Oằn mình chống chọi hạn hán khốc liệt
>> Ninh Thuận quay cuồng trong trận đại hạn
>> Chung cư cưu mang thí sinh vùng hạn hán Ninh Thuận
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Ninh Thuận – ông Phan Quang Thựu cho biết, từ giữa năm ngoái đến nay, với lượng mưa thấp hơn cùng kỳ 440mm nên nguồn nước bổ sung 20 hồ chứa phục vụ dân sinh và trồng trọt chỉ đạt 40% dung tích thiết kế, đến thời điểm này tổng lượng nước chỉ còn 15,65/192,21 triệu m3.
Nếu như trong vụ đông xuân 2014-2015 diện tích đất phải ngừng sản xuất 6.100 ha, trong đó có 2.314ha lúa và 2.886ha bắp, thì vụ hè thu 2015 diện tích đất phải ngừng sản xuất lên tới 10.229ha, trong đó có 5.023ha lúa và 5.206 ha cây trồng cạn.
Theo đó, hơn 91.000 tấn lương thực và cây trồng khác bị mất, 1.810 con gia súc chết, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp cũng không tránh khỏi thiên tai hạn hán nên tổng giá trị thiệt hại về nông – lâm – thủy sản lên tới 656,23 tỷ đồng.
Để có nguồn nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh Ninh Thuận không chỉ đào đắp, cải tạo giếng nước, đấu nối cấp nước 1.324 hộ gia đình, mà còn phải vận chuyển nước cung cấp cho 8.916 hộ gia đình gồm 43.935 nhân khẩu ở những nơi hạn hán khốc liệt, nguồn nước cạn kiệt hoàn toàn.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 – Trung đoàn 23 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tu sửa, nạo vét kênh mương giúp dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa chống hạn. |
Đứng bên thửa ruộng khô khốc, nứt nẻ, chị Pi Năng Thị Hoa – một trí thức người dân tộc Raglai ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái than thở bằng âm giọng buồn tẻ: “Cả năm không có một giọt mưa, sông suối trơ đáy chỉ còn đá cuội, hồ chứa nước cũng khô cạn, ruộng đồng bỏ hoang, nước uống cho người, cho bò cũng khan hiếm, cuộc sống bà con ở đây rồi sẽ khó khăn chồng chất”.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định đến thời điểm này có tới 106/161 hồ chứa nước đã cạn kiệt, tổng lượng nước chỉ còn 217/577 triệu m3, bằng 38% dung tích thiết kế, giảm so cùng kỳ trước đó 26 triệu m3, nên nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp khó khăn, trong khi đó theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, tình trạng nắng nóng, khô hạn ở Bình Định vẫn còn tái diễn đến đầu tháng 9-2015. Diện tích cây trồng hạn hán lên tới 6.395 ha, trong đó có 3.303ha lúa và 3.092ha hoa màu. Địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lâm vào tình trạng khô hạn lớn nhất là huyện Phù Mỹ gồm 3.395ha.
Theo Chi cục thủy lợi Bình Định, dự báo đến giữa tháng 7/2015 tổng diện tích sản xuất nông nghiệp bị khô hạn tăng lên 7.199ha.
Dù không khốc liệt như Ninh Thuận và Bình Định, nhưng nhiều địa phương ở Khánh Hòa cũng bị hạn hán. Ông Nguyễn Duy Quang – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Khánh Hòa cho biết, lượng mưa trong năm ngoái và nửa đầu năm nay trên địa bàn tỉnh này rất thấp nên lượng nước trong các hồ chứa có thời điểm chỉ còn 10-20% dung tích thiết kế, thậm chí mực nước ở các hồ Suối Trầu, Suối Hành, Am Chúa, Cam Ranh đã xuống dưới dung tích chết. Do thiếu nước sản xuất nên vụ hè thu 2015 có tới 1.400 ha phải chuyển đổi cây trồng đậu, lạc, 10.439 ha đất phải tạm dừng sản xuất, chờ đến khi có mưa mới gieo trồng.
Trước tình trạng hạn hán kéo dài trên diện rộng, các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận đều tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát, khoanh vùng sản xuất và quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước ở các hồ chứa; tổ chức quản lý, vận hành hệ thống thủy nông điều tiết nước khoa học, tiết kiệm phù hợp với yêu cầu của mỗi loại cây trồng nhằm tận dụng nguồn nước để chống hạn. Đặc biệt phải ưu tiên đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân và gia súc. Các địa phương chủ động hướng dẫn người dân tổ chức nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn, tiết kiệm nước tưới, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tận dụng các loại phụ phẩm chế biến, dự trữ dùng làm thức ăn gia súc trong điều kiện hạn hán.
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Xuân Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngày 8/6/2015 tỉnh đã có văn bản kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Công ty Cổ phần thủy điện DHD duy trì mức xả nước của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim từ thời điểm này đến tháng 9/2015 với mức nước bình quân 17-18 m³/s; đồng thời lùi thời gian đóng đường ống số 2 để duy tu, bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ để đảm bảo phục vụ nhu cầu nguồn nước phục vụ dân sinh, nước uống cho gia súc, gia cầm và nguồn nước tưới cho diện tích gieo trồng trong kế hoạch vụ hè thu.
Trước cơn đại hạn khốc liệt, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với những diện tích đất không có nguồn nước tưới phải dừng sản xuất dài ngày để người dân có điều kiện khôi phục sản xuất sau hạn hán; hỗ trợ xây dựng và tổ chức thực hiện đề án chuyển đổi tái cơ cấu cây trồng – vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái gắn với tiêu thụ. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT sớm xem xét hỗ trợ 88 tỷ đồng giống cây trồng để người dân Ninh Thuận có điều kiện khôi phục sản xuất sau hạn hán đối với diện tích phải dừng sản xuất 16.329 ha trong hai vụ đông xuân 2014-2015 và vụ hè thu năm 2015; hỗ trợ thiết bị tưới tiết kiệm để nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm có hiệu quả…
Đi qua những vùng đất Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước - tỉnh Ninh Thuận trong những ngày đầu tháng bảy này, nhìn những đàn cừu, dê, bò mệt mỏi bước lang thang trên cánh đồng khô hạn nứt nẻ, cây cỏ cháy vàng, bất kỳ ai cũng cảm nhận nỗi lo của người dân ở vùng đại hạn. Nắng vẫn đang trút lửa xuống những cánh đồng làng quê, chưa biết đến bao giờ mới có những cơn mưa “giải hạn” cho vùng đất này.