn ngủ cùng dự án, Hệ thống tính cước theo thời gian thực đầu tiên của Việt Nam - phiên bản vOCS 1.0 đã thành hình và được vận hành tại một thị trường quốc tế của Tập đoàn Viettel. Tiếp đó, Thuyết và cộng sự tiếp tục đặt ra mục tiêu nâng hiệu năng của vOCS từ dung lượng 1 triệu đầu số/site lên 5-8 triệu đầu số/site. Thế là việc tối ưu hệ thống nhằm giảm tỷ lệ lỗi cũng được thực hiện gấp rút. 

Trung úy Trần Văn Thuyết được tuyên dương là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2018.

Sau quá trình tối ưu hóa, vOCS 2.0 cũng ra đời nhưng điều đáng buồn là nó chưa đạt được các vấn đề về kỹ thuật hoàn chỉnh. Thế nên, 8 triệu đầu số thuê bao trong nước đã được công ty mẹ cho phép triển khai thử nghiệm lại bị chính người Viettel nghi ngại về tính hiệu quả nên bị dừng. Đáng buồn hơn cả là vOCS 2.0 cũng mất luôn cơ hội trúng thầu tiềm năng có thể được triển khai tại Cameroon.

Thuyết nhớ lại cảm xúc bị nếm đòn thất bại: “Đây là lần đầu tiên nhóm mang sản phẩm của mình đi giới thiệu với Tổng công ty đầu tư quốc tế Viettel chuẩn bị triển khai tại Cameroon. Cả nhóm rất hào hứng chờ đợi sự phản hồi về sản phẩm nhưng bị “dội một gáo nước lạnh” vì nhận được phản hồi “không đủ điều kiện để thay thế của đối tác nước ngoài”.

Sau hơn một tuần dài làm việc trong chán nản, một số thành viên trong đội dự án của Thuyết đã ra đi và nhiều thành viên mới gia nhập. Thuyết kiên trì ở lại và tiếp tục cùng với 30 kỹ sư trẻ, chủ yếu là những người tuổi 9x bắt tay vào phát triển vOCS 3.0. Anh và cộng sự được yêu cầu không đọc tài liệu cũ mà chỉ nghiên cứu tài liệu mới. Trong quá trình phát triển tiếp theo, Thuyết không thể nhớ mình và các đồng nghiệp đã thất bại bao nhiêu lần.

Thế rồi, sau những ngày đằng đẵng say mê với công việc, kết quả là, tháng 4-2017, sau hơn 4 tháng triển khai, hệ thống tính cước của đối tác đã được cắt chuyển thành công sang vOCS 3.0 với quy mô 90 triệu thuê bao. Từ đây, giấc mơ làm chủ “trái tim hệ thống viễn thông” của người Viettel đã trở thành hiện thực.

vOCS 3.0 do Trần Văn Thuyết và các kỹ sư Viettel phát triển thành công có dung lượng 24 triệu đầu số/site, đây là hệ thống OCS lớn nhất thế giới (dung lượng lớn nhất từng triển khai thành công trước đó là 12 triệu đầu số/site). Hiểu một cách đơn giản, “trái tim viễn thông” của Viettel chạy nhanh hơn của các đối tác nước ngoài, với khả năng xử lý những bài toán phức tạp thành đơn giản tốt hơn.

Thuyết tiết lộ, với sản phẩm vOCS 3.0, Viettel đã có thể giải quyết bài toán chia sẻ tài khoản trong gia đình. Người dùng không cần mua thẻ nạp cho từng tài khoản thiết bị hay bức xúc với việc nhiều nhân viên tới thu tiền. 

Tất cả các dịch vụ viễn thông sẽ được tính chung trong một tài khoản và chỉ cần trả tiền 1 lần. Nhưng quan trọng hơn, tất cả các chính sách, chiến lược kinh doanh sẽ được triển khai nhanh hơn trước rất nhiều do Viettel đã làm chủ hoàn toàn hệ thống tính cước. 

Tính ra, với sản phẩm này, Viettel đã tiết kiệm được khoảng 70 triệu USD chi phí đầu tư, chưa kể các phần vận hành sau này. Hiện tại, Viettel đã triển khai hệ thống vOCS mới tại 6 quốc gia (trong đó có Việt Nam) và sẽ áp dụng tiếp ở các thị trường còn lại trên thế giới.

Với chủ trương tạo ra khác biệt trong chiến lược kinh doanh, hệ thống vOCS cho phép Viettel có cơ sở và mạnh dạn bước ra hội nhập sâu với thị trường viễn thông quốc tế, cạnh tranh với hàng nghìn nhà mạng khác trên thế giới. Đối với Thuyết và cộng sự, niềm vui lớn nhất là “đứa con tinh thần” đã vinh dự được trao tặng giải Bạc IT World Award 2017. Thuyết nói: “Khi áp dụng OCS 3.0 do Viettel phát triển, khách hàng sẽ có trải nghiệm tốt hơn khi sử dụng dịch vụ. Họ sẽ tin tưởng Viettel hơn, và đó chính là điều mà chúng tôi mong mỏi khi dành nhiều năm phát triển sản phẩm này”.

Trong câu chuyện với tôi, Thuyết hồ hởi chia sẻ rằng để đưa ra một dịch vụ công nghệ thông tin hoàn hảo và được người dùng chấp nhận thì rất cần thời gian, niềm say mê và sự sáng tạo của một tập thể dám nghĩ, dám làm, không đầu hàng thất bại. Thật vậy, hệ thống tính cước theo thời gian thực mà Viettel đang áp dụng hiện nay và số tiền tiết kiệm trị giá hơn 300 tỷ đồng cho Viettel là minh chứng rõ ràng nhất cho niềm say mê, mồ hôi, công sức từ những đêm vắt óc suy nghĩ tính toán của Trần Văn Thuyết và cộng sự. 

Gần 4 năm gắn bó với dự án đem đến cho chàng kỹ sư những điều chính anh cũng không thể ngờ. Đó là đủ mọi cung bậc cảm xúc không khác gì “chuyện tình yêu”. Đó là khoảng thời gian “cày ngày, cày đêm”, thậm chí ngủ luôn lại trung tâm hàng tuần để làm việc. Sau 5 tháng lập gia đình, Thuyết vẫn nhớ mình còn chưa kịp đi tuần trăng mật và chỉ nghỉ 2 ngày khi cưới bởi công việc của dự án đang đến thời điểm nước rút.

Sơn Thắng
.
.
.