Vụ trao nhầm con: Các chuyên gia tâm lý nói gì?

Thứ Năm, 17/03/2016, 08:18
Người nào đau đáu tìm nguồn gốc thì cứ tìm, nhưng những người được tìm có quyền lên tiếng hay im lặng nếu họ thấy không cần xáo trộn cuộc sống gia đình yêu thương hiện có. 

Dư luận xã hội đang dành sự quan tâm đặc biệt sau khi một số vụ trao nhầm con ở Hà Nội được công bố.

Tuy nhiên, có một thực tế rất tế nhị đặt ra trong quá trình chúng tôi đi tìm hiểu và phản ánh loạt bài trên, mà không phải ai cũng biết, cũng như rất khó chia sẻ là: Trong khi người phát hiện bị trao nhầm đau đáu đi tìm người thân, thì hầu hết những người nằm trong diện nghi ngờ là người bị nhầm lại có vẻ chưa sẵn sàng đón hợp tác với phía chủ động đi tìm. 

Họ không lên tiếng, hoặc từ chối hợp tác, dù có các thông số hoàn toàn đủ để hoài nghi. Điều này khiến việc đi tìm người thân của những người biết chắc mình đang sống nhầm gia đình càng trở lên gập ghềnh. Muốn tháo gỡ, phải hiểu được tâm lý của người "bị" tìm.

Vì thế, việc phân tích tâm lý để hiểu vì sao họ không hợp tác sẽ giúp các gia đình đi tìm người thân hiểu được để có cách tiếp cận phù hợp nhất cho khát vọng đoàn tụ. Với quan điểm đó, chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia tâm lý có uy tín để tìm hiểu.

Ngành y tế ngày càng kiểm soát chặt qui trình trao nhận con sau sinh để tránh nhầm lẫn.

TS. Ngô Xuân Điệp, Trưởng Khoa Tâm lý học, Đại học KHXH&NV TP  HCM, cho rằng: "Đây là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, trước hết phải tôn trọng các quyết định của các đương sự. Nếu họ không muốn hay chưa muốn công khai chuyện này thì chúng ta phải tôn trọng, vì đó là quyền căn bản của họ. Nếu chúng ta can thiệp vào mà họ không đồng ý đã đưa lên báo, là chúng ta đang xâm phạm vào quyền được sống yên ổn của họ và chúng ta bị vi phạm pháp luật.

TS. Ngô Xuân Điệp.

Chuyện công khai hay không công khai huyết thống không quan trọng bằng họ có đang hạnh phúc và sẵn sàng làm điều đó hay không. Chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ chuyện này. Trong trường hợp này người đi tìm không phải là đối tượng cần bảo vệ, mà người bị đi tìm mới là đối tượng được bảo vệ và chúng ta phải bảo vệ họ. Khi họ phát hiện ra mình không phải huyết thống trong gia đình hiện tại, hay mình thuộc về một gia đình khác sẽ làm xáo trộn nhiều mặt cuộc sống của họ: quan hệ, cảm xúc, tình cảm, phương diện vật chất, thừa kế... làm cho họ không sẵn sàng hay chưa thực sự sẵn sàng."

Chuyên gia tâm lý Quỳnh Loan, làm việc tại một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội, chia sẻ: Tôi hiểu và hết sức chia sẻ tâm trạng của người đi tìm gia đình khi không được "phía kia" đón nhận ngay như khao khát của họ. Cần nhìn nhận sự việc một cách khách quan: Họ từ chối vì chính họ cũng bị sốc. Không thể ép họ nhận ngay được vì trường hợp chủ động là có động cơ tự thôi thúc, còn phía kia hoàn toàn bị động nên chưa có tâm thế đón nhận một sự xáo trộn lớn đến vậy. 

Do đó phải tôn trọng họ. Có thể một thời gian sau họ sẽ thay đổi. Tức là bây giờ họ cần thời gian để tiếp nhận thông tin nhầm đó, để chuẩn bị tâm lý chứ không phải họ không có cảm xúc hay vô cảm. Tôi đã từng theo một trường hợp tìm bố đẻ, mà phải mất 1 năm bên kia mới đón nhận con. Người đi tìm đừng trách móc vì chính những người kia cũng đang rất đau khổ nếu đó là sự thật. 

Tất nhiên theo tâm lý bình thường khi biết mình không phải là con ruột sẽ có tâm thế muốn tìm đến bố mẹ ruột của mình. Nhưng họ đi tìm trong 2 tâm trạng đối ngược, vừa mong ngóng được nhận bố mẹ đẻ, vừa lo sợ bị từ chối.

Chúng ta quả cũng khó để đặt mình vào địa vị của họ, vì cảm xúc khi đi tìm phụ thuộc vào sự gắn bó của họ với gia đình đã nuôi mình. Nếu đó là mối quan hệ vô cùng khăng khít thì việc đi tìm không bị đặt quá nhiều kỳ vọng và họ tâm lý sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều nếu mối quan hệ không khăng khít (chuyện này là bình thường vì nhiều khi là con ruột nhưng không phải lúc nào mối quan hệ mẹ con cũng gần gũi, thân thiết) thì việc đi tìm còn là một hy vọng có sự gắn bó hơn nữa với mối quan hệ mẹ con.

GS. TS. Vũ Triều Minh (Trường Đại học Tallinn, Estonia), nêu quan điểm: Đây là một tai nạn ngoài ý muốn, đòi hỏi phải khắc phục từ gốc và cũng phải cẩn thận để cuộc sống của người khác bình yên. Ở các nước tiên tiến, trẻ em có cơ hội như nhau, được xã hội lo ăn học, nên việc có tai nạn không phải là bố mẹ đẻ cũng không có gì nghiêm trọng. Vả lại, con người từ cát bụi lại về cát bụi, sống thì lo cho mình, cho gia đình, cho xã hội, cho loài người mới là quan trọng. 

GS. TS. Vũ Triều Minh.

Người Hồi giáo không có họ, chết không làm bia mộ, không có nghĩa trang vì họ lấp bằng để khỏi làm phiền sinh vật sống lần sau và mình cũng phải trân trọng họ. Theo tôi, lúc sống làm gì giúp cho mình, giúp gia đình, giúp xã hội, giúp loài người mới quan trọng và tuyệt đối không nên làm phiền người khác.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn bày tỏ: Người được đi tìm không sẵn sàng hợp tác vì có nhiều khả năng về tâm lý. Có thể họ thấy đã trưởng thành và không muốn đào bới quá khứ đã ngủ yên, làm xáo trộn cuộc sống hôm nay, khiến con cái, họ hàng ngơ ngác "ơ thế này mà không phải thế kia à?", rồi báo chí viết vào cuộc vv... 

Có thể do tình cảm đã gắn bó với gia đình đã nuôi họ, hoặc thấy nhận cũng không thay đổi được gì. Giống như có người biết vợ ngoại tình vẫn tặc lưỡi cho qua để giữ cuộc sống hạnh phúc hiện tại; có người ngoại tình có con rơi nhưng cũng không muốn nhận. Hoặc cha mẹ thấy mình nuôi con người khác và con mình cũng được nuôi nấng chu đáo chứ không phải lưu lạc, khổ sở, nên cũng kệ. 

Họ nghĩ việc nhầm con chỉ là vô tình chứ không phải là vi phạm. Có người không muốn nhận lại con có thể vì đã đinh ninh đứa con mình nuôi là con đẻ, đang có cuộc sống đàng hoàng, sẽ được thừa kế tài sản của gia đình, giờ lại mang ở đâu về một người chả biết tính nết ra sao, rồi pháp luật phải thừa nhận và đương nhiên, phải làm lại giấy tờ thừa kế…

TS. Đinh Đoàn.

Theo tôi không nên đi tìm. Người nào đau đáu tìm nguồn gốc thì cứ tìm, nhưng những người được tìm có quyền lên tiếng hay im lặng nếu họ thấy không cần xáo trộn cuộc sống gia đình yêu thương hiện có. Tôi cho rằng, ai khát khao đi tìm nguồn gốc là vô ơn bạc nghĩa với người nuôi mình, khi vô tình làm tổn thương người đã nuôi mình. 

Còn nếu người mẹ lại chủ động tìm con khi đã nuôi con người khác bao nhiêu năm thì tôi quả không hiểu nổi. Việc nhầm lẫn chỉ mang tính dân sự và việc nhận hay không là do tình cảm, không nên cậy nhờ cơ quan pháp luật mà để các gia đình tự thương lượng. Vì không có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan pháp luật cũng không thể can thiệp được.

Thanh Hằng
.
.
.