Người dân vùng gò đồi thỏa cơn “khát” khi có đất sản xuất

Thứ Năm, 07/09/2023, 06:40

Những ngày đầu tháng 9 này, khoảng 500 hộ dân, trong đó có nhiều hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ tái định cư của dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang sinh sống tại 2 xã vùng gò đồi Phong Mỹ và Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đang hoàn tất thủ tục cuối cùng để nhận từ 1ha – 2ha đất rừng/hộ do Nhà nước cho thuê để trồng rừng phát triển kinh tế. Hiện nhiều hộ dân rất phấn khởi sau bao năm “khát” đất sản xuất…

Có mặt tại khu tái định cư xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, sau khi giao đất cho Nhà nước thực hiện dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, gia đình ông đến nơi ở mới này và đã xây dựng được ngôi nhà mới hơn 700 triệu đồng từ tiền đền bù.

“Trước đây, ở khu kinh tế mới cùng xã, ngôi nhà gia đình tôi xuống cấp, hư hỏng nặng. Mỗi lần mùa mưa bão về, cả nhà đều sống trong thấp thỏm, lo âu. Nhưng hơn 3 năm nay, từ khi đến tái định cư xây được căn nhà mới cùng với hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, kết nối giao thông thuận tiện đã giúp gia đình tôi thuận lợi trong việc kiếm công ăn việc làm, ổn định sản xuất”, ông Tiến phấn khởi cho biết thêm.

thue-dat1.jpg -0
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Hạ Long (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) phấn khởi khi được thuê đất trồng rừng phát triển kinh tế.

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua 2 địa bàn Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, riêng đoạn tuyến qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài hơn 62km, đi qua 4 huyện, thị xã: Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc. Để phục vụ cho thi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Thừa Thiên Huế đã xây dựng 9 khu tái định cư cho hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng.

Ông Hồ Hữu Phú, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng khu vực huyện Phong Điền cho biết, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua huyện dài 23,8km và đã thu hồi gần 150ha đất của 811 hộ dân của 3 xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ để phục vụ cho dự án. Trong đó, có 80 hộ dân thuộc diện tái định cư. Huyện Phong Điền đã xây dựng 3 khu tái định cư với tổng kinh phí hơn 54 tỷ đồng tại 3 xã nói trên…

Dù công cuộc tái định cư đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng là “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”, thế nhưng với nhiều hộ dân cả đời gắn bó với nông nghiệp ở các xã gò đồi huyện Phong Điền lại “khát” đất sản xuất. Bởi, theo quy định, những hộ dân tái định cư đã nhận tiền đền bù và chuyển đổi nghề thì không được cấp đất sản xuất.

Ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho hay, trước những kiến nghị người dân về việc thiếu đất sản xuất khi đến nơi ở mới, cuối năm 2022, UBND xã Phong Xuân đã xây dựng đề án để các hộ dân không có đất rừng sản xuất được thuê đất trồng trọt.

Theo đó, dự kiến mỗi hộ dân sẽ được thuê khoảng 1ha/hộ và có hàng trăm hộ trên địa bàn được triển khai theo đề án, trong đó có các trường hợp người dân thuộc diện tái định cư cao tốc Cam Lộ - La Sơn nhằm giúp các hộ dân sớm ổn định khi đến nơi ở mới.

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, sau nhiều năm Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Phong Điền thuê đất để trồng rừng theo dự án 327, 661 phủ xanh đất trống đồi trọc đã hết thời hạn thì UBND tỉnh đã thu hồi và bàn giao lại cho UBND huyện Phong Điền quản lý hơn 1.000ha đất lâm nghiệp.

Qua rà soát, tại 2 địa bàn xã Phong Xuân và Phong Mỹ, có hơn 10.000 nhân khẩu sinh sống chính bằng nông nghiệp. Hiện, trên địa bàn 2 xã có khoảng 1.100 hộ gia đình, cá nhân có nhu đất sản xuất nhưng đang thiếu hoặc chưa có chưa có đất sản xuất.

Qua rà soát kỹ từng đối tượng, huyện đã lập danh sách 487 hộ, cá nhân ở 2 xã Phong Mỹ và Phong Xuân đủ điều kiện được thuê đất rừng để phát triển kinh tế hộ gia đình; trong đó, có nhiều hộ là đồng bào  dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, nhiều năm qua, do thiếu đất sản xuất nên nhiều hộ dân trên địa bàn xã vào rừng thu hoạch lâm sản ngoài gỗ và đi làm thuê, làm mướn ở nhiều nơi. Nay được chính quyền cho thuê đất từ 1 - 2ha/hộ gia đình hoặc cá nhân nên người dân rất phấn khởi.

Theo ông Chung, hiện, xã đang hoàn tất lại hồ sơ lần cuối và trong tháng 9 này sẽ cùng huyện bàn giao gần 170ha đất rừng cho 146 hộ dân. Trong đó, có hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số người Pahy và Vân Kiều.

Những ngày này, anh Nguyễn Văn Thành (trú bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ) - người dân tộc Pahy cùng vợ con thường xuyên đến thăm khu đất rừng mà gia đình anh sắp được Nhà nước bàn giao.

“Nhiều năm nay, do thiếu đất sản xuất nên để có tiền nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình, vợ chồng tôi phải đi làm thuê làm mướn thêm để có thêm thu nhập. Nay sắp được bàn giao đất rồi, vợ chồng tôi sẽ trồng cây keo tràm để phát triển thêm kinh tế”, anh Thành chia sẻ. Cũng như hộ anh Thành, nhiều hộ người dân tộc Pahy và Vân Kiều cũng thường xuyên túc trực tại những khu đất mình sắp được bàn giao để dọn dẹp vệ sinh, cuốc đất, làm cỏ… và chuẩn bị bắt tay vào trồng rừng keo tràm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây keo tràm đang là cây kinh tế chủ lực của người nông dân ở vùng gò đồi huyện Phong Điền nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, bởi cây này có đầu ra ổn định.

Được biết, 1ha keo tràm sau gần 4 năm thu hoạch, trừ chi phí sẽ thu lãi hơn 100 triệu đồng. Ông Hồ Đôn cho biết, đợt này, mỗi hộ, cá nhân sẽ được huyện phê duyệt cho thuê đất rừng tối thiểu là 1ha và tối đa là 2ha.

Thời hạn cho thuê đất là 20 năm, giá thuê đất là 160 nghìn đồng/ha/năm. Để việc cho thuê đất tránh sự khiếu kiện, khiếu nại; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Điền phối hợp với UBND các xã, thôn rà soát từng đối tượng được thuê đất.

“Các hộ được thuê theo thứ tự ưu tiên: hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống trên địa bàn xã có lao động nhưng sử dụng đất rừng dưới 0,5ha; hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng chưa có đất sản xuất lâm nghiệp và sử dụng đất rừng dưới 0,5ha; hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp thường xuyên sinh sống trên địa bàn xã có lao động nhưng chưa có đất sản xuất lâm nghiệp và sử dụng đất rừng dưới 0,5ha hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã có tham gia quản lý bảo vệ rừng theo dự án 327, 661…”, ông Hồ Đôn cho biết thêm.

Hải Lan
.
.
.