Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào Khmer

Thứ Ba, 11/04/2023, 07:48

Công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn các tỉnh, thành vùng châu thổ Cửu Long đạt hiệu quả rõ rệt; phục vụ tốt phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN), củng cố khối đại đoàn kết toàn dân của các địa phương.

Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào Khmer. Những vị chức sắc, người có uy tín đã và đang đóng góp công sức cùng với chính quyền địa phương làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phật tử, bà con nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, đoàn kết, tương trợ nhau xóa đói giảm nghèo, góp phần cùng với chính quyền xây dựng phum, sóc giàu đẹp, bình yên”.

Theo đó, tỉnh Bạc Liêu có gần 67.000 người Khmer (chiếm 7,6% dân số), chủ yếu làm nghề nông, sống quần tụ quanh 22 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở các địa phương trong tỉnh. Đối với đồng bào Khmer, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tổ chức lễ hội, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống. Các nhà sư trong chùa có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của bà con. Từ những đặc điểm trên, Công an tỉnh Bạc Liêu chủ động phối hợp với các nhà sư, nhất là các vị Sư trụ trì trong chùa để thông qua họ vận động, tập hợp đồng bào Khmer tham gia giữ gìn ANTT tại phum, sóc.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào Khmer -0
Công an tỉnh Bạc Liêu thăm hỏi, tặng quà các vị chức sắc, đồng bào Khmer nhân Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay 2023.

Hòa Bình Cũ là ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Bạc Liêu được xây dựng cách đây khoảng 400 năm. Bà con thường xuyên đến chùa để sinh hoạt tín ngưỡng, nhất là vào các ngày rằm, mùng một hàng tháng. Đại đức Tăng Rương, Phó Trụ trì chùa, là vị sư nhiều năm tu hành tại đây, có uy tín trong đồng bào phật tử. Đại đức Tăng Rương là người mộ đạo và rất tôn kính Bác Hồ. Năm 2007, khi triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông đã lập bàn thờ Bác Hồ trong chùa cùng với bàn thờ Phật Thích Ca Mâu Ni. Qua đó, để tỏ lòng tôn kính, nhắc nhở các vị sư, đồng bào phật tử phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện noi gương Người. Đại đức Tăng Rương dành nhiều thời gian nghiên cứu về tư tưởng của Bác Hồ đối với các tôn giáo và dân tộc.

Theo ông, tư tưởng Phật giáo có nhiều điều phù hợp, tương đồng với tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là tư tưởng đại đoàn kết, tư tưởng cần - kiệm trong cuộc sống và tấm lòng yêu thương con người.

Trung tá Nguyễn Thành Công, Phó trưởng Công an huyện Hòa Bình, cho biết: “Công an huyện thường xuyên duy trì các mô hình tổ tự quản trong đồng bào Khmer. Thông qua tổ tự quản, người dân cùng tham gia với Công an trong quá tình bảo đảm ANTT trên địa bàn. Hiện nay các mô hình này hoạt động rất hiệu quả”.

Ngày 10/10/2014, Công an huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) phối hợp với các vị chức sắc, Ban quản trị các chùa Khmer tại xã Hưng Hội thành lập mô hình “Câu lạc bộ (CLB) 3 tích cực trong đồng bào Khmer”. Qua 9 năm hoạt động, CLB thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của Công an trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở. Các thành viên CLB tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hòa giải các mâu thuẫn trong họ tộc, vận động người dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống và tố giác tội phạm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tương trợ giữa các hộ gia đình.

Ông Thạch Son, Chủ nhiệm “CLB 3 tích cực trong đồng bào Khmer” xã Hưng Hội cho biết: “CLB duy trì sinh hoạt theo 3 mục tiêu cơ bản: Tích cực tham gia thực hiện tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ANTT và tham gia hòa giải ở cơ sở; tích cực bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và văn hóa cộng đồng; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới”…

Trà Vinh có gần 390.000 người Khmer sinh sống (chiếm 31% dân số), với 143 ngôi chùa. Ở các chùa Khmer, Sư cả không chỉ chăm lo phật pháp mà còn cùng với chính quyền tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện tại địa phương. Sư cả cũng vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, không tham gia đua xe và các tệ nạn xã hội. Các vị chức sắc thường xuyên tham gia cảm hóa giáo dục cộng đồng, hoà giải bất đồng trong đời sống của phật tử, cùng với địa phương vận động đối ứng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn, vệ sinh cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hòa thượng Thạch Oai, Phó Chủ tịch thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh cho biết: “Sinh hoạt tôn giáo được chính quyền địa phương rất quan tâm. Các lễ hội lớn của người Khmer như Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, Lễ Sen Đôlta, Ok Om Bok, chúng tôi được chính quyền đảm bảo ANTT, phân luồng giao thông, hỗ trợ kinh phí tổ chức… Hội có trách nhiệm tuyên truyền và vận động chư tăng, phật tử thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và chính sách phát triển KTXH của tỉnh”. Sóc Trăng có 401.747 người là đồng bào Khmer - đông nhất cả nước. Những năm qua, an ninh chính trị, TTATXH trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định. Các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đồng bào Khmer về các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tạo đồng thuận xã hội; quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của nhà nước…

Theo Đại tá Huỳnh Hoài Hận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, bảo đảm ANTT cơ sở; tổ chức thông tin hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể để nắm tình hình khu dân cư, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển KTXH, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp...

Văn Đức
.
.
.